Không gian nghệ thuật - thế tương giao sông, núi, tháp - trong ca dao Bình Định
16:0', 22/9/ 2004 (GMT+7)

Thời gian và không gian là những mặt hiện thực khách quan được phản ánh trong tác phẩm tạo thành thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Thời gian nghệ thuật trong ca dao là thời gian hiện tại, có tính chất diễn xướng. Chất ca dao miền Nam nói chung và ca dao Bình Định nói riêng là ở sự mênh mông, man mác, hiu hiu của gió nồm đông về chiều. Không gian nghệ thuật trong ca dao thường là không gian trần thế, đời thường, bình dị, phiếm chỉ, mang tâm trạng, tình cảm chung của nhiều người.

Với đặc điểm nền nông nghiệp lúa nước, giống ca dao các vùng khác, trong ca dao Bình Định người ta cũng thường gặp những không gian như dòng sông, con thuyền, cái cầu, bờ ao, mảnh vườn, cây đa, đồng làng, đình chùa, hàng dừa, ngõ nhà… Tồn tại trong không gian đó, những người dân cần cù, chất phác, những trai làng, thôn nữ Bình Định sinh sống, làm lụng, tình tự "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu…". Đọc ca dao Bình Định, dễ nhận thấy không gian động chiếm ưu thế so với không gian tĩnh (khác với văn chương bác học). Ngay cả trong sự ngóng trông mòn mỏi, sự lặng câm lại ba đào, xoáy động cả không gian làng quê Bình Định:

Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông

Thiếp ngồi dệt vải những trông bóng chàng

Dừa xanh trên bến Tam Quan

Dừa bao nhiêu trái, dạ trông chàng bấy nhiêu

Thường thi nhân thời cổ thích "Sơn" hơn "Thủy". "Hải" ít xuất hiện hơn "Sơn". Căn bản vì quan niệm thẩm mỹ phương Đông, người xưa thích sự kiên định, tĩnh, vững vàng của núi, hơn là sự thay đổi, động, trôi chảy của nước. "Nhân gia nhạo sơn, trí gia nhạo thủy" (Người nhân thích núi, người trí thích nước). Người xưa trọng nhân hơn trí. Chả trách họ rất thích "đăng cao". Ca dao Bình Định trực cảm hơn, nhưng cũng chứa đựng cảm quan thẩm mỹ này. Người Bình Định trông bốn hướng đâu chẳng thấy núi. Dáng núi hiện lên rất nhiều trong mảng ca dao đất nước - lịch sử và cả mảng ca dao tình yêu - khát khao hạnh phúc. Núi gắn liền với sự kiên định, chắc thật:

Vọng Phu thuộc dãy Núi Bà

Phước Sơn chất ngất gọi là núi Ông

Phải chi đây đó vợ chồng

Gánh tương tư khỏi nặng lòng nước non

Núi là biểu tượng, là lời thầm gọi của sự bền chặt, thủy chung:

Núi Bà một dãy xanh xanh

Vọng Phu còn đó sao anh chẳng về

là sự giao kề, tương xứng, hài hòa "Hòn Ông đứng trước Hòn Bà - Chồng cao vợ thấp đôi đà xứng đôi". Dáng núi - khí phách con người Bình Định thượng võ hào hùng "An Khê nổi tiếng hòn Bình - Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này", nhưng cũng rất ân tình "Cây me cũ, bến đò xưa…".

Người Bình Định xưa hay nói đến "giang", "hà", "thủy"… cũng nhằm chỉ sự mênh mông, dàn trải, chú ý đến "tố chất" của nó chứ không để ý đến vị trí (dưới, thấp) của nó. Biết ý thức về mình (tự khiêm, hiếu đễ), cũng biết nuôi dưỡng, vun trồng khát vọng, mà khát vọng dẫu lặng thầm vẫn nồng thắm tràn đầy:

Bên kia sông quê anh An Thái

Bên này sông em gái An Vinh

Thương nhau chung dạ chung tình

Cầu cha mẹ ưng thuận, cho hai đứa mình lấy nhau.

