Sau chuyến hành trình dài gần ngàn cây số dưới nắng hè gay gắt, 16 văn nghệ sĩ Bình Định về đến Nhà sáng tác Vũng Tàu lúc chiều nhập nhoạng, đường phố sắp lên đèn. Mặc dù đã hết giờ hành chính, nhưng anh Đỗ Mão, giám đốc Nhà sáng tác cùng với cán bộ nhân viên vẫn nán lại đón đoàn trong tình cảm chân thành niềm nở như đón tiếp những người bạn thân xa nhau lâu ngày bỗng gặp lại.
Quả thực Vũng Tàu, thành phố xinh đẹp, thơ mộng đầy quyến rũ là nguồn cảm hứng vô tận đối với văn nghệ sĩ.
Vừa đặt chân lên đường phố Vũng Tàu nghe âm vang dạt dào của biển, nghe hương sứ nồng nàn lan tỏa trong buổi hoàng hôn, nhạc sĩ Gia Thiện đã bật ra nét giai điệu đẹp rồi sau đó phát triển thành ca khúc Hương sứ bên biển Vũng Tàu, tiết tấu lúc rộn ràng, sôi nổi, lúc đằm thắm lắng sâu, phần ca từ có chất thơ thấm đẫm.
Cũng từ cảm xúc âm vang của biển, nhà thơ Phạm Thành Trai ngay trong đêm đầu tiên thức trắng cùng tiếng sóng vỗ bờ, anh đã viết bài thơ Vũng Tàu đầy biểu cảm thoáng chút nỗi niềm.
Cá tính lãng tử, kiêu bạc, nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên thường xuyên rời trại đi tìm cảm hứng. Anh lang thang khắp Vũng Tàu, lên Bà Rịa, rồi thuê xe ôm vào tận Suối Nghệ thăm bạn thân đang ốm. Hôm trở lại trại, Khổng Vĩnh Nguyên đọc sang sảng cho bạn bè nghe chương đầu trường ca: Bà Rịa ơi, bà có nhớ cháu không. Với chất thơ hào sảng pha chút triết lý nhân sinh, chương I trường ca Bà Rịa ơi, bà có nhớ cháu không đã chiếm được cảm tình của bạn bè.
Tứ thơ ấp ủ từ lâu nên chỉ trong mấy ngày đầu dự trại, nhà thơ Trịnh Hoài Linh đã viết xong ba bài thơ: Gửi, Chim, Voi đá. Tứ thơ giản dị, mộc mạc mà sâu lắng thiết tha như chính con người anh. Trịnh Hoài Linh được bạn bè thân mật gọi là nhà thơ nông dân, bởi anh sinh ra và lớn lên trên một vùng quê chiêm trũng có truyền thống cách mạng. Hôm lên đường dự trại, đồng lúa quê anh đang mơn mởn trổ đòng. Nghe tin cơn bão số hai đổ bộ vào Bình Định, Trịnh Hoài Linh thở dài thao thiết: "Thế là mùa này mất trắng!" Từ cảm xúc xót xa đó, Trịnh Hoài Linh viết bài thơ tựa đề Gửi về nơi rốn bão trong những đêm thao thức dồn mọi tình cảm về hướng quê nhà. Nhưng rất tiếc, tứ thơ anh tâm đắc nhất chưa kịp hoàn chỉnh thành tác phẩm.
Tham dự trại lần này có 4 cây bút văn xuôi, mỗi người một phong cách, một bút pháp riêng. Nhà văn Lê Hoài Lương sắc sảo dữ dội với hai truyện ngắn Ái quốc, Sóng vẫn vỗ vào bờ năm tháng. Nguyễn Hoàn đằm thắm, tinh tế với truyện Khói đốt đồng, Trần Quang Lộc trữ tình, sâu lắng với Tiền, Lan trinh nữ. Nguyễn Dự trẻ trung, sôi nổi với truyện Giáo dục và Trăng khuất.
Bảy truyện ngắn phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài được thể hiện qua nhiều phong cách, nhiều bút pháp đã khẳng định được sự "sung sức" của các tác giả Bình Định trong đợt trại sáng tác lần này.
Họa sĩ Nguyễn Văn Cần là thành viên trẻ nhất trong đoàn. Lần đầu tiên dự trại sáng tác Vũng Tàu, Nguyễn Văn Cần xem đây là chuyến thâm nhập thực tế rất sinh động, rất thiết thực và rất bổ ích cho sự nghiệp sáng tác của mình. Cùng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Quyên, Nguyễn Văn Cần đi về thất thường, có nhiều hôm mê mải đi tìm cảm hứng quên ăn. Nốt nhạc quê, Biển đợi, Sân khấu cuộc đời với chất liệu bột màu, bút pháp khỏe, lạ, gam màu mạnh, anh đã hoàn thành sau nhiều đêm thức trắng. Nguyễn Văn Cần còn có nhiều phác thảo, ký họa phong cảnh Vũng Tàu thơ mộng, quyến rũ làm tư liệu cho những tác phẩm sau này.
