Nghiên cứu - Trao đổi:
Tân Dã đồn - "đứa con đầu lòng" của Đào Tấn?
15:40', 28/9/ 2004 (GMT+7)

Theo Tiểu sử cụ Đào Tấn do ông Đào Nhữ Tuyên (con thứ cụ Đào Tấn) viết, thì Tân Dã đồn "cụ diễn lúc thiếu thời". Theo ghi chép của bà Chi Tiên (thứ nữ cụ Đào Tấn) thì tuồng Tân Dã đồn cụ Đào viết lúc 19 tuổi. Còn theo suy luận của ông Mạc Như Tòng trong bài "Những điều nghe biết về Đào Tấn" thì tuồng Tân Dã đồn cụ viết lúc đã ra làm quan.

Quan sát từ nhiều phía gộp lại tôi tin vào tài liệu do hai người con cụ Đào ghi chép. Và cũng từ đó chúng ta có thể suy luận: nếu Tân Dã đồn chưa phải là đứa con đầu lòng của tác giả thì ít ra cũng là tác phẩm duy nhất còn lại trong thời son trẻ của ông - thời trò Tấn.

Hiện nay, Tân Dã đồn có mấy dị bản:

- Bản Hán-Nôm của nghệ sĩ Phan Hiền (tức Cửu Vỵ) cung cấp, tủ sách nghiên cứu nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là nhà hát Đào Tấn) lưu giữ.

- Bản phiên âm chép tay, bút tích của bà Chi Tiên, Bảo tàng tổng hợp Nghĩa Bình (nay là Bình Định) lưu giữ.

- Bản phiên âm đánh máy của Quách Tấn (Nha Trang) tủ sách nghiên cứu nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là nhà hát Đào Tấn) lưu giữ.

Ngoài ra, còn một số bản lưu hành nằm ở các gia đình nghệ sĩ hát bội Nghĩa Bình, hầu hết bị rách nát, thiếu trước hụt sau.

Về tên kịch bản, có bản ghi là Tân Dã đồn, có bản ghi là Tân Dã phân binh, có bản ghi là Từ Thứ phân binh.

Về văn học, giữa các bản thứ lớp như nhau, riêng lời tuồng thì có sự xê xích nhất định, như bản Hán Nôm của nghệ sĩ Phan Hiền có thêm một số câu nói Lối và hát Nam trong lớp tiễn Từ Thứ mà các văn bản không có. Tôi nghi là do người sau thêm vào vì văn chương có phần khập khiễng.

Năm 1980 căn cứ các dị bản đã tìm được, tôi tiến hành công tác khảo dị, lấy bản của bà Chi Tiên làm gốc, nhằm phục hồi vở tuồng này với mong muốn có được một bản có thể tin cậy gần với nguyên tắc. Sau khi khảo dị, phục hồi, nhờ các bậc lão thành đã từng tiếp xúc với tuồng này như: Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Phan Hiền đọc lại. Qua trao đổi ai cũng cho rằng bản khảo dị, phục hồi tương đối chính xác. Hiện nay trong hoạt động nghệ thuật chúng tôi coi bản này là mẫu.

Tân Dã đồn viết theo Tam quốc chí, miêu tả câu chuyện Từ Thứ vốn là quân sư của Lưu Bị, vì mắc mưu Tào Tháo mà phải xa rời Lưu Bị. Để giữ trọn tình nghĩa với Lưu Bị lúc ra đi Từ Thứ tiến cử Gia Cát Khổng Minh cho Lưu Bị. Anh em Lưu Bị tiễn đưa Từ Thứ trở về đất Tào để báo hiếu mẹ rất nồng hậu. Từ Thứ vô cùng xúc động:

Non chập chồng nghĩa chúa

Nước linh láng lòng tôi

Phút gặp gỡ, phút chia phôi

Hay nhân tình, hay thế sự

Nam:

Thế sự nhân tình khéo léo

Vói hỏi người toàn hiếu, toàn trung?

