Khuê các anh hùng - Lai lịch và tâm sự Đào Công
16:10', 26/9/ 2004 (GMT+7)

Tuồng Khuê Các anh hùng là hồi thứ II trong pho tuồng cổ Tam nữ đồ vương do cụ Đào Tấn rút ra và sửa lại. Ban đầu tuồng lấy tên là Cân quắc anh hùng; nhưng về sau Đào Công thấy trong số văn phẩm của cụ Nguyễn Bá Huân đã có một tập mang tên Cân quắc anh hùng truyện nên cụ đổi tên tuồng là Khuê các anh hùng.

Tam nữ đồ vương là một pho tuồng "thầy", nhưng văn chương mộc mạc, Đào công chọn hồi 1 là hồi công thích nhất, đem ra nhuận sắc làm vui. Đào công đặc biệt chú ý đến những câu hát Nam, còn những câu nói lối thì chỉ sửa chữa những chỗ quá thật thà quê vụng.

Truyền rằng, Đào công chỉnh biên Khuê các anh hùng trong khoảng thời gian lên tỵ nạn nơi chùa Linh Phong, huyện Phù Cát, lúc vua Hàm Nghi xuất bôn, văn thân trong nước ứng nghĩa Cần Vương nổi lên chống Pháp (1885-1887). Những câu tuồng công sửa lại hay thêm vào, nhất là những câu hát Nam, phần nhiều là những lời tâm sự. Ví dụ:

Dấu ngựa đường hoa đêm quạnh quẽ

Chày kình dương liễu chốn lao xao

Sá chi tôi sương tắm mặt đào

Thương nỗi chúa bụi lầm vóc ngọc

Nam: Vóc ngọc ngùi thương nỗi chúa

Bước gập ghềnh lối cũ đường xưa

Nhạn chiều chen đám mây thưa

Loi thoi chiếc bóng, bơ thờ tiếng kêu

Gian nan chút phận đã liều

Cô đăng gió tạt, bảng kiều sương rơi (1)

Đó là mượn lời Xuân Hương, Trương Chánh Hậu, Khương Hoàn để bày tỏ nổi lòng của công đối với vua Hàm Nghi bỏ ngôi chạy ra Quảng Trị.

Yên tỏa Hàn sơn sương ỉu ỉu

Lệ ngưng Tương thủy tuyết ai ai

Ẩm hận trường thiên tư bắc khuyết

Hàm sầu bạch nhật khấp tây đài

Nam: Tuyết ai ai truyền đài ẩn ước

Vọi vọi nhìn kìa nước nọ trăng

Mơ màng ngút phủ mây giăng

Tang thương phút đổi; lẽ hằng khôn thay (2)

Đó là công gởi tâm sự của mình đối với vua Tự Đức thông qua nhân vật Bích Hà (trong vai Trương Chánh hậu). Lời hát vừa có nghĩa quân thần, vừa có tình tri kỷ (3).

Một tâm sự nữa là vì không ứng nghĩa Cần Vương (phong trào Mai Xuân Thưởng) nên lúc bấy giờ công bị sĩ phu Bình Định trách là "thiếu lòng ưu ái", "tham sống sợ chết, thấy nghĩa không làm". Công buồn nên mượn lời Trương Chánh hậu bị Triệu Văn Hoán vu oan mà than thở rằng:

Phúc bồn đã lờ gương nhật nguyệt

U cốc đành khuất bóng dương quang

Khéo trăm trô lời quạ dã tràng

Thêm réo rắt tiếng ve tây lục

Nam: Tây lục ve kêu réo rắt

Gẫm oan tình ruột thắt đòi cơn

Nghìn năm uống oán ăn hờn

Chung lo nghiệp chúa, riêng than nỗi mình

...

Trong Khuê các anh hùng khá nhiều câu hát Nam rút từ trong các vở tuồng công soạn lúc làm quan ở nội các. Như lời của Phương Cơ khi đến Trường An dò thăm tin tức:

Mịt mù ngút tỏa non xuân

Bơ vơ gót ngọc, ngập ngừng giọt châu

Biết về đâu mây sâu nước chảy

Vọi vọi nhìn cách mấy sơn khê

Vốn là mượn lời Xương Dương trong vở Hoa Trì Mộng.

Vạn bửu trình đường lời nữ tỳ Châu Thuật giả trai điên để đem mật thư của chủ sang đất địch:

Dĩ bất kiến truy lai, truy lai (rồi nọ)

(âu là) Tốc tự đồ viễn khứ, viễn khứ

Nam: Viễn khứ trông chừng bạt bộ

Đố ai tường lòng mỗ thực hư

Ghẹo tình non nước nên thơ

Bóng tiều lướt sóng, tiếng ngư vang rừng

Ủa này, đã đến quan tấn rồi đây!

Tiếng dạ tuần mỉa gần quan tái

Then máy này phải dại mới khôn... (4)

Công đã mượn làm lời Phương Cơ khi qua ải.

Cũng như các câu lý trong Khuê các anh hùng đều là giai cú. Những người thích hát bội ở Bình Định ai nấy đều thuộc lòng, ít nhất là năm ba câu.

