Thơ Đinh Xăng Hiền: Im lặng mà không im lặng
16:4', 16/9/ 2004 (GMT+7)

Sinh thời, nhà thơ Đinh Xăng Hiền là người hiền lành và lặng lẽ. Đúng như tên của anh. Đúng như bạn anh - nhà thơ Thanh Thảo, đã có lần viết về anh: "Người hiền cầm dao cũng hiền".

Nhưng đọc thơ anh*, thấy ở đó là cả một dòng sông được ẩn mình dưới những cánh rừng đại ngàn. Dòng sông ấy đã lặng lẽ xuyên qua thác ghềnh của thời gian để cho chúng ta hôm nay được biết thêm về anh, hiểu thêm về anh một lần nữa qua những bài thơ còn lại của một đời người.

Hãy nghe anh nói về không khí của lễ hội sắp sửa diễn ra mà như bộc bạch lòng mình: "Im lặng mà không im lặng". Đời anh là vậy, thơ anh cũng vậy. Không ồn ào nhưng chẳng im lặng tí nào. Có chăng là, cái im lặng được anh giấu kín dưới lớp vỏ ngôn từ mà chỉ có tư duy của thơ mới giải mã đến tận ngọn nguồn. Những ai từng sống với anh Hiền, từng ngủ qua đêm ở một buôn làng nào đó của đồng bào các dân tộc miền tây Quảng Ngãi, từng được vít cong cần rượu đến tàn canh để nghe những làn điệu dân ca của họ, khi đọc thơ anh, sẽ có dịp sống lại cái không khí vừa hội hè linh thiêng nhưng cũng đầy day trở.

Đọc thơ anh Hiền không gặp nhiều câu triết lý, anh chẳng cao đàm khoác luận về thế thái nhân tình mà chỉ là những lời thủ thỉ. Ở đó có tiếng chiêng vang ngân thật khẽ, có dòng suối chảy như một tiếng thở dài, có con chim rừng mải vui với bạn quên đường về tổ. Anh Hiền là thế. Một người lặng lẽ nhưng trong thơ, anh lại mãnh liệt đến không ngờ: "Đã yêu nhau yêu cho say/ Đã thương nhau thương cho đầy". Trong những cuộc ồn ào, nhà thơ luôn thu mình vào một góc để quan sát và chiêm nghiệm: "Lửa liếm ngực trần em/ Ngực rên cọ ngực/ Anh và em rủ nhau khóc/ Hưởng lại sự thật vị đời". Anh sống hết mình nên thơ anh cũng cháy hết mình thư thế. Vào đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi mà bao nhiêu nhà thơ vẫn canh cánh với chiếc vòng kim cô trên đầu mình, thì anh Hiền lại dám nói những điều như thế, ai dám bảo rằng anh "im lặng"?

Anh Hiền có một thời gian khá dài sống ở Quy Nhơn. Nơi ấy anh đã trải qua những năm tháng khó khăn nhất, song tuyệt nhiên trong thơ anh không thấy bóng dáng của những vết hằn nhọc nhằn khốn khó mà anh nếm trải. Nhiều người gào lên trong thơ để thở than về nỗi bất hạnh của cuộc đời thì anh lại hướng trái tim mình về phía đại ngàn. Nơi anh được sinh ra. Nơi có tiếng róc rách của những con suối trong lành, nơi có tiếng gọi bầy của đàn chim klan-pon vẫn thường thức ngủ với nhà thơ trong khuya khoắt. Không phải anh là người lạc quan đến nỗi quên cả đói nghèo, nhưng trái tim nhà thơ trong anh lại đập những nhịp khác thường của nó: "Chẳng nghe gió nói vết đạn hố bom/ Chỉ nghe gió nói bắp bồng con". Và anh thấy: "Đàn trâu đi trong mây". Rồi anh bắt gặp: "Nhà sàn ai tỏa khói chiều buông", "Nông trường quế một góc trời sương ướp".

Anh như một thứ rau ranh không chấp nhận phân hóa học và thuốc trừ sâu. Anh là rau sạch. Bởi tâm hồn anh sạch. Mười lăm năm Đinh Xăng Hiền đi xa, chỉ có những câu thơ được chắt ra từ một tấm lòng trong sáng của anh thì còn ở lại. Những câu thơ không im lặng của anh vẫn vang ngân cho đến hôm nay.

Đó là một may mắn của thơ. Một may mắn của người làm thơ.

. Phạm Đương

(*) Thơ Đinh Xăng Hiền, Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ngãi xuất bản 2004

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Góc nhìn lãng mạn về một vùng nắng gió   (15/09/2004)
Khơi nguồn mỹ học dân tộc  (14/09/2004)
Còn thương rau đắng...  (14/09/2004)
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: "Chúng tôi vẽ cái hình như là…"  (13/09/2004)
Thơ: Hà My, Nguyễn Ngọc Hưng  (12/09/2004)
Cây chanh dại   (10/09/2004)
Cảm xúc mùa thu trong những bài thơ thu   (10/09/2004)
Bố vắng nhà của Cao Xuân Sơn   (09/09/2004)
Làng Chòi   (09/09/2004)
Quy Nhơn - Cái nôi của nghệ thuật hát bội   (08/09/2004)
Thời sự Văn Nghệ  (07/09/2004)
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi): Vẫn còn những bất cập   (07/09/2004)
Thơ: Huỳnh Quang Nam, Mai Thìn, Nguyễn Đình Nhâm   (05/09/2004)
Bạn ơi hát kết   (03/09/2004)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (03/09/2004)