Đào Phi Phụng - Liễu Nguyệt Tâm: Chuyện tình éo le đến cùng cực
9:57', 24/8/ 2004 (GMT+7)

Về nội dung, tuy cùng mô-típ "Vua băng mệnh tiếm" như pho tuồng Sơn Hậu, nhưng ở pho tuồng Đào Phi Phụng tác giả sử dụng mô-típ này làm bối cảnh xã hội nhằm trưng bày một bức tranh về tình yêu gắn chặt với số phận đất nước, một chuyện tình éo le đến độ cùng cực, hiếm thấy.

Pho tuồng Đào Phi Phụng dài bốn hồi.

Cũng như Sơn Hậu cho đến nay vẫn chưa biết được tác giả gốc là ai, và cũng lưu hành khá nhiều dị bản. Tương truyền ngòi bút của Đào Tấn nhuận sắc khá mạnh tay ở hồi IV, hồi chót của pho tuồng, nhưng không có thông tin chi tiết nhuận sắc câu nào, đoạn nào như trường hợp vở Sơn Hậu.

Bối cảnh lịch sử trong pho tuồng Đào Phi Phụng là câu chuyện xảy ra ở nước Lương, cái vương triều mà cha con Đào Phi Phụng "tận trung báo chúa" là vua nước Lương. Cứ như lịch sử cổ đại Trung Quốc thì nước Lương xuất hiện vào thời Nam - Bắc Triều (CN 420 - 589). Nước Lương nằm ở khu vực phía Nam, cùng một vệt với các vương triều: Tống, Tề, Trần. Nước Lương tồn tại 55 năm (502-557), tương đương với thời Tiền Lý Nam Đế ở Việt Nam. Trong 55 năm tồn tại nước Lương trải qua các triều vua: Võ đế, Giản Văn đế, Nguyên đế, Kinh đế, không rõ cha con Đào Phi Phụng sống và phụng sự triều vua nào? Có lẽ đây chỉ là cái cớ để tác giả vung bút như trường hợp nhà Tề trong Sơn Hậu chứ nước Lương nào mà có các địa danh:

"Bình Sơn hiến bửu

Hương thủy sinh quang"

(Núi Ngự Bình dâng báu

dòng sông Hương phát sáng)

(Bản diễn của hát Bội Bình Định)

Dù vậy, cũng cần điểm qua đôi điều vừa nói để tiện bề đánh giá tác phẩm.

Một hiện tượng nghệ thuật nữa không thể bỏ qua là nịnh thần xuất hiện trong Đào Phi Phụng giống như trong Sơn Hậu, đều là nịnh bầy, nịnh lũ, chứ không như các vở khác chỉ là nịnh đơn, nịnh chiếc. Có điều, ở Đào Phi Phụng thì rặt một nòi nịnh từ cha đến con, còn ở Sơn Hậu thì nhân vật Tạ Nguyệt Kiểu (chị ruột của anh em họ Tạ) lại là người cùng họ mà khác nòi.

Chuyện kịch bắt đầu từ việc vua nước Lương trao hoàng tử cho Đào Lệnh công nuôi dạy để sau này kế vị. Và như chúng ta đều biết, người kế vị là chuyện hệ trọng trong các triều đại phong kiến, quyền lợi giữa các phe phái đều tùy thuộc vào khả năng bấu víu các "cục cưng" ấy.

Cát Thượng Nguyên cậy thế em vợ vua mà ngoi đến chức Thừa Tướng nước Lương, đương nhiên ngôi thiên tử mới là điểm dừng chân của lão, cho nên chuyện nhà vua trao quyền nuôi dạy hoàng tử cho Đào Lệnh công khiến Thượng Nguyên căm ghét họ Đào. Mối thù này là nguyên nhân dẫn đến nỗi éo le của chuyện tình Nguyệt Tâm - Phi Phụng.

Chẳng là năm ấy có giặc ở biên thùy. Nhà vua sai hai vị "tân khoa": Diệm Cửu Quỳ cầm quân "phạt Bắc", Đào Phi phụng (con Đào Lệnh công) cầm quân "chinh Đông". Diệm Cửu Quỳ chiến thắng giặc phía Bắc là Khắc Địch được phong tước Quốc Công; còn cuộc chiến "chinh Đông" của Đào Phi Phụng thì chiến thắng giặc Đông Liêu do Liễu Nguyệt Tâm (1) cầm quân bằng chiến thuật khá đặc biệt, Đào Phi Phụng lấy Nguyệt Tâm làm vợ. Do vậy Cát Thượng Nguyên vớ lấy đó làm bằng chứng tâu với nhà vua rằng: ra trận, kết hôn với giặc là có mưu đồ làm phản về sau. Thế rồi tội của con lây họa đến cha.