Năng nổ, sôi nổi nhất đoàn là nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Quyên. Tờ mờ sáng, anh đã thức dậy mang máy móc lỉnh khỉnh đi rình chụp cảnh hừng đông trên biển. Tối, săn ảnh thành phố ban đêm. Nhiều ngày bỏ cơm đi lang thang tìm cảnh đẹp. Nghệ thuật "nắm bắt khoảnh khắc thời gian" vất vả, cực nhọc nhưng Duy Quyên vẫn hồn nhiên sôi nổi, anh ngâm thơ sang sảng, hát vô tư, lại còn sáng tác thơ nữa. Ngoài ba sáng tác ảnh nghệ thuật bố cục chặt chẽ, nội dung sâu sắc, ánh sáng đẹp giàu biểu cảm, Duy Quyên còn gởi thêm cho Ban tổ chức trại hai bài thơ rất ấn tượng!
Không náo nhiệt, không sôi nổi như những thành viên trẻ trong đoàn, các bậc tiền bối, các đấng đàn anh lặng lẽ trăn trở, day dứt trên từng trang bản thảo. Nhà thơ, nhà Folklor Hà Giao dịch trường ca Brăng Kăt từ tiếng Banar sang tiếng Kinh. Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, Phó chủ tịch Hội VHNT Bình Định, hoàn chỉnh tập bản thảo kịch bản sân khấu Cội nguồn - một công trình nghệ thuật chuẩn bị cho cuộc tổng hội diễn vào tháng 7 do Bộ VHTT tổ chức; nhà thơ Đào Duy Anh chỉnh xong tập bản thảo thơ Ngôn ngữ cánh đồng gió để chuẩn bị gửi ra nhà xuất bản. Nguyễn Hoàn, Phạm Thành Trai, Khổng Vĩnh Nguyên tranh thủ chỉnh sửa xong các tập bản thảo truyện ký, thơ, bút ký... kịp nộp cho Ban tổ chức trại viết. Đáng nể nhất là nhà thơ Võ Ngọc Thọ, bảy bài thơ nội dung phong phú, sắc sảo, tinh tế được thể hiện qua bút pháp mới mà tác giả sáng tác trong thời gian dự trại chắc sẽ chiếm được cảm tình của bạn đọc gần xa.
Nhà thơ Lê Văn Ngăn đã nhiều lần tham dự trại viết Vũng Tàu do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, nên anh có nhiều kỷ niệm với Vũng Tàu. Có cá tính đặc biệt, nhà thơ Lê Văn Ngăn lặng lẽ đi, lặng lẽ đến và lặng lẽ viết, viết từ trong ký ức, từ trong hoài niệm, từ trong cuộc sống đời thường. Mặc dù suốt bốn ngày bị cảm sốt phải cắt cơm thay sữa, nhưng anh vẫn viết xong ba bài thơ: Trong đêm, Dự cảm, Nhật ký với bút pháp rất riêng, rất lạ của anh.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí tuy nộp bài muộn nhưng ba ca khúc Anh đi tìm em, Mùa đông đã qua, Hương kỷ niệm (phổ thơ Lệ Thu) có nét giai điệu sâu lắng, trữ tình dễ đi vào thế giới nội tâm của con người.
Đang tập trung đầu tư sáng tác thì được tin cơn bão số 2 đổ bộ vào Bình Định gây nhiều thiệt hại. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng lập tức rời trại về Quy Nhơn khi cơn bão đang lên đến đỉnh điểm. Hầu hết số anh em còn lại cố đè nén nỗi niềm để hoàn thành công trình đã đăng ký.
15 ngày bứt khỏi mọi ràng buộc của cuộc sống đời thường để tĩnh tâm sáng tác, để thâm nhập thực tế tìm nguồn cảm hứng thoáng chốc đi qua. Với thời gian ngắn ngủi ấy, văn nghệ sĩ Bình Định đã gửi lại Nhà sáng tác Vũng Tàu tròn 40 sáng tác (gần 80% được sáng tác ngay tại trại), trong đó có 1 biên dịch, 1 kịch bản sân khấu, 3 sáng tác ảnh, 3 sáng tác tranh, 7 truyện ngắn, 3 bản thảo tập thơ, 1 trường ca (chương đầu), 15 bài thơ, 1 tập bút ký, 4 ca khúc...
Có thể 40 sáng tác chưa thành những tác phẩm hoàn hảo, chưa đạt đến giá trị nghệ thuật nhưng đó là những thành quả lao động rất đáng trân trọng mà văn nghệ sĩ Bình Định phấn đấu đạt được trong quá trình tham dự trại năm 2004.
. Trần Quang Lộc |