Dàn nhạc truyền thống của tuồng
14:33', 16/8/ 2004 (GMT+7)

Nói về dàn nhạc tuồng, ông cha ta cho rằng: "Không có tiếng trống thì không ra tuồng", xem tuồng không chỉ xem hát, múa, diễn xuất của diễn viên mà còn nghe dàn nhạc tuồng, mà bộ gõ là chính yếu, nổi bật. Nên đã có câu: Tối nghe trống chiến, không khiến cũng đi/Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy.

Dàn nhạc của Nhà hát tuồng Đào Tấn

Dàn nhạc tuồng có vị trí quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất, chấp cánh cổ vũ diễn viên trong thể hiện nhân vật. Đồng thời gây cảm hứng và cảm nhận cho khán giả.

Ngày xưa dàn nhạc tuồng ngồi trên một cái dàn cao hơn sân khấu, về sau mới ngồi dưới sân khấu bên cánh gà. Ngày nay nhiều đoàn hát tuồng đưa dàn nhạc tuồng ra ngồi phía trước. Vị trí ngồi của dàn nhạc tuồng đặt trên sân khấu hay dưới luôn có ý kiến khác nhau. Vậy chỗ nào hợp lý hơn, mong các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn, những nghệ sĩ xem xét giải đáp để có sự thống nhất, hiệu quả.

Dàn nhạc tuồng gồm có bộ trống (trống chiến, trống chầu, trống bản, trống lệnh, trống cơm...) Một kèn, một nhị, một thanh la, sau này mới có thêm một số nhạc cụ khác như sáo, bầu, nguyệt, tranh... Trong dàn nhạc tuồng, trống chiến là nhạc cụ quán xuyến sân khấu, có nhạc lực mạnh mẽ. Trống chiến cũng là nhạc cụ của tiết tấu, cấu tạo trống chiến diềm dày, da căng, mặt phẳng làm cho trống phong phú không chỉ về tiết tấu mà còn về cao độ. Trống chiến có năm âm chính: Tùng, tang, cắc, rụp, tịch và 3 âm phụ: tờ rùng, tờ rang, tờ rắc.

- Tùng: Là đánh vào giữa mặt trống, thường dùng khi hát hùng hồn hay giáp trận.

- Tang: Đánh sát vào thành trống, có khi đánh ngang dùi, dùng lúc sửng sốt, căng thẳng.

- Cắc: Đánh vào diềm trống, dùng lúc đêm khuya thanh vắng.

- Rụp: Dùng hai dùi đánh giữa mặt nhưng dứt ngay, dùng lúc thúc giục, sôi động, dứt khoát.

- Tịch: Đánh rồi bịt ngay, nói những u uất, lắng sâu, cần phân biệt tịch "trống" thì đánh vào tang, tịch "mái" thì đánh vào tùng.

Còn 3 tiếng phụ đánh nhanh, liền tay nhằm nói lên trạng thái thật khẩn trương, dồn dập. Trống chiến có khả năng biểu hiện từ những cái vui, nhộn, buồn, tức hoặc những lúc quyết liệt, bi đát, những cảnh đêm khuya canh vắng, đến những cảnh cảnh ra quân xuất trận thiên binh vạn mã.. .

Kèn thường được dùng phối hợp với trống để tạo không khí cao trào. Trống và kèn có vai trò chủ yếu trong dàn nhạc. Nhị thì dùng để đưa hơi cho diễn viên hát, đảm nhận giai điệu, các bài ổn định tạo thành sự hòa hợp rất đậm đà chất bi hùng của sự nghệ thuật tuồng. Đánh trống chiến phải giữ nhịp, khi khoan, khi nhặt, khi nặng, khi nhẹ tùy từng vai, từng tình huống, tình cảm.

