Ba anh em kết nghĩa: Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi sau khi bị Tào Tháo đánh bại ở Từ Châu mỗi người chạy một nơi. Lưu Bị đi với Vương Thiệu rồi lại về ở Nhữ Nam; Trương Phi thì chiếm giữ huyện Cổ Thành; riêng Quan Vũ bị vây ở Đồn Thổ Sơn phải tạm đầu hàng Tào Tháo. Sau đó, Quan Vũ cùng hai chị dâu (vợ Lưu Bị) bỏ trốn Tào đi tìm Lưu Bị, dọc đường chém sáu tướng, vượt năm cửa ải rồi đến Cổ Thành gặp lại Trương Phi, cho nên vở tuồng mang tên Cổ Thành vốn có lai lịch như vậy.
Trong kho tàng kịch mục của Kinh kịch Trung Quốc biểu hiện đề tài này chia thành hai vở: Quá ngũ quan và Cổ Thành hội. Ở sân khấu hát bội nước ta, Đào Tấn chỉ viết thành một vở lấy tên là Cổ Thành nhằm diễn đạt cuộc hành trình gian lao bỏ Tào ra đi của Quan Vũ, diễn đạt bằng phương thức nghệ thuật của riêng ông. Nghĩa là ông không diễn đạt cuộc chiến đấu từng cửa ải mà Quan Vũ phải vượt qua, ông chỉ tập trung diễn đạt cuộc chiến đấu ở cửa ải cuối cùng, cửa ải do tên tướng Tào khét tiếng là Hạ Hầu Đôn trấn thủ, rồi đến huyện Cổ Thành gặp người anh em kết nghĩa: Trương Phi. Chuyện kịch tưởng chừng như suông đuột, ấy vậy mà ngòi bút tài hoa của Đào Tấn đã tạo nên sức cuốn hút lạ thường. Nếu tôi không lầm thì sức cuốn hút ấy toát ra từ ba yếu tố sau đây:
Trước hết là yếu tố tài năng cấu tạo xung đột kịch: ở vở tuồng Cổ Thành, Đào Tấn chọn hai điểm nóng để biểu hiện xung đột kịch, đó là cuộc đụng độ giữa Quan Vũ và Hạ Hầu Đôn và cuộc chạm trán giữa Quan Vũ và người em Trương Phi. Xung đột trước gay gắt vừa phải, xung đột sau phải đổi bằng xương máu mới giải quyết được.
Chúng ta hãy thưởng thức tài nghệ của Đào Tấn qua cuộc đụng độ giữa Quan Vũ và Hạ Hầu Đôn:
Nghi trượng Quan Vũ vừa đến cửa ải thì Hạ Hầu Đôn đưa binh đón đánh.
Hạ Hầu Đôn:
Ta bảo cho
Hưu khứ, hưu khứ
Vật hành, vật hành
Hữu ngô lai đối địch
Khuyến quân vật đào sinh!
(Chớ chạy đi đâu, có ta đón đánh)
Quan Vũ:
Thừa tướng dĩ hứa hành
Nhữ do hà trở trú?
(Thừa tướng đã cho đi
sao ngươi còn ngăn cản)
Hạ Hầu Đôn:
Ờ, ngươi nói Thừa tướng ta cho ngươi quá quan?
Nào, có minh văn giở Đôn xem rồi truyền mở ải cho mà đi.
Quan Vũ:
Vũ ta hành sắc thông minh lắm, nên Thừa tướng đồ trung tương
biệt khẩu hứa thì có, chớ minh văn không ma...
Hạ Hầu Đôn:
Ờ, ngươi nói có Thừa tướng khẩu hứa, chớ không có minh
văn, nói vậy…
Dĩ bất kiến minh văn truyền bố
(Đã không thấy giấy tờ cho phép!)
Ta hỏi, Thừa tướng cho ngươi quá quan, chớ có cho ngươi tận sát bả môn quan tướng sĩ không mà ngươi... Cảm sát lai quan tướng tiền hành?(Sao dám giết các tướng giữ ải mà đi)
Thế là Hạ Hầu Đôn đánh Quan Vũ. Thực ra, Hạ Hầu Đôn không đủ sức đánh với Quan Vũ, ngặt vì ở các ải trước Quan Vũ đã bất đắc dĩ phải giết khá nhiều tướng giữ ải của Tào rồi nên không tiện giết tiếp Hạ Hầu Đôn.
Quan Vũ:
Thời ta đây...
