Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: "Chúng tôi vẽ cái hình như là…"
17:7', 13/9/ 2004 (GMT+7)

Như Báo Bình Định đã đưa tin, từ ngày 10 đến 17-9, tại trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định, phòng tranh "Về quê" của ba họa sĩ người Bình Định đang sống và sáng tác tại các địa phương trong nước: Lâm Triết, Đặng Mậu Tựu và Phạm Trinh đã được tổ chức. Cuộc trao đổi ngắn dưới đây giữa PV Báo Bình Định với họa sĩ Đặng Mậu Tựu (hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế), xoay quanh nguyên cớ của sự trở về mang theo rất nhiều ân tình này.

- Tại sao lần này, ba họa sĩ người Bình Định lại cùng rủ nhau "về quê", thưa ông?

      Họa sĩ Đặng Mậu Tựu

+ Có thể nói, đây chính là một cái duyên. Ba anh em chúng tôi, kẻ ở Huế, người tận thành phố Hồ Chí Minh, đã cùng gặp nhau và tổ chức triển lãm chung tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2 năm nay. Chúng tôi có hẹn nhau rằng: mình làm ở đâu thì làm nhưng cố gắng về quê một chuyến, nguyện có một cái gì đó để nói rằng mình vẫn còn có mặt với bạn bè. Cho dầu quê nhà không ngó ngàng gì đến mình thì mình cũng cứ làm, nhưng đằng này các anh ở quê hương lại rất ưu ái, trân trọng… Sau lời hẹn đó, anh em chúng tôi bắt đầu hình thành nên những ý tưởng mới, sáng tác nên những tác phẩm mới dành cho một chuyến Về quê mà triển lãm lần này chính là kết quả. Người xa quê như chúng tôi, ai cũng vậy, đều có tâm trạng mong muốn có một cái gì đó thể hiện tình cảm của mình với quê hương. Tình cảm đó với chúng tôi đặt cả vào trong những tác phẩm của mình.

- Nhiều họa sĩ khi thể hiện tình cảm về quê hương thường vẽ về những cảnh đẹp của quê hương, những chùa, tháp, rồi bãi biển... "Về quê" không theo lối mòn ấy mà lại đi vào thế giới trừu tượng, bán trừu tượng. Tại sao lại có sự lựa chọn ấy, thưa ông?

+ Khái niệm trừu tượng hay không trừu tượng phân biệt nhau ở cái chỗ: điều mình muốn diễn đạt là cái gì. Tranh trừu tượng vất bỏ hình thể, đi vào chiều sâu ý tưởng. Có khi qua một mảng trời bắt gặp trong thời thơ ấu, có khi là hoài niệm về một dáng núi, một dòng sông, một khoảnh khắc với bạn bè, những trò chơi… chúng dồn lại nhau để thành những hình ảnh và những ký ức cứ tràn lên. Cho nên, có thể nói, chúng tôi không vẽ cái là mà vẽ cái hình như là. Nếu bây giờ mà người xem hỏi anh vẽ cái gì thì giải thích là rất khó. Đành phải để cho họ tự chiêm nghiệm lấy. Không phải tác giả có ý muốn đánh đố mọi người. Tác giả chỉ cảm nhận sự việc, sự vật như vậy rồi trải ra trên tranh, và người ta có thể hiểu như thế này và cũng có thể hiểu như thế kia. Ngôn ngữ của hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung là đa hiệu. Nhưng tựu trung lại thì điều chúng tôi muốn thể hiện là những tình cảm thầm kín, sâu nặng với quê hương.

- Với riêng họa sĩ, đây hẳn không phải là lần đầu tiên ông triển lãm tại quê nhà? Lần triển lãm này, hẳn trong tranh của ông đã có những đổi thay, về phong cách, về những suy niệm?

