Dịch giả nói về văn học dịch
16:43', 9/7/ 2004 (GMT+7)

Hội nghị các dịch giả văn học lần thứ 1 đã được Hội nhà văn, Trung tâm văn hóa Đông Tây phối hợp cùng Hội liên hiệp VHNT tỉnh Phú Yên tổ chức tại Tuy Hòa trong hai ngày 8 và 9-7.

Nhà văn Thúy Toàn tại hội nghị

Nếu so với các hội nghị văn học khác thì quả thật, Hội nghị các dịch giả văn học lần 1 còn tương đối đơn giản, nhưng không khí thật sôi động. Trong 14 bài phát biểu, có những tham luận gây chú ý đối với người tham dự. Điều đáng tiếc là trong hội nghị lần này, không hiểu vì lý do này hay lý do khác đã vắng mặt khá nhiều những dịch giả ở TP.HCM. Tuy nhiên, việc tổ chức hội nghị văn học dịch này là tín hiệu khởi đầu đối
với một bộ môn văn học gần như không được quan tâm, dù tỉ lệ người đọc trên cả nước thông qua các bản dịch văn học lên tới trên 90%.

Trong phần mở đầu hội nghị, nhà văn - dịch giả Thúy Toàn  phát biểu cho rằng văn học dịch chúng ta hiện nay có vẻ phong phú nhưng phát triển một cách tự phát, không có chọn lọc khoa học, không theo định hướng lâu dài. Sách dịch xuất bản vừa thừa lại vừa thiếu. Từ điều đó, ông đưa ra đề xuất là phải có kế hoạch ra các bộ sách, tuyển sách được chọn lựa kỹ càng, để người đọc gọi là có văn hóa tìm đến. Nhưng để thực hiện điều này thì ai đầu tư và ai tổ chức thực hiện? Vấn đề kế tiếp là lỗi in ấn trong sách dịch, tình trạng "chiếm đoạt bản quyền" cũng thường xuyên xảy ra. Nhưng vấn đề của ông Thúy Toàn đưa ra chỉ là một phần trong nhiều nỗi lo âu của những nhà dịch thuật.

Hội nghị đã thu hút nhiều gương mặt ở nhiều lứa tuổi cùng làm công tác dịch văn học ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có những tên tuổi như: Phan Quang với bản dịch mở đầu cho dòng văn học Xô viết (Những ngôi sao ban ngày); Lê Xuân Giao dịch tiếng Đức mà độc giả không thể nào quên cuốn Nero bạo chúa; Hà Phạm Phú hiện là Giám đốc Hãng phim truyện Hội Nhà văn lại chuyên về văn học Trung Quốc; Nguyễn Văn Dân dịch thơ,  Lê Bá Thụ dịch tiếng Ba Lan; Trần Đình Hiến với hàng loạt tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn được ông dịch: Cây tỏi nổi giận, Đàn Hương Đình, Báu vật của đời… Hoặc những: Nguyễn Dy Nguyên, Hồng Diệu, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Hưng, Đào Minh Hiệp, Phạm Viêm Phương, Triệu Lam Châu (dịch tiếng Tày) đều đã ít nhiều ghi dấu ấn trong các tác phẩm dịch của mình.

Độc giả luôn có nhu cầu đọc sách dịch

Tại hội nghị, những phát biểu của các dịch giả đôi khi có phần trái ngược nhau. Điều đó cũng dễ hiểu vì văn học dịch không chỉ là chuyển thể, mà chính là một công việc tinh tế, văn hóa. Dẫu chưa tập họp đầy đủ các dịch giả trong hội nghị, nhưng cốt lõi cuối cùng của cuộc gặp là khao khát được làm việc, được xuất bản những tác phẩm của mình. Dịch giả Nguyễn Tâm, từng nổi tiếng với bản dịch Jeanie Gerhardt nói: "Dịch thuật văn học đòi hỏi kiến thức và niềm đam mê. Công việc của dịch giả phần nào đó giống như người đầu bếp". Rồi ông nói đến nỗi "thống khổ" của mình khi công phu dịch tác phẩm 300 trang, NXB làm mất, chỉ trả cho 200.000 đồng. Với Phạm Viêm Phương thì: "Do sức ép về quan niệm khô cứng đối với một bản dịch trôi chảy và quan niệm về thuần phong mỹ tục đã khiến cho dịch giả gặp khó khăn." Còn dịch giả Thúy Toàn thì rất đơn giản: "Muốn có một bản dịch tốt thì phải có tiền, ít nhiều cũng phải có tiền để ăn, để làm việc. Nhuận bút thấp cho công sức của người dịch dẫn đến tình trạng "tiền nào của nấy " - đã xuất hiện những bản dịch xấu."

