Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (sinh năm 1913 tại Nam Định) vừa qua đời ở tuổi 92, đã nổi tiếng cách đây hơn 60 năm với các bài mang đậm phong vị làng quê và lễ tết Việt Nam như Đám cưới mùa xuân, Đám hội, Đường về quê mẹ, Trăng hè...
|
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ |
Nhắc tới ông, người ta nhớ chợ Tết xưa mà ông đã tả trong thơ với những "thằng cu áo đỏ chạy lăng xăng", những cụ già "bước lom khom", những cô yếm thắm "che môi cười lặng lẽ", những em bé "nép đầu bên yếm mẹ" và cùng đi với họ trên đường là những người trong thôn gánh heo ra chợ: Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu. Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau. Không chỉ tả vật tả người, ông còn rất tài tình qua "cái thấy" rất thơ: Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, và Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa. Đến cổng chợ, có con trâu "vờ dim đôi mắt ngủ", anh hàng tranh "kĩu kịt quẩy đôi bồ", một thầy khóa gò lưng "hí hoáy viết thơ xuân", chú hoa man "xếp lại đống vàng trên mặt chiếu". Giữa cảnh đông đúc xô bồ: Áo cụ lý bị người chen xấn kéo. Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra, và lũ trẻ mặc cho mấy người chị đang gọi khản cổ cứ đứng lại xem mãi mấy bức tranh gà sặc sỡ. Rồi bên thúng nếp trắng đầy như tuyết, mẹt cam đỏ chót như son, là cảnh: Con gà sống mào thâm như cục tiết. Một người mua cầm cẳng dốc lên xem. Trong các bài khác, như Đám hội, cũng đông vui, rộn ràng. Đôi lúc hóm hỉnh: Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát. Một chị đương đu ngửa tít trên không. Cụ lý già đứng lại ngửng đầu trông. Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh. Mấy cô gái nép gần hai chú lính. Má đỏ nhừ bẽn lẽn đứng ôm nhau...
Với những hình sắc tươi vui, người người hân hoan như thế, thơ Đoàn Văn Cừ đã lìa xa nỗi buồn để phác thảo những bức tranh làng quê, ngày cưới, đêm hè đậm nét hương xưa. Nếu những thập niên 1930-1940 xuất hiện nhiều bài thơ tình khá hay lấy cảm hứng từ niềm đơn độc, nhớ nhung, vắng vẻ trong nhà, thì cạnh đó, những bài hay nhất của Đoàn Văn Cừ lại đưa thơ "ra đường", đông đúc, vui cười như chợ Tết. Điều ấy được "người đương thời" như Hoài Thanh - Hoài Chân khẳng định và đánh giá: "Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn Cừ". Khi trích thơ ông vào Thi nhân Việt Nam, in lần thứ hai tháng 10-1941, Hoài Thanh - Hoài Chân vẫn "chưa biết gì thêm về con người ấy" ngoài sáu bảy bài thơ đăng trên Ngày Nay. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân, dạy học, làm thơ, tham gia chính quyền nhân dân tỉnh Nam Định (1945), gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc (1946). Trong kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau 1954, làm ủy viên thường trực Chi hội Văn nghệ liên khu III, cán bộ biên tập - xuất bản thuộc Bộ Văn hóa... Tập Thôn ca (1960) tập hợp các sáng tác của ông trước và sau Cách mạng Tháng Tám, trong đó phần Ngày xưa gồm một số bài đã đưa tên tuổi ông vào làng thơ Việt Nam.
. Theo Thanh Niên |