"Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, phải dựa trên "tiêu chuẩn của ta". Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc" - nhà nghiên cứu, nghệ sĩ lão thành Mịch Quang đã lý giải như vậy trong Lời nói đầu cuốn sách.
Và xuất phát từ mong muốn ấy, cộng thêm với những trải nghiệm qua mấy chục năm thâm nhập, nghiên cứu thực tiễn nghệ thuật dân tộc, đã được tác giả Mịch Quang đúc kết lại trong công trình Khơi nguồn mỹ học dân tộc.
Ở phần đầu tập sách, tác giả Mịch Quang đã đi sâu vào các phạm trù của mỹ học dân tộc: cái đẹp, cái bi, cái hài, cái hùng, cái hậu, cái nhu. Nhưng nếu chỉ liệt kê như vậy thì cũng chẳng thấy đâu là phần đóng góp riêng của tác giả. Chỉ đi sâu vào từng nội hàm khái niệm, ta mới thấy được sự đúc rút của một đời làm nghề. Chẳng hạn, riêng về cái đẹp, nền nghệ thuật nào không vươn tới cái đẹp. Vậy thì mỹ học dân tộc ta quan niệm thế nào về cái đẹp. Tác giả đi sâu phân tích: vì sao trong chèo, tuồng cổ các nhân vật phản diện rất ít hát, múa, hoặc có hát, múa thì phải hát lệch, múa lệch. Theo tác giả: trong nguyên lý mỹ học nói chung, âm nhạc và vũ đạo chỉ có khả năng ca ngợi chứ không có khả năng phê phán. Nếu trao cho các vai nịnh hát múa, nghĩa là trao cho chúng vẻ đẹp. Trao vẻ đẹp cho cái phản đạo đức là điều mỹ học dân tộc không chấp nhận. Từ đó, tác giả lại chỉ ra một số vi phạm trong một số vở tuồng, chèo do thiếu để ý truyền thống…
Nhưng thú vị nhất ở tập sách này là ở phần II: Mấy loại hình và phương pháp nghệ thuật. Ở phần này, tác giả đi sâu phân tích một số vấn đề của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ những đặc trưng cố hữu của âm nhạc dân tộc như hiện tượng lòng bản, láy lệ; gối đầu, xếp ngói; đảo bát độ… rồi vai trò của mô hình và các loại mô hình trong nghệ thuật dân gian dân tộc… và đi sâu phân tích những nguy cơ "ung thư hóa" cơ thể âm nhạc kịch hát dân tộc, chẳng hạn như khi bổ sung làn điệu chèo, dân ca, cải lương, tuồng bằng ca khúc bình quân, không thể vận động mô hình được.
Điều khá thú vị khác: do tác giả là người vốn đã có nhiều trải nghiệm trong nghề làm sân khấu, nhiều năm nghiên cứu sân khấu dân tộc, nhất là nghệ thuật hát bội, do vậy, ngay trong từng ví dụ được tác giả đưa ra nhằm chứng minh cho luận cứ của mình cũng đem lại cho người đọc, nhất là những người ngoại đạo về nghệ thuật dân tộc những khám phá khá thú vị. Chẳng hạn: người đánh trống chiến trong dàn nhạc tuồng cũng như dàn bát âm là người chỉ huy qua tai của nhạc công và được gọi là phó sư, vậy thì chính sư ở đâu? Tác giả lý giải: chính sư chính là diễn viên và đây là nét độc đáo của tinh thần biện chứng của nghệ thuật dân tộc; rồi cũng là láy, nhưng tại sao hát tuồng thì láy ư, còn chèo, quan họ thì láy i; tại sao rất nhiều điệu dân ca, nhạc cổ có lối kết thúc lơ lửng, không gây một cảm giác trọn vẹn… Những khám phá tưởng nhỏ này nhưng rất quan trọng trên đường thấu nhập những nguyên lý cơ bản của mỹ học dân tộc. Và cũng chính nhờ thế, một tập sách tưởng khô khan vì sẽ bàn đến những vấn đề thuần lý luận, nhưng lại có sức hút riêng.
Có sức hút ấy bởi tác giả của nó là người đã có 77 năm mê hát bội và 43 năm nghiên cứu hát bội, đã có trong tay hàng loạt công trình nghiên cứu mẫu mực như: Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng (1963), Đặc trưng nghệ thuật Tuồng (1985), Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc (1995) và Kinh Dịch và nghệ thuật truyền thống (1997); cùng hàng trăm tiểu luận và cũng sáng tác hàng chục vở hát bội.
Đây là một cuốn sách đáng đọc, trước hết là với những người làm nghề và những người yêu nghệ thuật dân tộc.
. Lê Viết Thọ
* Khơi nguồn mỹ học dân tộc của Mịch Quang, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2004. |