Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam 21-6, cho tôi mạn phép xin nói về một góc nghề nghiệp. Trong nhiều nghề đánh bạn với đêm khuya, có nghề văn và nghề báo. Nghề văn nghiêng về cảm hứng. Riêng với nghề báo còn là chuyện mọi nơi mọi lúc, đã vào quy-lát rồi thì cứ đúng giờ ấy là phải có ngần ấy ngôn từ, bất kể chuyện… cảm hứng có hay không. Cái khốc liệt của nghiệp báo là ở chỗ đó. Và những ngày này, ngoài nghĩa đam mê, nhiều người trong cánh nhà báo phải "thức trọn đêm nay để nhớ… Euro". Vừa xem vừa viết, cảm hứng phải có định hướng, chứ không thì… thừa chữ, mà không cảm hứng thì bài báo khô như ngói. Khổ vậy! Mà tâm cảm vài lời thôi chứ có than thở chi đâu…
Đối với dân ghiền bóng đá, có thể nói những ngày vui nhất là các kỳ so tài đỉnh cao như Word cup, Euro. Những ngày này có thể nói nhịp sống của nhiều người, nhiều nhà bị đảo lộn vì… trái bóng. Cánh viết báo thể thao cũng lâm vào cảnh tương tự, mà cái khổ nạn đôi khi còn dây dưa hơn. Bởi người hâm mộ xem xong thì tắt ti vi, lăn ra ngủ khì, còn người viết bình luận thể thao thì phải ngồi ngay vào bàn viết để có bài. Mà muốn có bài thì phải tìm đọc tài liệu, phải theo dõi cho kỹ diễn biến trận đấu, chứ không thể xem một cách khơi khơi cho thỏa. Nếu vợ có thương thì pha cho cốc sữa, còn không thì đành thui thủi một mình giữa đêm thâu với trái bóng, chứ biết làm sao, nghề nghiệp mà!
Bóng đá Word cup, Euro bên trời Tây diễn ra giữa ngày nắng đỏ, còn truyền trực tiếp sang ta thường lúc nửa đêm gà gáy. Ví như kỳ Euro 2004 này, ở vòng đấu bảng, liên tục mỗi đêm 2 trận vào lúc 11 giờ đêm và 1 giờ 45 sáng, kết thúc trận sau thường vào lúc 4 giờ sáng. Nếu coi vì thích thì còn chợp mắt được đôi giờ, còn với cánh viết báo thể thao thì cứ coi như trắng đêm. Anh em làm các tờ tin nhanh báo in thì phải xong ngay bài vở sau trận đấu khoảng nửa giờ, để còn kịp lên trang trình bày, đưa sang nhà in cho kịp sáng ra mở mắt, độc giả có tờ báo trên tay. Còn cánh làm phát thanh, truyền hình thì vẫn thường vừa xem, vừa viết, rồi kiêm luôn cả trình bày trên sóng. Thế nên, bài viết xong, chưa phải là xong, chỉ khi nào bản tin được phát đi mới thực nói rằng xong. Đôi khi vợ hỏi: "Sao công việc khổ thế?", ừ thì vất vả nhưng mình có niềm vui nghề nghiệp, dưng mà xem bóng đá, viết bóng đá cũng có cái lý thú để quên chút mỏi mệt thức khuya dậy sớm…
Nghề nào mà chẳng vui khi nhìn thấy thành quả, sản phẩm của mình, biết được mình đã đem một chút niềm vui cho mọi người. Mà nghề nào không có những phút giây phải vượt lên mình, nếu không muốn tụt hậu về chất lượng sản phẩm. Nhân mùa Euro nói chuyện thức khuya vì bóng đá, chứ chuyện đêm thâu đối với nghề viết lách báo chí chúng tôi đã nên quen thuộc lắm rồi. Một vấn đề hóc búa, một bài báo cho kịp giờ lên khuôn cho ngày mai, mà khoảng thời gian có được chỉ là màn đêm thì chỉ khi nào kết thúc dòng cuối mới có thể lên giường chợp mắt. Nhưng đôi khi không phải vì nhiệm vụ, bài vở thúc ép, sao vẫn thức, vẫn trở trăn không cách gì ngủ được, không muốn ngủ nữa. Dẫu càng thêm tuổi, ai cũng biết sức khỏe là chuyện trọng nhưng cuộc sống bộn bề dội vào trái tim nghề nghiệp. Viết làm sao đây, nói làm sao đây cho hết ý hết tình… Thôi tự nhủ lòng, ta đã sống trọn với đêm thâu và nghề nghiệp… Những bài báo rồi cuốn theo chiều gió, chỉ có chút tình của người cầm bút còn ở lại hay không?
. Hùng Phiên
(Đài Phát thanh Phú Yên) |