Sông nước dẫu hắt hiu nhưng lòng người bền chặt "Chiều chiều ra đứng bờ sông - Dặn lòng cá nước đừng mong chim trời".

Một đặc điểm trong ca dao Bình Định là sự song hành, tương hợp của sơn - thủy, dáng núi - dòng sông và ngọn tháp (chứ không phải chùa). Trong lời mời rất khiêm nhường nhưng cũng rất đỗi tự hào "Ai vô Bình Định với mình thì vô", họ giới thiệu quê hương: "Năm dòng sông chảy - Sáu dãy núi cao - Biển Đông sóng vỗ dạt dào - Tháp kia làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh".

Tích chất song hành, tương hợp của quần thể núi - sông - tháp được thể hiện rất đa dạng và tạo nên một đặc trưng của quê hương - con người Bình Định.

Bình Định có đá Vọng Phu

Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh

Ai về Bình Định cùng anh

Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa

Tính chất tương hợp "sơn thủy hữu tình" rất dễ tìm thấy trong ca dao Bình Định. Quả vậy, "Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Gi - Sông xanh núi cũng xanh rì; "Cầu Đôi mà tháp cũng Đôi - Dễ chi nhân nghĩa mà vời được sao", "Hà Thanh nước mát trong xanh - Đèo Son thắm mãi mối tình đôi ta". Và rồi "Gió cầu Tân… Đường Quy Nhơn… Phương Mai, Ghềnh Ráng tương tri… Ngàn câu thủy tú sơn kỳ thảnh thơi". Một câu kể về một địa danh mà sừng sững hài hòa "An Nhơn có núi Mò O - Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi".

Thủy tú, sơn kỳ. Nước non quê hương Bình Định núi không cao, sông không sâu, đầm chưa phải là mênh mang, biển chưa phải là ngút ngàn…, nhưng vẫn lắm anh tài, một trong những cái nôi của tinh thần thượng võ hào hùng và thơ ca bay bổng. Quả là xứng "Sơn bất tại cao, hữu tiếng tắc danh - Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh". Nước thanh. Núi lạ. Dáng núi nhiều hiện lên cũng trong mênh mông đồng nước "Chiều chiều mây phủ núi Bà - Ếch kêu giếng lạng, mây sa đầy đồng…".

Mênh mang mà thẳm sâu, hiu hắt mà bền chặt kiên định… Sông nước - Vóc núi - Tháp cổ góp phần tạo nên đặc trưng con người Bình Định. Dẫu có đứng nơi nào trên quê hương này, dẫu có ngược xuôi vạn nẻo… thoảng hoặc đọc lại câu thơ hiện đại của người con ưu tú Bình Định, vẫn cứ tưởng mặt ngoảnh về Tây trông dáng núi, ngoảnh về Đông trông sắc biển:

Sáng trông mặt đất thương xanh núi

Chiều vọng chân mây nhớ tím chiều…

. S.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thời sự văn nghệ   (21/09/2004)
Thơ Mai Thìn: Bến gỗ, Rừng trúc, Chia tay với ngôi nhà  (20/09/2004)
Theo nhau Về quê   (17/09/2004)
Thơ: Quốc Thành, Nguyễn Đình Lương, Phan Văn Thuần  (17/09/2004)
Thơ Đinh Xăng Hiền: Im lặng mà không im lặng   (16/09/2004)
Góc nhìn lãng mạn về một vùng nắng gió   (15/09/2004)
Khơi nguồn mỹ học dân tộc  (14/09/2004)
Còn thương rau đắng...  (14/09/2004)
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: "Chúng tôi vẽ cái hình như là…"  (13/09/2004)
Thơ: Hà My, Nguyễn Ngọc Hưng  (12/09/2004)
Cây chanh dại   (10/09/2004)
Cảm xúc mùa thu trong những bài thơ thu   (10/09/2004)
Bố vắng nhà của Cao Xuân Sơn   (09/09/2004)
Làng Chòi   (09/09/2004)
Quy Nhơn - Cái nôi của nghệ thuật hát bội   (08/09/2004)