. Truyện ngắn của Cao Chư
Bây giờ thì thiên hạ ai nấy đều thấy rõ ông Bốn Ú là một con nghiện, một kẻ nghiện hát chính hiệu, chớ không phải để cho ra vẻ chịu chơi hay hòa đồng, hay gần gũi quần chúng gì sất. Bởi bây giờ ông đâu còn là chủ tịch huyện, ông đích thị là quần chúng, là phó thường dân rồi. Mà mỗi khi có dịp lễ cưới hay tiệc tùng chi đó có đông người dự, ông nhất định phải được hát, hát mỗi lần ít nhất hai bài, nếu không ông sẽ dỗi, bỏ cả chén đũa ra về.
Trần Ngôn kể rằng ông Bốn Ú bắt đầu nghiện hát từ cái thời ông còn làm chủ tịch huyện. Trước đó, ông vốn là người ăn cục nói hòn, chém đá chặt sắt, khô khan gân guốc như chính gương mặt của ông. Chuyện kể rằng một hôm ông chủ tịch huyện bỗng cao hứng cho tổ chức cuộc gặp mặt giao lưu với một đoàn hát về địa phương biểu diễn. Tiệc tùng bia bọt tràn trề. Để đáp lại tấm thịnh tình của ông, các ca sĩ đều đứng lên hát tặng ông một bài. Lần đầu tiên người ta thấy ông chủ tịch huyện, bây giờ đã béo phì, tay cầm que đũa gõ lên vành chén, đánh nhịp theo bài hát. Thôi thì ra trống đàn địch tưng bừng. Hơi men khiến con người ta can đảm hơn lúc bình thường. Ông chủ tịch huyện chẳng mấy chốc đã giằng lấy chiếc mi-cờ-rô đứng lên hát liền mấy bản tình ca. Đôi mắt ti hí của ông lim dim, tay ông dang ra, diễn tả theo câu hát. Người trong cuộc không ai bảo ai cũng họa theo, kẻ vỗ nhịp lên bàn, người cầm đũa gõ lên chén, dàn ra trống cũng cố bám đuổi cái giọng hát lỗi nhịp lạc phách của ông. Xong mỗi bài hát ông đều được mọi người xung quanh vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Lại cũng có người khác quả quyết rằng, nguyên do ông Bốn Ú bắt đầu mê hát hiếc là do thằng Đức lùn, trợ lý của ông. Trước đó Đức lùn đã nhiều lần rủ rê ông đi hát karaoke ở tỉnh. Nhờ có chữ hiện lên màn hình mà thầy trò ông, vốn rất ú ớ về nhạc, mới thuộc được các bài hát, và buổi chiêu đãi nọ chỉ là bữa ra mắt chính thức của giọng ca "vàng". Ai biết được sự thật ra sao. Chỉ biết rằng Đức lùn vốn nói năng uốn éo giọng lưỡi, lẽo đẽo theo ông như hình với bóng, hôm ấy cũng ngồi đó, đưa hai tay lên quá đầu vỗ tay tán thưởng trước tiên.
Chừng như kể từ đó, Bốn Ú bỗng mê hát thật sự. Tiếng đồn ông chủ tịch huyện đầy uy quyền nhưng rất chịu chơi được Đức lùn bơm ra làm ông khoái chí. Cũng có người nghe được, lắc đầu: Giả như ông chủ tịch huyện dồn sức cho việc công thì hơn! Có kẻ độc miệng bảo, xưa kia quan huyện cỡ như ông không được và không nên dính vô nghiệp ca xướng. Ca xướng nó làm mê hoặc tim óc con người, còn tỉnh táo đâu để mà cai trị dân! Lại có người công khai phê bình sự ham mê ca hát của ông, liền bị ông gạt phắt: Ham mê văn nghệ thì có hại gì, có ảnh hưởng tới ai, có luật lệ nào cấm! Mà cũng cần phải có sự hòa đồng với quần chúng nữa chứ! Không thể lay chuyển được ông, có kẻ còn bóng gió rằng ông đã bắt đầu đam mê tửu sắc. Các cô ca sĩ xinh tươi hơn hớn chính là cái hơi hám khiến ông lao vào các cuộc hát hò. Mặc! Ông Bốn Ú vẫn cứ hát, hát vô tư và luôn được cả đám người vây quanh đánh nhịp, vỗ tay, hét to tán thưởng. Thậm chí có khi trong cuộc họp, sau khi đọc bài diễn văn, ông hát luôn một bài cho nó vui vẻ trẻ trung. Ông cũng luôn để tâm giao lưu với các ca sĩ nghiệp dư, các đoàn hát, ưu đãi họ và được tiếng là một mạnh thường quân của văn nghệ.