Điều đáng lưu tâm hơn hết là ở tác phẩm này tác giả xây dựng nhân cách ông chài rất ngộ nghĩnh:

Ông Chài:

Yên cảnh vẽ vời văn đại khối

Giang hồ lai láng đất ngư ông

Nước lên ròng mặc thế phập phồng

Thuyền trôi nổi dầu ta thong thả

Nam:

Thong thả đùa mây cợt nước

Một chữ nhàn nửa phước, nửa duyên.

Và khi đội quân Tào Tháo đánh nhau với đội quân Lưu Bị, bên nào cũng yêu cầu ông chài đem thuyền đến cứu giúp họ, ông trả lời:

Bất cang kỷ sự mạc đương đầu

(không liên quan đến mình chớ dính líu vào)

Họ đuổi theo cướp thuyền, ông thẳng thừng với họ:

- Tiền lộ hữu duyên, nhữ vi nhữ, nam khả, bắc khả;

Ngư ông hà dự, tri bất tri, Hán gia Sở gia.

(May thay chặng đường trước của đời ta, mặc các ông muốn nam hay muốn bắc; ông chài không dính líu đến, cũng chả cần biết là nhà Hán hay nước Sở).

Có thể hiểu gọn ý ông Chài rằng: Việc "định bá đồ vương" tranh giành thiên hạ là việc của các người, không cơn cớ gì lão chài tôi phải dính vào đấy. Chi tiết này giúp chúng ta thấy được tầm suy nghĩ của trò Tấn ở tuổi 19-20.

Tuổi 19-20 của trò Tấn còn bộc lộ ở chỗ: sau khi nhận được thư mẹ Từ Thứ bèn xin giã từ Lưu Bị về quê để cứu mẹ. Đành rằng đây là tình tiết có sẵn trong Tam quốc chí nhưng cũng hợp với tư duy của trò Tấn, chữ Trung phục tùng chữ Hiếu.

Tuy vậy, ở tuổi tác ấy mà viết nên hai câu hát khách ở cuối vở, đã bộc lộ tài hoa của tác giả sớm trổ:

Vạn kim bửu kiếm tàn thu thủy

Mãn mã xuân sầu chức bố yêng

Nghĩa là gươm báu ngàn vàng, sông nước mùa thu cất giấu; nỗi sầu mùa xuân phủ đầy thân ngựa, dệt thành tấm vải làm yên ngựa. Gửi gắm sâu kín, tài hoa tuyệt vời. Cái tuyệt vời ở chỗ: Chỉ bằng hai câu thơ bảy chữ mà chứa đựng một khối lượng thông tin đầy ắp tình người - nỗi chua xót về sự mất mát một nhân tài - Từ Thứ.

. Vũ Ngọc Liễn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thơ Đào Đức Tuấn   (27/09/2004)
Đinh Xăng Hiền - Nhất sinh trung trực   (27/09/2004)
Khuê các anh hùng - Lai lịch và tâm sự Đào Công  (26/09/2004)
Cái bánh dẻo tròn  (24/09/2004)
Cái bánh dẻo tròn   (24/09/2004)
Thơ: Mai Thìn, Nguyễn Thanh Xuân, Hồ Thế Phất   (24/09/2004)
Không gian nghệ thuật - thế tương giao sông, núi, tháp - trong ca dao Bình Định   (22/09/2004)
Thời sự văn nghệ   (21/09/2004)
Thơ Mai Thìn: Bến gỗ, Rừng trúc, Chia tay với ngôi nhà  (20/09/2004)
Theo nhau Về quê   (17/09/2004)
Thơ: Quốc Thành, Nguyễn Đình Lương, Phan Văn Thuần  (17/09/2004)
Thơ Đinh Xăng Hiền: Im lặng mà không im lặng   (16/09/2004)
Góc nhìn lãng mạn về một vùng nắng gió   (15/09/2004)
Khơi nguồn mỹ học dân tộc  (14/09/2004)
Còn thương rau đắng...  (14/09/2004)