Theo nhau Về quê
15:30', 17/9/ 2004 (GMT+7)

Tác phẩm "Không gian và thời gian" của Lâm Triết

Từ ngày 10 đến 17-9, tại trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định (103 Phan Bội Châu - Quy Nhơn) phòng tranh Về quê của ba họa sĩ người Bình Định đang sống và làm việc tại các địa phương trong nước: Lâm Triết, Đặng Mậu Tựu, Phạm Trinh mở cửa đón tiếp người thưởng ngoạn. Ba thế hệ, ba phong cách khác nhau nhưng cùng gặp nhau trong một cuộc hội ngộ: Về quê…

Người lâu nhất trong họ rời xa quê nhà từ 40, 50 năm nay, còn người ít nhất cũng đã trên dưới chục năm. Họ đã cùng tổ chức triển lãm vào tháng 2-2004 tại thành phố Hồ Chí Minh và cùng hẹn nhau sẽ có một ngày về quê, nguyện có một cái gì để nói rằng mình vẫn còn có mặt với bạn bè, quê hương. Phòng tranh này chính là kết quả của lời ước hẹn ấy.

Ba họa sĩ mang đến cho phòng tranh ba phong cách khác nhau. Hãy bước vào cõi mộng du cùng Lâm Triết, người cao niên nhất, cũng là người đã xa quê lâu nhất, từ 70 năm nay. Đi vào thế giới tranh của Lâm Triết là đi vào những mảng màu sắc thuần khiết, trong veo với ý thức sáng tạo dường như tự buông thả trong nét vẽ của cây poăng xô. Trong tranh của ông, không gian và thời gian đi vào trong cùng mạch chuyển động tuy thầm lặng, sâu kín, nhưng mãnh liệt.

Tác phẩm "Tình yêu" của Phạm Trinh

Họa sĩ tâm sự: "Quê hương với núi, đồi, sông, biển, những buổi mưa giông, từng cơn bão… là những gì đi sâu vào tiềm thức của tôi từ nhiều năm, có lẽ là ngay từ thời thơ ấu. Và tôi vẽ lại những giấc mơ được nhớ lại ấy". Phải chăng, chính cái cõi mộng du trong tranh Lâm Triết, như cách nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng hình thành từ những dáng núi, dòng sông thời thơ ấu ấy. Qua những bức tranh này, ta cảm thấy như có "một nét gì rất gần gũi, một điều tương quan từ tính nết của một vùng đất, giữa dòng thơ tâm kinh xứ Bình Định này và thế giới mộng du trong tác phẩm hội họa của Lâm Triết" (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Phạm Trinh là họa sĩ trẻ nhất trong ba tác giả. Cái cảm, cái nghĩ về cuộc đời hãy như còn tươi rói, rạo rực trong tranh của anh. Anh muốn được thể hiện qua nét bút, tất cả những gì anh đã nghĩ, đã cảm nhận; cũng như tất cả những ước vọng, những suy tư về quê nhà dồn nén vào tranh. Này là Tình yêu, đây là Sự bắt đầu… vừa có chút suy tư triết lý nhẹ nhàng, vừa như mang tải một khát vọng về sự toàn vẹn.

Tác phẩm "Đá núi" của Đặng Mậu Tựu

Đặng Mậu Tựu về quê sau 40 năm xa cách. Ông đã rời quê nhà từ những năm 1960, rồi lại có một thời biệt tăm không tin tức người thân, nên những hình bóng cũ, những mảnh ký ức cứ chất chồng lên trong tranh. Này là những viên bi xanh, những con chuồn chuồn ớt đỏ, những trò chơi thời niên thiếu, rồi những phiên chợ vùng quê An Lương, Bình Dương… hội tụ vào không gian tranh. Thật ra, Đặng Mậu Tựu cũng đã từng một lần triển lãm tranh ở Quy Nhơn từ những năm 1972. Sau 32 năm tái ngộ cùng công chúng Quy Nhơn, trong lần trở lại này, ông đem đến cho người xem cái nhìn nhiều trải nghiệm, những nỗi đau nhân thế đã nén lại, thanh thản, nhẹ nhàng. "Tất cả đi qua, chỉ có cái tình ở lại, nên chi cái gì cũng nhớ, cái đáng ghét cũng nhớ, nhớ mà thương một thuở xa nhà" - Đặng Mậu Tựu viết vậy.

Đến với Về quê, hẳn nhiên, chúng ta không chỉ chia sẻ và đồng cảm cùng các tác giả những cảm thức mang nhiều tính hoài niệm như vậy. Về quê còn mang đến cho công chúng hội họa Bình Định những xúc cảm mới khi được tiếp xúc với những tác phẩm hội họa mang những phong cách nghệ thuật khá độc đáo. Đó là một Lâm Triết vốn đang tìm kiếm những cái hay, cái đẹp trong thế giới mênh mông, sâu thẳm của trường phái trừu tượng; một Đặng Mậu Tựu lúng liếng kỷ niệm với phong cách bán trừu tượng; và một Phạm Trinh đang tươi rói sắc màu.

. Lê Viết Thọ

  

Họa sĩ Lâm Triết sinh năm 1938 tại Hoài Nhơn. Học vẽ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Từng dạy mỹ thuật tại các trường trung học ở Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn. Từ 1968-1969: dạy Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Từ 1970-1975: dạy Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn). Năm 1975: sang Mỹ, rồi trở lại Việt Nam năm 1990 với việc duy nhất là vẽ tranh. Hiện sống và sáng tác tại thành phố Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu sinh năm 1953 tại Phù Mỹ. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Tham gia phong trào học sinh - sinh viên, sau năm 1975 phụ trách Nhà Thiếu nhi Huế, rồi công tác trong ngành văn hóa. Hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Họa sĩ Phạm Trinh tên thật là Phạm Quang Trinh sinh năm 1970 tại Hoài Nhơn. Tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 1997. Hiện sống và sáng tác tại Huế.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ: Quốc Thành, Nguyễn Đình Lương, Phan Văn Thuần  (17/09/2004)
Thơ Đinh Xăng Hiền: Im lặng mà không im lặng   (16/09/2004)
Góc nhìn lãng mạn về một vùng nắng gió   (15/09/2004)
Khơi nguồn mỹ học dân tộc  (14/09/2004)
Còn thương rau đắng...  (14/09/2004)
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: "Chúng tôi vẽ cái hình như là…"  (13/09/2004)
Thơ: Hà My, Nguyễn Ngọc Hưng  (12/09/2004)
Cây chanh dại   (10/09/2004)
Cảm xúc mùa thu trong những bài thơ thu   (10/09/2004)
Bố vắng nhà của Cao Xuân Sơn   (09/09/2004)
Làng Chòi   (09/09/2004)
Quy Nhơn - Cái nôi của nghệ thuật hát bội   (08/09/2004)
Thời sự Văn Nghệ  (07/09/2004)
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi): Vẫn còn những bất cập   (07/09/2004)
Thơ: Huỳnh Quang Nam, Mai Thìn, Nguyễn Đình Nhâm   (05/09/2004)