Nhưng rồi sự đời bỗng vần xoay. Ông Bốn Ú từ chủ tịch huyện đổ kềnh xuống làm phó thường dân. Làm phó thường dân còn phúc, lẽ ra ông còn phải bị ra tòa vì vi phạm kinh tế - người ta rỉ tai nhau. Tội nợ cho văn nghệ, người ta còn bảo do ông ham mê ca xướng mới dẫn tới sự vi phạm ấy. Bị lăn kềnh xuống phó thường dân, Bốn Ú lúc đầu hơi bị choáng, sau tỉnh lại, ông trở nên kẻ bơ bơ bất cần đời. Chả biết và cũng chả thiết làm nghề gì, Bốn Ú cứ đi lông bông rong chơi như để cho thiên hạ biết mặt. Còn nguồn tài trợ thì ông chả phải lo, theo như ông nói, nhờ bà vợ buôn bán vẫn cứ phát đạt. Thôi giữ chức chủ tịch huyện về sống ở quê, ông vẫn mang theo mình ba cái thứ. Đó là cái biệt danh Bốn Ú mà thằng cha nào đó đã lén gán cho; đó là cái giọng nói nằng nặng rằn rặn như đang ra lệnh cho ai; còn sự nghiện hát thì khỏi phải nói. Người ta đâu dễ bỏ cái thói quen, cái quán tính, cái niềm đam mê!
Ông vẫn không thể bỏ qua được dịp hát trong các buổi tiệc tùng, các lễ cưới. Có điều khác là bây giờ không thấy ai đến nài nỉ "anh Bốn" lên cho thiên hạ được thưởng thức giọng ca vàng. Đức lùn vắng bặt, mà những người xung quanh cũng không thấy ai gõ nhịp cho ông hát, dù bàn tay ông vẫn cứ giang ra đánh nhịp. Ông cảm thấy mình bị ruồng rẫy, bị xúc phạm. Nhưng chuyện gì lâu rồi cũng thành quen. Thế là trong các buổi lễ tiệc, ông tự đăng ký để người ta giới thiệu ông lên hát. Ông hát say sưa và nếu có dàn nhạc đệm thì theo được cái nhịp phách loi choi của ông cũng đã vã mồ hôi. Kết thúc bài hát bao giờ cũng có tiếng vỗ tay hô hét đòi hát tiếp, tiếng huýt sáo không hiểu là gì. Có lần có cả bà vợ ông cùng đến dự. Khi về nhà, bà vợ dân buôn nói toạc máng heo: Ông hát hò nghe lạt xạch như nước ốc mà cứ thích hát làm chi! Bốn Ú vặn lại: Không hay sao người ta vỗ tay xin hát tiếp? Bà vợ mặt lạnh tanh bảo: Họ muốn chọc quê ông, mà có thể họ muốn giữ lịch sự. Cái máy karaoke còn muốn giữ lịch sự, ai hét to nhất nó liền cho điểm nhất, lại cho giải thưởng bàn tay vàng!
Bốn Ú nghĩ bà vợ ghen bóng ghen gió nên nói kháy mình, bỗng nặng giọng:
- Hừm! Bà im đi! Tôi hát thì hại gì ai đã nào!
Vâng, hát đâu có hại ai. Và ông cứ hát. Một hôm xem ti-vi ông bỗng vỗ đùi đánh đét thấy khoái cái tay ca sĩ nào đó lĩnh xướng bài "Alibaba", hàng ngàn trẻ em rập ràng hát đế theo, nghe đến sướng lỗ tai. Ông ghi nhớ để đến hôm tết Trung thu, ông đi dự với trường tiểu học tại Nhà văn hóa huyện có hàng ngàn em học sinh tụ họp vô hội trường vui chơi. Sau khi một thầy giáo trân trọng giới thiệu, ông đón lấy cái mi-cờ-rô lên sân khấu, hắng giọng, tay giang ra đánh nhịp và hát:
- Khi xưa Alibaba như vầng trăng sáng chiếu trên trần gian…
Ông gắng nuốt nhả chữ thật nhanh, đột ngột dừng lại để nghe tiếng đế "Á… li ba bà…", nhưng cả hội trường vẫn im re. Sao vậy nhỉ? Học sinh có ngoan không mà chả chịu hát theo?
- Không. Thưa bác… nguyên chủ tịch. Chỉ tại bác hát sai cả nhịp phách, làm sao học sinh các em đế theo được!
- Hừm. Từ xưa tôi hát nhiều người đánh nhịp vẫn được kia mà.
Thầy giáo nọ đứng lên hình như không thích tranh luận, cầm lấy cái mi-cờ-rô từ tay ông, hát lại câu mở đầu và cả hội trường đều đế theo nhịp nhàng, khiến ông Bốn Ú cũng nhịp nhịp hát theo. Té ra xưa nay ông đã hát lỗi nhịp. Mẹ kiếp, mấy thằng gõ giữ nhịp cho ông cũng lỗi nhịp. Nhưng không sao. Hát xướng không hay chả hại ai. Ông vẫn cứ nghiện hát xướng mà có cả đám đông người đế theo…
. C.C |