Trong dòng chảy của cuộc sống, nhu cầu đọc văn học dịch của đại đa số người đọc Việt Nam là có thật. Vì thế, vai trò của dịch giả rất quan trọng để chuyển tải những tác phẩm văn học nước ngoài đến với bạn đọc. Với nhà văn Hà Phạm Phú, thì: "Dịch là giao lưu văn hóa. Dịch là dịch văn hóa." Còn nhà văn Phan Quang thì lại có cái nhìn khác: "Trong các văn bản về văn hóa của ta không hề có văn học dịch. Hội Nhà văn, Bộ VHTT nên có một quy chế rõ rằng với văn học dịch." Dịch giả Phạm Xuân Nguyên phát biểu: "Rõ ràng là chúng ta còn thiếu phê bình dịch."

Nhiều vấn đề cũng được nhấn mạnh là gần như văn học dịch của chúng ta hiện nay dịch không có hệ thống. Các dịch giả dịch được cuốn nào thì đưa cho NXB cuốn ấy. Bên cạnh đó, cần có hẳn một đội ngũ biên tập dịch để nâng tầm cuốn sách dịch cũng được đề ra và cuối cùng là nỗi ưu tư về nhuận bút.

Góp mặt trong hội nghị có tiếng nói của các nhà xuất bản (NXB). Nhà văn Triệu Xuân (Chi nhánh phía Nam, NXB Văn Học) phát biểu: "Độc giả sẽ không bỏ tiền ra mua một bản dịch không hay. Tôi tâm đắc về việc cần đánh giá sách văn học dịch, do đó cần phải có người hiệu đính sách và họ phải được trả nhuận bút như người dịch. NXB chúng tôi rất mong nhận được bản dịch của các dịch giả." Ông Lê Huy Hòa, đại điện NXB Lao Động, chi nhánh phía Nam, nói: "Qua tâm sự của các dịch giả, tôi nhận thấy đó là trách nhiệm của NXB. Việc cần có tổng kết văn học dịch là cần thiết để chúng ta có số liệu cụ thể. Riêng NXB Lao Động có đội ngũ biên tập dịch có uy tín, sách NXB in ra là tin cậy vì NXB luôn phải giữ uy tín."

Tổng kết hội nghị, bà Mai Hương, chuyên viên mảng văn học dịch Cục xuất bản (Bộ VHTT) phát biểu: "Văn học dịch của chúng ta hiện nay đều có tính tự phát, các NXB không hề can thiệp để có một dòng văn học dịch. Tôi rất mong các dịch giả cung cấp cho các NXB các thông tin đầy đủ về tác giả, tác phẩm được dịch. Nên trở lại "lời giới thiệu" đầu cuốn sách như ngày xưa. Sắp tới các dịch giả sẽ phải đương đầu với bản quyền tác phẩm khi nước ta ký thỏa ước với Mỹ và Thụy Sĩ. Khi đó muốn dịch phải xin phép. Trong tương lai, ở nước ta cũng phải có trung tâm môi giới bản quyền."

Hội nghị các dịch giả văn học lần 1 chỉ là bước khởi đầu cho sự tập hợp đội ngũ dịch giả văn học sau bao nhiêu năm bị lãng quên, mang tính tự phát. Việc sau đó là làm sao để có một dòng văn học dịch hệ thống, việc bản quyền và nhuận bút tương xứng cho dịch giả.

. Khuê Việt Trường

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Gửi Thúy Kiều của Văn Trọng Hùng   (08/07/2004)
Nhạc hải ngoại đi về đâu?   (07/07/2004)
Chế Lan Viên - Cõi ẩn hình của thơ cần khám phá   (05/07/2004)
Ngọn lửa xanh   (02/07/2004)
Đoàn Văn Cừ: Người đưa thơ ra "chợ Tết"  (30/06/2004)
Cảm nhận qua tác phẩm "Nét quê" của Phạm văn Chai  (30/06/2004)
Cúc quỳ  (28/06/2004)
Tiếng sóng xưa  (28/06/2004)
Đào Minh Tâm với thể loại kịch ngắn   (27/06/2004)
Người nghiện hát   (25/06/2004)
Cổ Thành với thuyết quyền biến  (07/07/2004)
Ghi chép từ trại sáng tác Vũng Tàu   (22/06/2004)
Trần Quang Long và tập thơ "Thưa mẹ, trái tim"   (22/06/2004)
Chùm thơ không đề của nhà báo Mai Thìn  (20/06/2004)
Đêm thâu nhà báo  (20/06/2004)