Thì nàng đâu phải phong ba một đời
Dẫu không khuấy nước chọc trời
Lật nhào cung điện đổi ngôi Sơn hà
Thì nàng vẫn mãi bên ta
Tiết trinh đâu phải chỉ là tiết trinh
Thúy Vân trăm đẹp ngàn xinh
Vẫn không thay được bóng hình Kiều xưa
Yêu như ai đó bằng thừa
Lấy em thay chị lại vừa được quan
Ta đây quyết chí tìm nàng
Dẫu xơ xác nhụy dẫu tàn tàn hương
Thủy chung vẫn vẹn yêu thương
Thói đời như lớp mờ sương sá gì
Thơ đàn một gánh ta đi
Cách xa cái chốn thị phi tầm thường
Mà thôi, thôi đã đoạn trường
Phải chi Kim Trọng đường đường là ta.
* Lời bình:
Từ khi ra đời đến nay đã hơn hai trăm năm, Truyện Kiều của Nguyễn Du là nguồn thi hứng dồi dào của biết bao văn nhân, thi sĩ. Có người nghe câu chuyện mà cảm xúc: "Nổi chìm kiếp sống lênh đênh; Tố Như ơi! Lệ chảy quanh thân Kiều" (Tố Hữu); cũng có người cảm xúc theo từng nhân vật để nghiền ngẫm, gửi gắm những suy tư của mình; có người vịnh thằng bán tơ; có người suy nghĩ về Đạm Tiên; lại có người cảm xúc với hào khí ngút trời của người anh hùng Từ Hải…
Tác giả Văn Trọng Hùng với đầu đề bài thơ "Gửi Thúy Kiều" nhưng lại nói về Kim Trọng. Tác giả như tranh chấp với chàng Kim về người đẹp: Phải chi Kim Trọng là ta/ Thì nàng đâu phải phong ba một đời.
Bằng một loạt những hình ảnh thơ đối lập nhau, nhà thơ lý luận, dẫn giải, phê phán, khẳng định. Cảm xúc thơ đi trong không khí tranh chấp, lý lẽ phải chăng đầy nhiệt tình của tác giả để dẫn đến vấn đề mà tác giả định gửi gắm là muốn người đẹp không phải "phong ba một đời", cũng có nghĩa là nhà thơ mong muốn những vẻ đẹp trong cuộc đời không phải chịu sự vùi dập, bất công. Nhưng làm thế nào để giải thoát cho nàng? Văn Trọng Hùng nhớ về Từ Hải: Dẫu không khuấy nước chọc trời/ Lật nhào cung điện, đổi ngôi Sơn hà.
Người anh hùng "đòi phen gió táp mưa sa", đã yêu Kiều, cứu Kiều. Rồi tác giả phê phán Kim Trọng: Yêu như ai đó bằng thừa/ Lấy em thay chị lại vừa được quan.
Là một nhận xét chí lý! Kim Trọng yêu Kiều mà không cứu nổi người yêu. Vẫn nhớ Thúy Kiều mà lấy Thúy Vân làm vợ. Tình yêu là chuyện không thể nào thay thế được. Sự thay thế gượng ép sẽ dẫn con người đến những khổ đau không nói hết. Thúy Vân thương nể chị lấy Kim Trọng để rồi chìm trong bi kịch của một người có chồng, có con mà không có tình yêu. Nhà thơ Trương Nam Hương đã có những nhận xét thật sâu sắc: Chị nhiều hờn giận yêu thương/Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò/Em chưa được thế bao giờ/Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim. (Tâm sự với nàng Thúy Kiều).
Tác giả Văn Trọng Hùng trong bài thơ không đề cập đến cách giải quyết mà chủ yếu nhấn mạnh đến cái gốc của mọi cách giải quyết vấn đề. Với những lời thơ đầy nhiệt huyết của một tấm lòng yêu. "Yêu nhau vàng đá phải mềm", "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo", nhà thơ quyết chí tìm nàng: Ta đây quyết chí tìm nàng/ Dẫu xơ xác nhụy dẫu tàn tàn hương/ Thủy chung vẫn vẹn yêu thương/ Thói đời như lớp mờ sương sá gì/ Thơ đàn một gánh ta đi/ Cách xa cái chốn thị phi tầm thường…
Dù giải quyết bằng cách nào thì cái gốc của nó phải là một tình yêu thật sự, một tình yêu mãnh liệt, chỉ có tình yêu như vậy mới đủ sức mạnh vượt lên trên chính mình và những thử thách khắc nghiệt của đời sống. Mặt khác, muốn bảo vệ cái đẹp chân chính thì người bảo vệ phải có những phẩm chất ấy. Tác giả bài thơ rất khéo kéo, cả bài thơ không dùng chữ "tôi" mà dùng chữ "ta" để gửi gắm một vấn đề có tính chất chung của cuộc đời. Không phải chỉ chuyện Kim Trọng, Thúy Kiều mà kiến giải trong bài thơ mang tính nhân văn sâu sắc mãi mãi trong cuộc đời. Những gửi gắm trong thơ như thế thật đáng quý. Đáng tiếc trong thơ hôm nay, những gửi gắm như vậy chưa nhiều.
. Nhà giáo ưu tú Trương Tham |