Suốt một đời tận tụy với thơ, với cuộc đời và lý tưởng, Chế Lan Viên (1920-1989) mất đi còn để lại hàng ngàn bài thơ "Di cảo" làm chấn động thi đàn. Suốt đời ông băn khoăn tìm tòi sáng tạo để đạt tới những đỉnh cao của thi ca.
|
Nhà thơ Chế Lan Viên (bìa trái) tại Paris năm 1968 |
Ông đã đọc, nghiền ngẫm tất cả các nền thơ cổ kim đông tây của nhân loại: từ thơ Đường đến thơ Pháp, thơ Tây Ban Nha, Nga...; đọc kinh Phật, kinh Thánh, kinh Coran và dĩ nhiên thấm nhuần chủ nghĩa Mác và "nhận vào mình phẩm chất Hồ Chí Minh"..., và tất cả là để cho chiều sâu triết học của thơ.
Ông phát hiện ra Tổ quốc của thời chiến đấu "tâm hồn ta khi Tổ quốc soi vào - thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ"... và đặc biệt, ông phát hiện ra nhân dân - một nhân dân khí phách, kiên cường gánh chịu hy sinh, thương đau để đất nước sống còn: "Con về với nhân dân như nai về suối cũ. Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa…".
Khi đã đi cùng Tổ quốc, nhân dân; ông đã đem hết tâm huyết ngợi ca cuộc đời chiến đấu, tầm vĩ đại - tầm cao nhân văn của cuộc chiến đấu cho Tổ quốc ấy: "Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Chưa đâu - và ngay cả trong những ngày đẹp nhất… Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả. Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn".
Một nhà thơ "sử thi", đúng vậy! Nhưng phải chăng chỉ có ngợi ca, sử thi mà quên mất những chuyện tình yêu, khổ đau, những chuyện xiết bao "văn xuôi" của đời thường. Không. Chế Lan Viên đem thơ mình làm "nhiệm vụ" - cũng như bất cứ ai thời ấy - kẻ ra chiến trường, người chiến đấu, công tác ở hậu phương cũng đồng thời là chiến trường chống chiến tranh phá hoại... Chế Lan Viên tự lương tâm mình cảm thấy và tự giác gánh lấy trách nhiệm làm người phát ngôn bằng thơ cho cuộc chiến đấu.
Nhưng thơ ông không quên "hoa ngày thường" khi làm "chim báo bão", không quên chú ong bay trong nhà Tỉnh ủy Hưng Yên, một cánh cò trong giấc mơ đứa con gái nhỏ, hoa súng hồ Tây được anh "yêu thương suốt cả một ngày", "trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ", "người mang lại ái tình không ở cùng anh nữa", nỗi nhớ người yêu như nhớ nắng và tình yêu "tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ, nhưng bên ngoài vẫn cứ trắng như không"...
Chế Lan Viên là một nhà thơ toàn diện, một nhà thơ theo đúng nghĩa kiểu loại nhà thơ lớn của bất cứ thời nào. Chế Lan Viên trải rộng trang thơ để đón lấy tất cả cuộc đời. Chúng ta đã từng đọc Maiakovski, Aragon, Eluard, Neruda, Nazim Hikmet, Nezval... những nhà thơ lớn thế kỷ 20... Chúng ta thử đo Chế Lan Viên theo kích tấc ấy, thì thấy Chế Lan Viên lúc sắp mất còn dồi dào sức sáng tác, sức mở rộng các thi pháp, các đường biên của thơ, kiêm toàn đông tây kim cổ, nghĩ sâu sắc về thơ, về đời, về dân tộc và nhân loại hơn lúc nào hết. Chỉ có điều Chế Lan Viên viết tiếng Việt, ở tận châu Á và gặp lúc thế giới bao nhiêu diễn biến; nếu không, Chế Lan Viên xứng đáng đại diện cho thơ Việt Nam đối thoại ngang tầm cùng thơ thế giới.
Thi ca và cuộc đời Chế Lan Viên là cả một thế giới mà chúng ta còn phải khám phá lâu dài (sau hàng ngàn trang viết sau khi ông mất cũng như các luận văn tiến sĩ về thơ ông, vẫn còn lại bao nhiêu điều phải nghĩ...). Nhưng cuộc đời ấy gởi cho tất cả những người yêu ông, đọc ông một lời nhắn: hãy yêu và dựng xây, chiến đấu cho cuộc đời "như đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng", vì "những ngày ta sống là những ngày đẹp hơn tất cả"...
. Mai Quốc Liên
(Báo SGGP) |