Cảm Tào công hậu ý vị thường
(ghi ơn Tào Tháo đối xử tốt với ta)
Nên chi ta ẩn nhẫn đó mà thôi...chớ còn
Khán nhữ bối dung tài nan địch,
(xem ra tài các ngươi khó chống ta)
Quan Vũ đang đứng trước tình thế hết sức khó xử thì may sao có Trương Liêu mang chiếu chỉ của Tào Tháo đến truyền cho các Tướng giữ ải không được chống lại Quan Vũ. Hạ Hầu Đôn buộc phải "bảo hận hàm cừu ngô khứ dã", nghĩa là y rút quân trong danh dự, nói cách khác là y thoát được cái chết ngoài ý muốn của Quan Vũ.
Nhưng đến điểm nóng thứ hai - Quan Vũ gặp Trương Phi ở Cổ Thành thì tình nghĩa anh em chạm trán với sự nghi ngờ phản bội anh em, cuộc chạm trán vô cùng gay gắt:
Chẳng là những ngày ở Cổ Thành, Trương Phi luôn theo dõi tin tức của hai anh:
Từ Phi chiếm cứ Cổ Thành tích thảo đồn lương cũng đã khá, Phi trông ca ca Phi, Phi nhớ ca ca Phi, sao mà...
Tin tức một ngày một vắng
Kẻ nói ở Nhữ Nam, người đồn sang Hà Bắc
Huyên truyền nửa thiệt nửa hư
Phi biết mô mà tìm? Ấy là ca ca Phi, còn như nhị ca Phi
Thuở Hạ Bì phò nhị tẩu xa
Pho có nghe rằng đầu
Đầu Tào Tháo...
Nói vậy chăng là... Phụ tam nhơn ước?
Đã buồn, rượu vào Phi càng buồn, càng giận thêm:
Len lỏi đường mây một cánh nhàn
Bên thành trăng rọi ánh có đăng
Nhìn ánh sáng trăng rọi vào góc thành, trong đôi mắt của Trương Phi lúc này trở thành ánh đèn cô đơn. Bởi vì Phi nghĩ:
Anh hùng cũng có khi quyền biến
nhưng sao Phi lại nghe rằng: Tào Tháo trọng đãi nhị ca Phi lên ngựa tặng vàng, xuống ngựa tặng bạc, ba ngày tiệc nhỏ, bảy ngày tiệc lớn ? hừ yến, ẩm, yến, ẩm...ấy ấy...
Giận bấy quên đành nghĩa đệ huynh!
Chính vì vậy, lúc thấy mặt Trương Phi, Quan Vũ mừng chào: "Hảo tam đệ biệt lai vô dạng" (mừng chú Ba bấy lâu mạnh khỏe) liền bị Trương Phi mắng tới tấp: "Quái Quan hầu thậm thị phi nhân" (trách cho Quan Vũ ngươi không phải là giống người).
Quan Vũ ngơ ngác đến nỗi có miệng mà nói chẳng nên lời, cậy vào minh chứng của hai chị dâu không thuyết phục được Trương Phi; tự mình thú nhận tội lỗi xin được thứ tha cũng không lay chuyển được Trương Phi. Đã vậy lại thêm tướng Tào là Thái Dương kéo quân đuổi theo đánh Quan Vũ đến tận Cổ Thành làm cho sự nghi ngờ của Trương Phi càng được củng cố. Trước tình thế ấy, chỉ còn mỗi con đường là Quan Vũ phải giết Thái Dương ngay trước mắt Trương Phi mới mong giải tỏa sự nghi ngờ phản bội, đồng thời cũng là hành động kết thúc kịch một cách chóng vánh. Những gì mà Trương Phi hối hận sau đó chẳng qua như tiếng ngân hồi chuông cuối cùng của kịch mà thôi.
Thứ đến là yếu tố thơ của kịch. Nói cho cùng, xét về văn thể thì kịch bản tuồng hát Bội là một bảng trường thi hợp thể, hầu hết các thể thức, cách luận thơ trong văn học cổ nước ta đều có mặt, đều chung sống hòa bình trong kịch bản tuồng hát Bội. Ngay như yếu tố văn xuôi trong "lời hường", "lời kẽ" của kịch bản tuồng hát Bội cũng đậm đặc tiết tấu thơ trong bỏ chữ, ngắt câu.