Tác phẩm Chợ quê của họa sĩ Đặng Mậu Tựu

+ Quả vậy. Đây là triển lãm thứ hai của tôi ở Quy Nhơn. Lần đầu tiên tôi còn nhớ là vào mùa hè năm 1973, nhà văn Nguyễn Mộng Giác (tác giả Sông Côn mùa lũ, Giám đốc Sở Học chánh Bình Định khi đó) đã đứng ra tổ chức triển lãm cho tôi cùng Nguyễn Phan ở Hội quán Quy Nhơn (nay là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh). Ngày khai mạc, bạn bè văn nghệ đến rất đông. Đến bây giờ, tôi còn vẫn nhớ mãi. Sau 32 năm trở lại, chắc chắn là trong phong cách đã có những cái khác. Khác về thời gian. Thời năm 1972, khi ấy tôi mới 20 tuổi, cái tuổi hãy còn đang khao khát đạt được những cái mình muốn. Và tranh chủ yếu nói về cuộc chiến, nỗi đau của dân tộc, về thân phận con người. Bây giờ, khi tuổi đã chững chạc hơn, ngay cả tư duy cũng già dặn hơn, trải nghiệm nhiều hơn nên những cảm niệm ấy như được vo lại, nén lại, xem nỗi đau đã bình thường hơn. Ngay cả việc thấu nỗi đau thế nhân cũng khác với lúc đó, nó mang tính triết lý nhiều hơn.

- Xin hỏi ông một câu cuối, hình ảnh quê hương có vai trò như thế nào trong những sáng tác của ông?

+ Khi một người sinh ra, trưởng thành ở đâu thì những tác phẩm của họ đều bàng bạc những hoài niệm về một nơi chốn nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Với riêng tôi, hình ảnh quê hương luôn luôn hiện hữu trong mỗi tác phẩm, luôn thường trực trong con người của mình. Bóng dáng quê hương, có khi chỉ là một màu trời quê hương, có khi là một dáng núi, hay chỉ một mái tóc một người bạn thời nhỏ… tất cả dồn vào trong mình. Ký ức ấy, những hoài niệm ấy, khi vẽ cứ hiện về…

- Xin cảm ơn họa sĩ.

. Lê Viết Thọ (Thực hiện)

 

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu sinh năm 1953 tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Năm 1964 rời Bình Định ra Huế. Tốt nghiệp Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1972. Sau năm 1975 phụ trách Nhà Thiếu nhi Huế, rồi làm việc trong ngành văn hóa. Hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Các triển lãm: thành phố Quy Nhơn (2 họa sĩ) 1973, cá nhân tại Huế 2001, Indonesia (2 họa sĩ) 2001, thành phố Hồ Chí Minh (với Lâm Triết và Phạm Trinh) 2004; nhóm 4 họa sĩ tại 14/7 Nguyễn Công Trứ - Huế 2004…

Các giải thưởng: Giải Bông sen trắng (Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Trị Thiên), Giải Văn học Nghệ thuật Cố đô lần I, Tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV - 1996, tặng thưởng hàng năm của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế năm 1999 và 2001.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Hà My, Nguyễn Ngọc Hưng  (12/09/2004)
Cây chanh dại   (10/09/2004)
Cảm xúc mùa thu trong những bài thơ thu   (10/09/2004)
Bố vắng nhà của Cao Xuân Sơn   (09/09/2004)
Làng Chòi   (09/09/2004)
Quy Nhơn - Cái nôi của nghệ thuật hát bội   (08/09/2004)
Thời sự Văn Nghệ  (07/09/2004)
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi): Vẫn còn những bất cập   (07/09/2004)
Thơ: Huỳnh Quang Nam, Mai Thìn, Nguyễn Đình Nhâm   (05/09/2004)
Bạn ơi hát kết   (03/09/2004)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (03/09/2004)
Thơ: Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Chương  (30/08/2004)
Người Bình Định với việc La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ  (29/08/2004)
Thơ: Đào Quý Thạnh, Chử Văn Long, Lê Ân  (27/08/2004)
Câu chuyện một giờ  (27/08/2004)