Tội trạng, tội danh của Đào Phi Phụng còn đang cứu xét thì nhà vua đột ngột qua đời, Cát Thượng Nguyên thừa cơ tiếm ngôi, hạ ngục Đào Lệnh công, truy bắt hoàng tử và Đào Phi Phụng. Diệm Cửu Quỳ, con người chí hiếu đến mức từng mang lốt giả cọp để rình lấy sữa cọp đem về chữa bệnh cho mẹ (ở hồi I) cũng phải kéo quân sang Đông Ly hợp sức với hoàng tử và Liễu Nguyệt Tâm xây dựng lực lượng phục thù mà họ gọi là "khử tà bảo chánh". Còn Đào Phi Phụng thì, sau khi biết tin cha lâm nạn bèn đơn thân lén về kinh cũ để tìm cách cứu cha.

Hồi IV pho tuồng bắt đầu bằng nhân vật Đào Phi Phụng trên đường trở về kinh cũ, ngủ qua đêm tại miếu thờ Quan công, chàng thầm ước có được diện mạo như Quan công, để tiện che mắt kẻ thù mới mong cứu được cha. Và chàng được toại nguyện. Lúc thức giấc, Đào Phi Phụng có được mặt đỏ, râu xanh như Quan Vân Trường thời Tam Quốc, chàng bèn đổi tên họ thành Vạn Kim Chung đến thẳng Trường An thi đậu Trạng nguyên, nhận sắc phong Nguyên Soái, được Cát Thượng Nguyên tin dùng giao tù Đào công cho chàng xử lý. Đích thân Đào Phi Phụng mang ấn soái Vạn Kim Chung cầm quân ra trận đối diện với Liễu Nguyệt Tâm cử binh về hỏi tội Cát Thượng Nguyên. Vậy là cha con chồng vợ có cơ hội gặp nhau nhưng họ không thể nào nhìn nhận nhau được nếu không trải qua một cuộc trắc nghiệm bằng chính cuộc sống riêng tư của họ:

"Nguyệt Cầm: một hai ông cũng nói rằng ông chính là Đào Phi Phụng? ta hỏi…

(khách) - Túc kỷ, niên canh, Đào - Liễu giao oanh tằng ná xứ?

(Tuổi tác năm tháng và cái nơi mà họ Đào và họ Liễu kết duyên là ở đâu, lúc nào?)

Vạn Chung: À, nữ tướng hỏi ta, lúc ta gặp nữ tướng là bao nhiêu tuổi, năm tháng nào? Nơi chốn nào? Vậy thì nghe đây…

(khách) - Long môn, thế nguyệt, trận trung giao chiến phối lương duyên.

(Nơi cửa rồng, tháng con thẻ (tức tháng Mẹo, tháng 2) cùng ra trận rồi kết duyên)

Nguyệt Tâm: Ta lại hỏi nữa đây, như chồng ta…

(Khách) - Cảnh thương hữu hắc tì

(trước cổ có vết đen)

vết tích ất nếu mà có thì ta mới tin…

Vạn Chung: Sao lại không…

Nguyệt Tâm: Còn nữa

Song chưởng tự đề phụ, bật

(Hai bàn tay có hai chữ Phụ và Bật)

Vạn Chung: càng đúng

Nguyệt Tâm: nó đâu, cho xem nào?

Thế rồi Vạn Chung lại vờ kiểm tra vết tích của vợ.

"Vạn Chung: (khách) - Bối trung lưu xích điểm, lưỡng kiêm tự đính Trung, Trinh.

(Sau lưng có chấm đỏ, hai vai có hai chữ Trung và Trinh)"

Thực chất là Phi Phụng muốn bổ sung một sự thật khác nhằm xua tan mọi nghi ngờ của Liễu Nguyệt Tâm mà thôi.