Gọi là thơ của kịch, có nghĩa là khác hẳn với thơ tự sự, loại thơ mà tác giả được phép trưng bày tình cảm của mình với người đọc, người nghe. Còn thơ của kịch thì không được phép như vậy. Thơ của kịch thuộc loại "đại ngôn thể", tác giả nhất thiết phải thông qua nhân vật kịch mà truyền đạt hiện tượng cuộc sống đến người xem. Tác giả kịch hát nào đi lệch quỹ đạo ấy sẽ đi lạc đường lập tức. Chúng ta hãy nghe đoạn tuồng Đào Tấn biểu hiện cuộc chia tay giữa Quan Vũ và Trương Liêu. Chẳng là ngày trước Trương Liêu có chịu ơn Quan Vũ, giữa hai người có quen biết nhau, cho nên Tào Tháo đặc phái Trương Liêu mang chiếu chỉ đi truyền các ải không được giao chiến với Quan Vũ là vốn có ý sử dụng mối quan hệ giữa Quan Vũ và Trương Liêu hòng thu phục Quan Vũ ở lại với Tào Tháo. Do vậy, mở đầu cuộc chia tay, Trương Liêu tâm sự:
Thưa... Sứ quân (Lưu Bị) rày cư trú hà phương
mà... Ân huynh luống thê hoàng khách lộ (lạc loài dặm khách) làm vậy?
Quan Vũ trả lời:
Dĩ mông hậu ngộ, hậu ngộ
Thỉnh thị phân trần, phân trần
(Ghi ơn đối xử tốt, xin được trình bày lại)
(Khách) - Như ngã tam nhân, nguyện bất phụ đào viên chi cựu ước (Tình nghĩa giữa ba tôi, hẹn ước vườn đào thề chẳng phụ)
Nay ca ca ta lạc lạc cô tung, đông tây vị định, là ta...
- Hà sầu vạn lý, bổn dục cùng vũ trụ chi tương tầm.
(Nhọc nhằn dù muôn dặm, tận cùng vũ trụ cũng tìm nhau)
Trương Liêu:
Hay a...
Quả nhiên thiết thạch kỳ tâm
(Rõ là tấm lòng sắt đá)
Nhưng em xin ân huynh...
Thả niệm sinh hoàng nhã ý
(Nghĩ lại ý tốt như bản nhạc mời khách)
Từ xích thố trần đồ nhất chỉ
Em thấy Thừa tướng tư mộ ân huynh làm vậy là em
Luống "Bạch câu không cốc" hữu hoài
Huống chi... Nay Thúc hoàng viễn tín vị lai
Em muốn xin ân huynh
Về Hứa quân quân đài tái kiến
Ước nên chăng?
Quan Vũ:
Quân ngôn thậm thiện
Nhưng mà... Ngã chí bất di
Cố hữu có về ta xin gởi lời...
Tạ tướng công ý chí tương kỳ
Kim nhật bất báo, chớ
Đãi tha nhật ân tình tất báo
Quân! Truyền khởi hành!
Trương Liêu:
(đón lại) Hà!...
Tương phùng hà thảo thảo
Tích biệt hựu thông thông
(Gặp nhau trong chốc lát, chia tay lại vội vàng)
Xin ân huynh tạm trú đồ trung
Cho tiểu đệ thiểu thân trần khát
Tùy quan! Rượu đây! Thưa thưa...
Cung trần bạc chước
Hạnh ấp quang nghi
Chén tương phùng mà cũng chén tương ly
Người viễn xứ xin nhớ người viễn vọng
(Nam) - Viễn vọng tình nan cát xả
Giọt ly sầu dầm dã chinh y
Quan Vũ:
(Tán) - Ốc thủ nan vi biệt
Đồng bôi vị hữu kỳ
Kim nhật cô đình lao viễn tống
Tống nhân thiên lý chung tu nhất biệt
- Minh triêu lưỡng địa phí tương tư
(Cầm tay không nỡ dứt - cùng uống chửa hẹn ngày - Trạm vắng hôm nay chào tiễn biệt - tiễn đưa ngàn dặm rồi cũng phải chia tay - Ngày mai hai ngã nhớ thương nhau).
(Nam) - Xót xa thay lúc phân kì
Tình kia nghĩa nọ xin ghi tấc lòng
Trương Liêu:
(tán) - Tịch dương độ cô nhạn
Ly quần thanh bán không
(Ánh chiều lưa chiếc nhạn - Lìa bầy kêu không trung)
Em nghĩ như ân huynh...
- Mạng thế tối đa tài hựu thử phong trần lao cổ kiếm (Dưới thế bậc anh tài, lại vẫn thước gươm cùng gió bụi).
Còn như em đây, tự dữ ân huynh tương ngộ là em nghĩ rằng tứ hải tri kỷ... Ai dè ân huynh hữu thiên lý chi hành (có cho di xa), em trường đình bả quải (bịn rịn mà chi), á thương hại.