Trong bộ trống tuồng cần lưu ý chức năng của trống lệnh, trống chầu trong lúc biểu diễn. Trước kia trống lệnh thường do ông bầu gánh hát đánh: 3 hồi 9 tiếng để dàn nhạc tuồng chuẩn bị mở màn đêm diễn. Tiếng trống lệnh vừa dứt thì tiếng trống chiến thanh la nổi lên, tiếng kèn và cả dàn nhạc tạo không khí sôi nổi để diễn viên ra vai, để khán giả chú ý hướng về sân khấu.

Ngày xưa sân khấu tuồng chỉ có một màn hậu, khán giả xem tuồng cả ba mặt, mỗi mặt đều để một trống chầu, mặt chính có chầu bỏ, hai bên tả hữu có chầu ngang, người cầm chầu trước kia phải là người có chức sắc, trí thức và rành tuồng. Người cầm chầu phải biết đánh chấm câu, đánh thưởng, đánh chê, đánh phạt. Nếu không biết đánh trống chầu thì sẽ đánh "thọc họng", tức là đánh lấp tiếng hát. Người diễn viên hát giỏi phải thuộc đờn, thuộc trống thuộc văn, thuộc lớp đồng thời phải thuộc phép đánh chầu.

Người diễn viên khi xuất hiện trước khán giả phải qua các bước từ sau màn hậu bước ra, sửa soạn tư thế nhìn ra khán giả trình diện, người đánh trống chầu đánh điểm 1 tiếng như chấp nhận, tiếp đến người diễn viên tiến hành một động tác báo hiệu với khán giả là bắt đầu nhập trò (giáo tuồng), trống chầu điểm một tiếng chấp nhận khai khẩu (mở miệng).

Trong hát tuồng có nói lối, bạch, xướng, thán, oán, ngâm vịnh, hát nam, hát khách, hát tẩu ... Người cầm chầu phải biết làn điệu, câu từ để đánh chấm câu. Từ một tiếng đến ba tiếng đều đều, khi diễn viên hát hay thì đánh "thưởng" từ 3 đến 5 tiếng, khi diễn viên hát dở thì đánh "chê" nhẹ nhàng, khi hát sai phạm thì đánh trống "phạt". Trống phạt có hai cách: nhẹ thì đánh vào gần vành tang 3 cái, đào kép hát vẫn tiếp tục hát; nặng thì đánh vào vành cắc 3 tiếng trở lên, đó là lúc diễn viên phạm sai lầm lớn trong diễn xuất, hay trong ngôn từ phải dừng diễn xuất ngay. Người đánh chầu vừa đánh cho diễn viên hát vừa thưởng thẻ động viên khích lệ cho diễn viên hát hay, múa đẹp.

Dàn nhạc tuồng là những viên ngọc quý, người làm nghề phải biết nâng niu, mài chuốt cho những viên ngọc đó ngày càng lung linh, đem lại tinh hoa cho môn nghệ thuật tuồng truyền thống.

. S.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh, Cao Văn Tam   (15/08/2004)
Sân khấu truyền thống: Vẫn thiếu kịch bản hay   (13/08/2004)
Vai diễn nhỏ của những tình yêu lớn  (10/08/2004)
Ngọn quốc kỳ - bước ngoặt trong bút pháp Xuân Diệu  (09/08/2004)
Bác Hồ với nghệ thuật tuồng  (08/08/2004)
Hương ngọc lan xưa  (06/08/2004)
Thanh Lam - "Nắng lên" trong đêm hè   (06/08/2004)
Ấn tượng huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký   (05/08/2004)
Nhạc trẻ cùng mối quan hệ: ca sĩ và manager  (04/08/2004)
Thơ Phạm Tỵ   (04/08/2004)
Tình yêu trong "Đêm của cỏ"(*)  (03/08/2004)
Mạc Can - ông hề già mê chữ   (02/08/2004)
Nguyệt và em  (30/07/2004)
Nỗi niềm Trương Chi   (30/07/2004)
Nghệ sĩ với nghề "tay trái"   (29/07/2004)