Cảm xúc mùa thu trong những bài thơ thu
10:13', 10/9/ 2004 (GMT+7)

Xưa - nay, mùa thu vốn là đề tài lớn của thơ ca Việt Nam. Cảm hứng của các nhà thơ từ mùa thu và về mùa thu từng đã dệt thêu nên những bức tranh thu đẹp cho đời. Nhưng tâm trạng, cảm xúc về mùa thu của mỗi người, mỗi thời thì mỗi khác.

Mùa thu (ảnh: Hoàng Tuấn)

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc,

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp lên lá vàng khô?

(Tiếng thu - Lưu Trọng Lư)

Cũng trong cái se lạnh của khí trời mới bắt đầu vào thu, nhưng những bài thơ thu trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) ta thường bắt gặp những tâm trạng u buồn của các nhà thơ, như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Vâng, trước Cách mạng Tháng Tám, mọi người dân sống trong cảnh nước mất nhà tan, nên bao trùm lên tâm trạng con người lúc này là tâm trạng của người dân mất nước: "Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng". Một nỗi buồn, không phải là buồn nhè nhẹ, êm êm mà là nỗi buồn thê lương của phong cảnh và của lòng người. Có lẽ, không chỉ là một cảnh thu buồn khiến cho con người buồn, mà chính cảnh thu đã thấm đẫm nỗi buồn. Ai mà chẳng thắt lòng khi nhận thấy rặng liễu có dáng đứng như những người phụ nữ đứng chịu tang, bởi lá rũ như tóc xõa, như lệ rơi… và, chính trong tâm trạng sầu buồn đó, ta cảm nhận được mùa thu chính là mùa của tàn phai rơi rụng: "Hơn một loài hoa đã rụng cành/ Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh/ Những luồng run rẩy rung rinh lá/ Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh". Có gì lạ đâu khi mùa thu về có lá rụng, hoa rơi? Nhưng "những luồng run rẩy rung rinh lá", "những nhánh khô gầy" trơ trọi đến mong manh ấy tạo cho ta cảm giác tàn úa, nhợt nhạt, vắng lặng, buồn bã của mùa thu, của sắc thu. Cái tàn phai buồn bã ấy không chỉ xảy ra đối với thiên nhiên mà còn xảy ra đối với con người: "Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ/ Non xa khởi sự nhạt sương mờ/ Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò/ Mây vẫn tầng không chim bay đi/ Khí trời u uất hận chia ly/ Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/ Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì". Chao ôi, đó là hồn thu hay chính hồn tác giả?!

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mùa thu đó đã trở thành một mùa thu đổi khác - mùa thu của cách mạng! Những tiếng thơ thu nghe như reo vui náo nức: Tháng Tám mùa thu xanh thẳm/ Mây nhởn nhơ bay, hôm nay trời đẹp lắm/ Mây của ta, trời thắm của ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vâng, không tươi vui, không náo nức sao được, khi mà từ đây, từ mùa thu của Cách mạng Tháng Tám này, mỗi ngọn cỏ, dòng sông, mỗi câu hò tiếng hát và cả những tiếng học bài ấp úng, ê a…, tất cả đã là của ta, do ta làm chủ: "Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta". Của chúng ta đó cả những cánh đồng thơm ngát, cả những dòng sông đỏ nặng phù sa. Những cái mà cách đó không lâu, nó vốn là của ta mà đâu phải của ta; mà cả đến thân ta cũng phải chịu cảnh "Bát cơm chan đầy nước mắt/ Bây còn giằng khỏi miệng ta/ Thằng giặc Tây, thằng chúa đất/ Đứa đè cổ, đứa lột da". Còn sáng thu nay, sáng mát trong…, sáng thoảng nghe trong gió thu thổi thơm thơm mùi cốm mới, những sáng mùa thu "mát trong", thanh thản đầy hương vị của mùa thu và niềm vui, hạnh phúc của lòng người.

"Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!". Đẹp, vì "Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha". Và quả thật mùa thu này đã khác, khác từ con người đến cảnh vật. Dứt hẳn dáng đi "đầu không ngoảnh lại". Con người giờ đây đứng trước một mùa thu lồng lộng, hiên ngang, tự hào để nghe vui âm thanh ríu rít của cuộc sống. Mùa thu nay đang sống động hẳn lên, không còn cái buồn hiu hắt, không còn cái "run rẩy", cái "xao xác hơi may". Mà ngọn gió thu nay đang lộng thổi khiến "rừng tre phấp phới". Trời thu giờ đây đã được thay áo mới, không những đẹp mà vui, niềm vui ở sự "trong biếc", "nói cười thiết tha". Đúng là niềm vui nối niềm vui được thể hiện trong từng câu, từng chữ. Mà đó đâu chỉ là niềm vui của riêng nhà thơ, mà còn là niềm vui tràn trề, bất tận vô bờ bến của dân tộc ta, của nhân dân ta sau ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.      

. Khánh Yên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bố vắng nhà của Cao Xuân Sơn   (09/09/2004)
Làng Chòi   (09/09/2004)
Quy Nhơn - Cái nôi của nghệ thuật hát bội   (08/09/2004)
Thời sự Văn Nghệ  (07/09/2004)
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi): Vẫn còn những bất cập   (07/09/2004)
Thơ: Huỳnh Quang Nam, Mai Thìn, Nguyễn Đình Nhâm   (05/09/2004)
Bạn ơi hát kết   (03/09/2004)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (03/09/2004)
Thơ: Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Chương  (30/08/2004)
Người Bình Định với việc La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ  (29/08/2004)
Thơ: Đào Quý Thạnh, Chử Văn Long, Lê Ân  (27/08/2004)
Câu chuyện một giờ  (27/08/2004)
Ươm mầm cho những nhịp điệu  (27/08/2004)
Tìm hiểu nghệ thuật thời Tây Sơn  (26/08/2004)
Tuồng Đào Tấn gợi những gì cho kịch hiện đại?  (25/08/2004)