Khuê các anh hùng rất được phổ biến, phổ biến dưới cái tên bình dân là Con Cơ giả dại. Nguyên bản chưa tìm thấy. Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) anh Hương Sơn Nguyễn Đình Mẫn ở An Chánh, huyện Bình Khê (Bình Định) có cho tôi xem một bản Nôm do thầy tú Lâm Thúc Mậu ở Nhơn Nghĩa ( An Nhơn) hiệu đính và tự tay chép tặng. Các thân sĩ ở những thôn lân cận như thầy Mai Cao Lương ở Trường Định (Bình Khê), cậu Đoàn Phong ở Mỹ Yên (Bình Khê), anh Tam Hà Trần Thiếu Du ở Thuận Nghĩa (Bình Khê) chúc Tàu sáu Diệp Trường Phát ở An Thái (An Nhơn) thỉnh thoảng họp nơi nhà anh Hương Sơn đem bản tuồng ấy ra diễn.

Gần đây, tôi được bà Đào Chi Tiên, ái nữ của cụ Đào Tấn và mấy ông bạn quen cho mượn mấy bản quốc ngữ, những bản quốc ngữ này so với bản Nôm nói trên có nhiều chỗ dị đồng, đồng ít, dị nhiều, nhất là về những câu nói lối. Văn nói lối trong bản Nôm phần nhiều thanh mỹ. Văn nói lối trong các bản quốc ngữ phần nhiều phác dã, có lắm câu văn lý không thông. Giữa mấy bản ấy so nhau cũng có nhiều dị biệt. Bản này có đoạn này không có đoạn kia, bản kia có đoạn kia không có đoạn này. Ví dụ bản bà Chi Tiên không có đoạn Lý Khắc Minh lấy dáo đâm vào vai để lấy cớ bị thương không theo được địch, mà các bản kia lại có.

Các bản kia không có đoạn Xuân Hương cùng Khương Hoàn đưa Chánh hậu chạy về Khương quận tỵ nạn với những câu hát Nam thống thiết: "Vóc ngọc nghĩ thương nỗi chúa..." đã dẫn trên, mà bản bà Chi Tiên lại có... thật không biết bản nào sao y nguyên bản, hay gần chính bản hơn hết! Tôi không tin bản bà Tiên Chi đúng với nguyên bản trong tay mà chỉ chép theo trí nhớ.

Thầy tú Lâm Thúc Mậu vừa là một nhà nho sành quốc văn, lại là một thầy tuồng có uy tín, nên tôi chắc rằng bản tuồng thầy tặng anh Hương Sơn nếu không đúng hẳn nguyên bản thì cũng gần nguyên bản hơn các bản quốc ngữ trước mắt tôi. Rất tiếc rằng sau khi thầy tú, anh Hương Sơn cùng các thân sĩ mộ điệu nói trên qua đời thì bản tuồng ấy cũng không còn thấy bóng.

Để có một bản trong nhà hầu khi buồn đem ra đọc, tôi ra công chép lại theo các bản quốc ngữ tôi mượn được. Nhưng sợ bị giảm hứng vì những câu nói lối dã lậu thô kịch, tôi phải chỉnh lại phần nào. Tôi không ngại mang tiếng là "sửa văn Đào Tấn" vì ai cũng biết văn chương Đào công lời lời gấm thêu, còn chỗ nào mà tôi có thể để ngòi bút vào được nữa. Những câu cần phải chỉnh lý kia chỉ là con đẻ của việc "tam sao" đó thôi. Còn những đoạn mà bản này hay bản kia thiếu đều là những đoạn tôi nhớ kỹ trong bản Nôm do thầy tú Lâm chép đều có. Cho nên tôi đem tất cả vào bản của tôi.

Công chăng? Tội chăng? Tùy lượng bạn đọc.

. Nha Trang, mùa xuân năm Đinh Tỵ (1977)

. Quách Tấn

 

(1) Đoạn tuồng này trong Tam nữ đồ vương không có.

(2) Đoạn tuồng này trong Tam nữ đồ vương cũng không có. Ở bản bà Chi Tiên chép:

Tuyết ai ai tuyền đài thắm thoắt

Vọi vọi nhìn kia nước nọ trăng

Mơ màng nước biếc non xanh

Tang thương phút đổi, ân tình không phai

(3) Theo lời kể của cụ Tú Võ Kiêm ở Hưng Trị (Phù Cát, Bình Định. Cụ Tú Võ Kiêm là ông ngoại nhà thơ Quách Tấn)

(4) Trong Khuê các anh hùng có đôi chút thay đổi:

câu đầu: viễn khứ trông chừng viễn lộ

câu ba: sao tàn mấy đóm lưa thưa

câu bốn: Kiểng dạ tuần mỉa gần quan tái

câu năm: Cơ hội này phải dại mới khôn.

(Bài viết do nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn giới thiệu)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cái bánh dẻo tròn  (24/09/2004)
Cái bánh dẻo tròn   (24/09/2004)
Thơ: Mai Thìn, Nguyễn Thanh Xuân, Hồ Thế Phất   (24/09/2004)
Không gian nghệ thuật - thế tương giao sông, núi, tháp - trong ca dao Bình Định   (22/09/2004)
Thời sự văn nghệ   (21/09/2004)
Thơ Mai Thìn: Bến gỗ, Rừng trúc, Chia tay với ngôi nhà  (20/09/2004)
Theo nhau Về quê   (17/09/2004)
Thơ: Quốc Thành, Nguyễn Đình Lương, Phan Văn Thuần  (17/09/2004)
Thơ Đinh Xăng Hiền: Im lặng mà không im lặng   (16/09/2004)
Góc nhìn lãng mạn về một vùng nắng gió   (15/09/2004)
Khơi nguồn mỹ học dân tộc  (14/09/2004)
Còn thương rau đắng...  (14/09/2004)
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu: "Chúng tôi vẽ cái hình như là…"  (13/09/2004)
Thơ: Hà My, Nguyễn Ngọc Hưng  (12/09/2004)
Cây chanh dại   (10/09/2004)