Đọc và xem Đào Phi Phụng chúng ta bắt gặp một hiện tượng nghệ thuật tưởng chừng như trùng lặp, giống nhau, đó là sự kiện Đồng mẫu trong tuồng Sơn Hậu bị Tạ Thiên Lăng bắt cóc rồi treo trên mặt thành, dùng lửa đốt dọa thiêu chết để buộc Đồng Kim Lân đầu hàng họ Tạ; với sự kiện Đào Lệnh công trong tuồng Đào Phi Phụng bị Cát Thượng Nguyên bắt giam rồi giao cho Vạn Kim Chung dọa giết để buộc Liễu Nguyệt Tâm đầu hàng. Vâng, rất giống nhau về hiện tượng, về mô-típ nghệ thuật, nhưng lại rất khác nhau về bản chất của hành động kịch cho nên người xem muôn thuở dù đã thưởng thức miếng nghề ấy ở Sơn Hậu rồi vẫn không hề nhàm chán khi họ đến với Đào Phi Phụng, bởi vì… chúng ta hãy lắng nghe nỗi lòng  của cô con dâu mà ông lão Đào công chỉ mới nghe tên chứ chưa hề biết mặt:

"Nguyệt Tâm:

Nếu đầu giặc thì e lỗi đạo

Cãi lời cha, cha ắt ong thân!

Thiên công hỡi Thiên công!

Phi Phụng ơi Phi Phụng!"

Đối diện với một tình cảnh cực kỳ khó xử ấy nàng còn bộc lộ nỗi lòng qua câu hát khách:

"Cát ngã can trường!

(Ruột gan tôi đứt từng đoạn)

Nay cha mắc vòng hoạn nạn, ly tiết chí trung mần ri là cũng vì vợ chồng con…

Thiên cổ hận, đạo kỳ nghị luận

(nỗi hận ngàn năm, người ta sẽ bàn tán về một đạo lý)

rồi nàng xoay người căn dặn tướng sĩ:

(Khách) "Đãi ngô hiệu lệnh! Nhất thời nan, thọ thử bi thê!".

(Hãy đợi lệnh ta, trong giờ phút khó khăn này cam chịu nỗi đau buồn).

Tuy vẫn xoay quanh cái chủ đề muôn thuở về sự mâu thuẫn giữa Trung và Hiếu, nhưng ở pho tuồng Đào Phi Phụng, tập trung ở hồi IV tác giả rất thành công về mặt tạo hình nhân vật, tâm lý và hành động nhân vật, ngôn ngữ kịch, diễn đạt chuyện kịch một cách hàm xúc và kết thúc kịch một cách đột ngột, cơ đồ nhà Lương có khôi phục được hay không đó là tư duy của người xem sau khi rời sân khấu ra về.

. Vũ Ngọc Liễn

 

(1) Kịch bản lưu ở thư viện TP Hồ Chí Minh do Đại sứ Nữ hoàng vương quốc Anh gửi tặng Chính phủ VNCH năm 1971 chép là "Hạo Nguyệt Tâm", nghĩa là họ Hạo chứ không phải họ Liễu như bản diễn của hát Bội Bình Định.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Đình Thi với bài hát "Diệt phát xít"  (22/08/2004)
Thơ: Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Đình Lương, Đặng Đức Tĩnh  (20/08/2004)
Bài ca đầu tiên về người lính cách mạng  (20/08/2004)
Hình tượng Quang Trung qua thơ văn của người xưa   (19/08/2004)
Lên với cột cờ Lũng Cú   (18/08/2004)
Triển lãm Mỹ thuật tỉnh năm 2004: Hy vọng ở lớp trẻ  (17/08/2004)
Dàn nhạc truyền thống của tuồng  (20/08/2004)
Thơ: Mai Thìn, Miên Linh, Cao Văn Tam   (15/08/2004)
Sân khấu truyền thống: Vẫn thiếu kịch bản hay   (13/08/2004)
Vai diễn nhỏ của những tình yêu lớn  (10/08/2004)
Ngọn quốc kỳ - bước ngoặt trong bút pháp Xuân Diệu  (09/08/2004)
Bác Hồ với nghệ thuật tuồng  (08/08/2004)
Hương ngọc lan xưa  (06/08/2004)
Thanh Lam - "Nắng lên" trong đêm hè   (06/08/2004)
Ấn tượng huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký   (05/08/2004)