- Thân hiền thán vô phận, chỉ tương thế lụy khấp bình tung (Thẹn mình không xứng bạn đành rơi nước mắt khóc anh hùng)
(Nam) - Biết đâu là hội trùng phùng
Lòng son hẹn với non sông dễ mòn
Rất rõ ràng, đoạn tuồng phơi bày hết thảy ruột gan của hai người từng là bạn bè, nhưng lại sống trên hai chiến tuyến khác nhau, đối địch nhau, có dịp gặp nhau. Lòng họ nghĩ sao nói vậy, nói bằng thơ, tôi nghĩ thơ của kịch là thế đấy. Không phải đợi xem mới cảm nhận được sức cuốn hút nghệ thuật thơ của kịch mà đọc cũng sướng mắt, sướng lòng.
Yếu tố thứ ba, yếu tố bao trùm tác phẩm, đó là thuyết quyền biến, một sản phẩm lịch sử nhằm biện hộ hành vi làm tay sai cho giặc Pháp. Kẻ được dư luận thời bấy giờ nhắc đi nhắc lại không ngại mỏi miệng và coi như một hiện tượng tiêu biểu đó là nhân vật Tôn Thọ Tường (1847-1883). Quê ông ở Gia Định, ngay khi miền Đông Nam kỳ thất thủ, ông ra làm tay sai cho Pháp, được Pháp ban cho chức Đốc Phủ sứ, vì vậy người đời thường gọi là Đốc Phủ Tường. Học vị của ông như thế nào không rõ, chỉ biết ông từng đi thi thuê cho người khác; việc bại lộ bị giải ra Huế ở tù. Đọc bài thơ Lai kinh thọ tội, chúng ta bắt gặp ngay thuyết quyền biến không mấy lương thiện của ông:
Trải bảy mươi hai trạm tới kinh
Bao nhiêu tân khổ bấy nhiêu tình
Vì nhà túng rối nên quyền biến
Phép nước răn đe há dám khinh
...
Có người nói nhờ làm bài thơ này mà sau đó được vua Tự Đức tha tội. Không biết có đúng vậy không, nhưng với hai bài thơ Từ thứ quy Tào và Tôn phu nhân quy Thục "Thà mất lòng anh đặng bụng chồng" thì vượt quá giới hạn của thuyết quyền biến, đời không bao giờ tha tội. Nhất là đến mười bài Tự Thuật thì bộ mặt thơ việt gian của Đốc Phủ Tường hiện nguyên hình, dấy lên cuộc bút chiến giữa Đốc Phủ Tường với cụ cử Phan Văn Trị và các vị văn thân yêu nước khác khá xôn xao trong giới sĩ phu cả nước hồi ấy...
Đào Tấn viết Cổ Thành vào những năm 1898-1902 (Thành Thái 10-14) tức lúc ông đang ngồi ghế Tổng đốc Nam - Ngãi được mấy tháng thì đổi đi làm Tổng đốc An - Tĩnh lần thứ hai. Bút lực của tác giả tập trung vào sự kiện Trương Phi nghi ngờ Quan Vũ phản bội. Theo tác giả, "Anh hùng tự hữu quyền nghi xứ", nhưng quyền biến đến mức "thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân, tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến" thì rõ ràng là "Khả hận đô vong thủ túc tình". Đó mới chỉ là lý do nghi ngờ của Trương Phi. Còn Quan Vũ thì sao? Trả lời câu hỏi thăm dò của Trương Liêu, Quan Vũ nói như đinh đóng cột:
- Như ngã tam nhân, nguyện bất phụ Đào viên chi cựu ước...
- Hà sầu vạn lý, bổn dục cùng vũ trụ chi tương tầm.
Phải chăng đây là nguyên tắc sống của thuyết quyền biến mà tác giả tuồng Cổ Thành giải thích thông qua hành động của hình tượng Quan Vũ?
Một hiện tượng đáng lưu ý là so với các vở tuồng khác của ông Đào thì tỉ lệ Hán văn trong tuồng Cổ Thành đậm đặc hơn hết. Cho nên đọc và xem tuồng Cổ Thành tôi có cảm giác hình như ngay từ lúc cầm bút sáng tác ông sẵn có ý định viết riêng cho một đối tượng khán thính giả nhất định nào đó thì phải, giới sĩ phu chẳng hạn. Song, do vì Quan Vũ là vị thánh cũng được nhân dân ta rất kính trọng, lập đền miếu thờ cúng khắp nơi. Ở Bình Định, mỗi lần "hát đám", "hát rạp" (không luận là hát tế thần hay hát mừng) mở đầu cuộc hát người ta gọi là "hát thứ lễ" hầu hết đều diễn vở Cổ Thành. Do diễn nhiều, xem đi xem lại nhiều lần, và nghe người ta tán hay tán dở nhiều lần, do vậy mặc dù thành phần Hán văn đậm đặc người xem xưa nay vẫn nắm bắt kịp những gì sâu kín trong tác phẩm.
. Vũ Ngọc Liễn |