Bến Gỗ
Tôi đi tìm chiếc cọc anh Hai Trầu từng
neo thuyền Bến Gỗ, nghe thơm ải hương
trầm hương quế, nồng nàn trĩu gánh trầu tươi.
Xe ngựa kéo nghịt dài Bến Gỗ, những bè cây
lừng lững đại ngàn tới tấp dừng chân đổi trao
mua bán, điếu thuốc nào còn đỏ trên môi.
Bát chè xanh thương khách giang hồ, ấm lại tấm
lòng Kinh Thượng tụ về đây Bến Gỗ sông quê.
Những cây chò, cây sao, kiền kiền, trắc, cẩm…
dựng nên Thành, cơ nghiệp Tây Sơn. Muôn dân
đứng quanh Người Áo Vải quyết một lòng
thống nhất giang sơn, đưa xã tắc yên bình một
dải, đánh đuổi ngoại xâm, đập "rắn cắn gà nhà"…
Bến Gỗ làng ta phiến đá nào đêm trăng chàng
dũng tướng thẫn thờ buồn chia cắt một tình yêu;
dòng nước nào thủy chung lưu luyến ấp ôm Thành
chẳng chịu rời xa; những bậc đá in gót hồng thiếu
nữ, giọt nước trên vai thon đến bây giờ.
Những buổi chiều đìu hiu Bến Gỗ lững thững bóng
oan hồn Nhà Nguyễn, nhạc ngựa vẳng ruổi dài
sông nước ngỡ một thời Bến Gỗ xôn xao.
Tôi trở về Bến Gỗ ngày xưa nghe ngựa hí, gươm
khua, súng nổ; tiếng gọi đò của "một chàng kỵ mã
nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly…"*; tiếng trống
giục hát mừng khoa bảng, rộn ràng trăng Văn Miếu
linh đình thêm tiến sĩ cử nhân, bảng vàng danh dự;
chuông bị dìm ao vẫn cứ ngân vang…*
Bến Gỗ ngày xưa nối cả bao làng
bờ Thành thì cao, bờ soi thì thấp
tháp canh Thành xanh ngút nương dâu.
Bến Gỗ giờ đâu?
đâu còn Bến Gỗ
một cái tên, làng không nhớ, không quên…
* Bến Gỗ: Nằm trên sông Quai Vạc chảy dọc chân Thành Hoàng Đế ở phía Bắc - Nơi giao thương sầm uất giữa hai miền xuôi ngược thời Tây Sơn Nguyễn Huệ. Bến Gỗ thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn - nơi có Văn Miếu - đền Văn Bình Định.
* Thơ Yến Lan
* Cách Bến Gỗ không xa có một cái ao trong huyền thoại "Ao dìm chuông"thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ.
Rừng trúc
Mình trở về rừng trúc đi em
ngôi nhà tre, chiếc giường tre cỏ ấm
bậc thềm cao mà em thì thấp
anh đưa em về rừng trúc nghe em.
Tiếng chim mùa này ríu rít đã đông hơn
dồng dộc treo những chiếc giày lơ lửng
bện bằng rơm
bằng cỏ
bằng tóc em xanh
Măng mùa mưa giờ đã đâm cành
anh hái lá giang nấu canh chua cá
cho thêm me, thêm khế, thêm hành
ngày xưa mẹ thường đi chợ
mua táng đường đen ăn bánh tráng mè đen …
Rừng trúc của chúng mình không có ánh đèn
chỉ có nến bập bùng ngọn lửa
lửa soi râu soi tóc, soi tiếng khóc con thơ và
những giờ bên nhau hoài niệm
tình chúng mình thắp lửa cho đêm.
Ngoài kia gió và trăng sáng lắm
rừng trúc buồn rừng trúc cũng rưng rưng
mỗi bận em đi xa nơi ấy
lá cứ vàng gió cứ hanh hao.
Mình trở về rừng trúc đi em
bỏ tất cả đằng nào rồi cũng vậy
mọi dây nhợ cuộc đời theo mây khói
mãi mãi còn rừng trúc ở trong ta.
Chia tay với ngôi nhà
Thôi vậy nhé
mình chia tay vậy nhé
hàng cột cái, mái tranh, phên dại
ngõ chè xanh ngút qua sân
Cây mít bồng con bên dốc tần ngần
cây thị quả thơm, cây xoài trái ngọt
cây bồ ngót, dây trầu ai hái ai têm…
Thôi vậy nhé
mình chia tay vậy nhé
núm nhau cắt bằng lưỡi liềm dạo ấy
xin ở yên đây gốc rễ nội trồng
Mình đi rồi cũng lại về thôi
không xa lắm đời người như chiếc lá
dẫu trên cành rễ vẫn cắm đất sâu.
Chiếc phản gõ bóng nâu, bát hương thờ tiên tổ
cùng liễn, nghi xin hãy theo cùng
làm mạch nối cho cành với cội
cho nước với nguồn, hoa trái với quê hương.
Ngày mai ta phải lên đường!
tạm biệt nhé hàng tre xanh trước ngõ
dồng dộc ơi xin một chiếc giày
Ngửa bàn tay trên cánh đồng chai sạn
cầu xin mùa màng nhớ mãi đừng quên.
. M.T |