Hơn 15 năm trước đây, nhà thơ Đinh Xăng Hiền công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, lúc đó tôi cũng là cán bộ của Sở cùng công tác với anh. Sau đó, anh chuyển đến Hội Văn học - Nghệ thuật Nghĩa Bình, rồi bị bệnh, qua đời trong sự thương tiếc của gia đình, bạn bè, cơ quan và anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh.
Nói đến Đinh Xăng Hiền - là nói đến người con của dân tộc H'rê, là nói đến nhà thơ của Quảng Ngãi đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nước nhà với nét thơ riêng cô đọng, rắn rỏi, súc tích, giàu chất suy ngẫm, thắm đượm tình người, quê hương, non nước.
Qua thơ anh, ta như chạm vào được tiếng gió hú, chim hót, suối reo... của đại ngàn hùng vĩ, của núi rừng quê hương anh. Tôi còn nhớ trong bài thơ "Qua Đèo Gió" anh viết ở Ba Tơ năm 1979 có hai câu thơ cực hay:
Suối reo hay tiếng em reo
Tay ai gặt lúa như thêu áo chàm.
Với Quy Nhơn, thành phố biển, nơi anh đang dừng bước lúc bấy giờ, anh đã viết:
Tai quen nghe nhạc suối róc rách
Quen nghe tiếng chim hót gọi bạn tình
Mắt quen ngắm mây ngừng đỉnh núi
Lần đầu tiên tôi vào Quy Nhơn
Ơi thành phố đang tắm mình nắng xuân
Như tiếng mẹ hát ru đêm rằm
...
Không chỉ có thơ, nói đến Đinh Xăng Hiền là nói đến con người thẳng thắn, trung thực, anh không khoan nhượng trước cái xấu, cái thấp hèn, đúng như lời nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Liễn - người bạn vong niên của anh khẳng định: "Đinh Xăng Hiền là mẫu người nhứt sinh trung trực".
Nói đến anh là nói đến con người biết chịu đựng gian khổ, chẳng những trong chiến tranh mà cả trong thời bình, nhất là hơn 15 năm trước đây đời sống kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn, bất cập.
Kỷ niệm 15 năm ngày mất của anh, một lần nữa xin nghiêng mình tưởng nhớ anh - nhớ về một con người cao đẹp, nhớ về một nhà thơ thân yêu của chúng ta. Xin cảm ơn những người bạn tâm giao đã chắt chiu, gìn giữ thơ anh sau 15 năm thăng trầm tưởng như phiêu dạt…
. Văn Trọng Hùng
|