Nhạc hải ngoại đi về đâu?
16:42', 7/7/ 2004 (GMT+7)

Điều đáng ngạc nhiên là trong nhiều năm qua, có nhiều ca sĩ thành danh từ trong nước, vì lý do này hay lý do khác đã sang định cư ở nước ngoài. Ngay tức khắc họ bị lôi cuốn vào dòng nhạc hải ngoại… Thật là buồn cười và đáng xấu hổ cho những con người bật gốc khỏi quê hương, trở nên hèn hạ vì sự sinh tồn. Ca nhạc hải ngoại bế tắc, và những người vội vã đi theo sự bế tắc đó sẽ nghĩ gì?

Hồ Lệ Thu trong Thúy Nga 74 (ảnh chụp qua video)

Một trong những chương trình ca nhạc "nổi đình nổi đám" trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại là chương trình "Thúy Nga Paris by night". Tính đến nay, đã có 74 chương trình Thúy Nga sản xuất sau gần 30 năm hình thành. Dưới góc độ văn nghệ tha phương, thì đây là chương trình có đầu tư theo cách "đi xem hát" với cách thiết kế sân khấu, trang phục ca sĩ, bắt mắt. Người đến xem nhiều hơn là nghe.

Tại sân khấu này, đã hình thành những giọng ca mới ở hải ngoại, và cũng tại đây, luật đào thải khắc nghiệt cũng đã diễn ra. Trong cộng đồng người Việt đông đảo ở nước ngoài, những chương trình ca nhạc như Thúy Nga đã trở thành nơi dành riêng cho giới Việt kiều có tiền, đa phần là trung niên và lớn tuổi. Bởi với một vé xem chương trình vài trăm USD không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra để xem. Lệ thuộc vào đối tượng khán giả của mình, Thúy Nga đã không thể thoát ra cái vòng "ca nhạc hoài niệm", "ca nhạc rên rỉ" - mà dòng nhạc này gần như đã bị đào thải hay không còn khán giả ở trong nước.

Điển hình như chương trình Thúy Nga 74 vừa được phát hành. Đây là chương trình song ca tổ chức tại Mỹ nhằm vào cộng đồng người Việt tại đây. Có thể thấy nếu những chương trình: "Tuyển chọn ca sĩ, Tuyển chọn MC" với ngôn ngữ dung tục, phải mượn tay nghề của đạo diễn trong nước, phải mượn bối cảnh trong nước và một số ca sĩ trong nước, thì Thúy Nga dẫu muốn thoát ra sự bế tắc lại vẫn cứ lẩn quẩn trong cách dàn dựng chương trình với hai gương mặt MC cũ: Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Các ca sĩ Phi Nhung, TrườngVũ, Bảo Hân, La Sương Sương… khá quen thuộc với khán giả Việt kiều vẫn không thoát khỏi dòng nhạc "thị hiếu" theo nhu cầu của lượng khán giả giới hạn của mình.

Với chính sách cởi mở của Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện cho mỗi năm có gần 300.000 Việt kiều về nước sum họp với gia đình - chính sự tạo điều kiện này đã khiến cho những người làm âm nhạc ở hải ngoại "lấy vốn ở trong nước" để đem ra nước ngoài. Trong đó, có thể thấy không ít ca khúc của các nhạc sĩ trong nước được các chương trình ca nhạc hải ngoại sử dụng. Tại sao? Bởi chính các nhạc sĩ ở hải ngoại đã bị bế tắc ca từ - họ không sống được trong môi trường âm nhạc thật sự cho nên nốt nhạc khó sống. Còn những người trẻ thì gần như đã bị "Mỹ hóa" với nền âm nhạc xứ người.

Việc hò hét, chống đối với các ca sĩ Việt Nam sang biểu diễn ở một thiểu số cá nhân trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài thật ra chỉ là sự tự ti. Đa phần Việt kiều sống ở nước ngoài khao khát được hưởng thụ một nền âm nhạc có hơi thở ở trong nước, đó là một nhu cầu có thật. Sự bế tắc của sân khấu ca nhạc hải ngoại là lẽ đương nhiên. Vì thế mà không ngạc nhiên khi có một số ca sĩ hải ngoại khi trở về Việt Nam rất tha thiết được hát cho đồng bào nghe.

Điều đáng ngạc nhiên là trong nhiều năm qua, có nhiều ca sĩ thành danh từ trong nước, vì lý do này hay lý do khác đã sang định cư ở nước ngoài. Ngay tức khắc họ bị lôi cuốn vào dòng nhạc hải ngoại. Và tất nhiên, bên cạnh những lý do chính đáng như đoàn tụ với gia đình, có những ca sĩ thỉnh thoảng lên sân khấu hải ngoại hát như là cái nghiệp, cũng chẳng làm phiền lòng người ái mộ trong nước. Điều cốt lõi là họ đã chết ngay trong lòng người ái mộ ở quê hương. Ca sĩ Như Quỳnh sang Mỹ trở thành Quỳnh Như khá thành công là một ngoại lệ. Nhưng những Ái Vân, Thanh Lan đã không còn sân diễn, thậm chí chẳng ai quan tâm hiện nay họ sống như thế nào.

Một chút tội nghiệp cho những người tìm cách ra nước ngoài rất muộn màng, và để có đất dung thân đã làm những điều "trở mặt với quê hương" như Bằng Kiều. Trong Thúy Nga 74, ta nhìn thấy một Bằng Kiều vô hồn, nhưng trong tờ chương trình thì tên Bằng Kiều không được giới thiệu. Minh Thuyết từng hát cặp với Cẩm Ly giờ cũng xuất hiện như một bóng mờ. Buồn cười nhất là Hồ Lệ Thu, cô ca sĩ nhóm Techno một thời, được khán giả trong nước ái mộ dẫu chưa nổi tiếng lắm. Thế rồi Hồ Lệ Thu sang Pháp học thiết kế thời trang và ở lại. Sự xuất hiện của Hồ Lệ Thu trên Thúy Nga 74 thật buồn cười. Cô cho rằng hai năm qua cô rất thèm được hát, cám ơn Thúy Nga đã tạo điều kiện. Còn nữa, Hồ Lệ Thu còn "xin xỏ" khán giả hải ngoại rộng lòng nhận cô (?). Thật là buồn cười và đáng xấu hổ cho những con người bật gốc khỏi quê hương, trở nên hèn hạ vì sự sinh tồn. Ca nhạc hải ngoại bế tắc và những người vội vã đi theo sự bế tắc đó sẽ nghĩ gì?

. Khuê Việt Trường

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chế Lan Viên - Cõi ẩn hình của thơ cần khám phá   (05/07/2004)
Ngọn lửa xanh   (02/07/2004)
Đoàn Văn Cừ: Người đưa thơ ra "chợ Tết"  (30/06/2004)
Cảm nhận qua tác phẩm "Nét quê" của Phạm văn Chai  (30/06/2004)
Cúc quỳ  (28/06/2004)
Tiếng sóng xưa  (28/06/2004)
Đào Minh Tâm với thể loại kịch ngắn   (27/06/2004)
Người nghiện hát   (25/06/2004)
Cổ Thành với thuyết quyền biến  (07/07/2004)
Ghi chép từ trại sáng tác Vũng Tàu   (22/06/2004)
Trần Quang Long và tập thơ "Thưa mẹ, trái tim"   (22/06/2004)
Chùm thơ không đề của nhà báo Mai Thìn  (20/06/2004)
Đêm thâu nhà báo  (20/06/2004)
Ngôi nhà trong giấc mơ  (18/06/2004)
Sôi động và tĩnh lặng   (18/06/2004)