Đó là cố nhạc sĩ Hoàng Lê, nguyên chủ nhiệm bộ môn dân ca, trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Bình Định những năm 1980.
Sinh ra và lớn lên tại xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, một trong những cái nôi của dân ca bài chòi Bình Định, nên chất dân ca đã thấm vào máu thịt của nhạc sĩ ngay từ thủa nhỏ.
Tham gia cách mạng tháng 8-1945, phụ trách thiếu nhi rồi trưởng ban thông tin xã, nhạc sĩ Hoàng Lê đã phần nào đưa bài chòi vào công tác tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng tới quần chúng rất có hiệu quả. Ông có khiếu âm nhạc, có tài sáng tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc như kìm, sến, hồ, nhị… Từ những năm 1950, ông đã sáng tác một số ca khúc như "Vui chiến đấu", "Mưa rào"… phục vụ kháng chiến, được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.
Tập kết ra Bắc, nhạc sĩ Hoàng Lê phụ trách dàn nhạc của Đoàn Ca kịch Liên khu V rồi chuyển sang nghiên cứu, chuyên sáng tác nhạc cho Đoàn. Năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Lê được trở về quê hương chiến đấu. Ông ở tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn khu V, tham gia huấn luyện văn nghệ cho Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ 1970 đến 1975, nhạc sĩ trở ra bắc thực hiện nhiệm vụ Khu ủy giao là đào tạo diễn viên dân ca và thành lập Đoàn dân ca Khu V "B" (tiền thân của Đoàn dân ca Phú Khánh sau này) để trở về phục vụ đồng bào kháng chiến.
Quá trình hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Hoàng Lê cùng các nhạc sĩ khác viết âm nhạc cho sân khấu bài chòi trong hàng chục vở diễn như "Thoại Khanh - Châu Tuấn", "Kiều - Từ Hải", "Nghìn thu vọng mãi", "Tiếng sấm Tây Nguyên"… Những vở kịch này đều đạt giải cao trong các dịp hội diễn sân khấu toàn quốc. Riêng ông còn viết nhạc cho các vở "Đoàn tụ", "Lâm Sanh - Xuân Nương"; vừa chuyển thể, vừa sáng tác nhạc cho các vở "Đội kịch chim chèo bẻo", "Một mạng người", "Người năm ấy", "Sóng ngầm vùng biển lặng", "Một sự trả giá", "Chuyện bên dòng sông Thu"…
Trên cái nền chung của dân ca bài chòi, nhạc sĩ Hoàng Lê đã có những cải biên, đặt lời mới cho bài chòi ngày càng phong phú, như các điệu "Lía phôn", "Chèo bẻo","Gió đưa trăng", "Trách ai đổi bạn"… Ông cũng sáng tác một số nhạc nền cho các vở, có các tiêu đề như "Nhạc mở màn", "Bóng người", "Lửa hờn", "Đêm đen", "Thắng lợi", "Nghênh xuân"…
Đặc biệt, nhạc sĩ Hoàng Lê có một sáng tác dân ca bài chòi đã trở thành cổ điển (giống như cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu sáng tác ra điệu Dạ cổ hoài lang trong cải lương vậy). Đó là bài "Vọng Kim lang" (Nhớ Kim Trọng) ông viết trong vở "Kiều" (phỏng thơ Lưu Trọng Lư). Lời như sau:
Chốn Liêu Dương cách trở muôn trùng
Trông theo chàng từ bóng ngựa khuất quan san
Thiếp trông theo chàng từ bóng ngựa khuất quan san…
Mộng vàng đêm trường ai về thấp thoáng tỉnh ra lại tủi suốt canh chầy
Thấy ai trong mộng mà nhớ buổi chia tay
Dáng ai lên đường kìa vó ngựa bước đâu đây…
Người đi ta đếm xuân sang
Xuân sang rồi lại sang xuân
Mà sao nhìn về biên cương bóng chim vẫn mờ tăm…
Điệu "Vọng Kim lang" bây giờ đã rất phổ biến, như là một điệu hát tự nhiên có từ lâu rồi. Có lẽ ít ai biết người sáng tạo ra điệu hát ấy là nhạc sĩ Hoàng Lê.
Trên cơ sở của nhạc điệu này, nghệ sĩ ưu tú dân ca bài chòi Nguyễn Kiểm đặt lời cho một nội dung mới, là khúc "Đêm trăng nhớ Bác".
Cùng với sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Lê còn tâm huyết với việc nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý các ca khúc bài chòi, góp phần gìn giữ, bảo tồn vốn quí của dân tộc. Những công trình nghiên cứu của ông đã được Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình xuất bản 2 tập mang tên "Âm nhạc dân ca bài chòi" (1978) và còn nhiều bản thảo của nhạc sĩ Hoàng Lê chưa công bố.
Với tư cách là chủ nhiệm bộ môn dân ca bài chòi của Trường văn hóa Nghệ thuật tỉnh, nhạc sĩ Hoàng Lê đã hết lòng truyền thụ những "ngón nghề" ca kịch bài chòi cho các lớp đàn em, như các nghệ sĩ Trần Tới, Hoài Huệ, Hồ Thu, Kim Cúc, Tấn Hào, Mộng Hoàng… ngày một trưởng thành, giữ vai trò chủ chốt của Đoàn dân ca kịch Bình Định ngày nay.
Nhưng hơn hết, sự sáng tạo ra điệu "Vọng Kim lang" của nhạc sĩ Hoàng Lê là vô giá. "Vọng Kim lang" bây giờ là tài sản của nhân dân, coi như của nhân dân sáng tạo. Bởi vậy, nhạc sĩ Hoàng Lê sống mãi cùng với điệu "Vọng Kim lang" bất hủ.
. Nguyễn Văn Chương |