Những ngày này, tôi thường nhận tin vui. Nghe tín hiệu máy, thấy có chữ GSTS Nguyễn Xuân Kính hiện lên, biết thế nào cũng chỉ có việc từ đáng hoan hỉ trở lên mà thôi. Vụ này thì rất chính xác. Anh Kính ngoài việc là thành viên Ban lãnh đạo Hội VNDG Việt Nam, còn là lãnh đạo Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, nay đổi là Viện Nghiên cứu Văn hóa, giảng viên thỉnh giảng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1973, về công tác ở Ủy ban Khoa học xã hội, có một thời gian ở Viện Văn học. Từ 1984 đến 1988, anh là nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tại Trường Đại học Quốc gia Mat-xcơ-va. Anh là tác giả của nhiều công trình đồ sộ, công trình nào anh cũng có gửi vợ chồng tôi và ghi lên đầu hàng chữ trân trọng: "Thân tặng Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang với những tình cảm thắm thiết và sự mến phục". Sách anh có quyển anh chủ biên, có quyển đồng soạn giả, có quyển anh viết riêng. Nhiều quyển cỡ vài nghìn trang như bộ Ca dao Việt Nam, Kho tàng ca dao người Việt, Kho tàng tục ngữ người Việt, Các tác gia nghiên cứu văn hóa dân gian, Tổng tập Văn học dân gian người Việt (anh là Chủ tịch Hội đồng biên tập bộ sách lớn này), hay mỏng hơn một tí nhưng cũng cỡ bốn năm trăm trang là Thi pháp ca dao, Con người và môi trường văn hóa… Gần đây, anh hay gọi tôi để cho biết tiến độ quyển sách của tôi và bà xã tôi, Văn hóa dân gian vùng Thành Hoàng Đế, cỡ 500 trang, do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đầu tư và xét duyệt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành. Anh rất chu đáo, cử một thạc sĩ là Phan Hoa Lý theo dõi in, hỏi tôi từng từ trong bản thảo cho đúng. Có hôm, một buổi sáng, cầm điện thoại trao đổi đến cả tiếng đồng hồ. Tôi rất kính nể sự tận tâm và tình cảm dạt dào giáo sư giành cho vợ chồng tôi. Vì bản thảo đưa vào bản đánh máy của nhà thơ nên lỗi mo-rat trong đó là vô thiên lủng, tội nghiệp vị nữ thạc sĩ đã được giao, công việc quá nặng nề. Có lúc, tôi phải đọc cho nữ thạc sĩ chép cả một trang sai sót. Kế hoạch của GS Nguyễn Xuân Kính là cho sách ra đời cuối tháng 12-2004. Giai đoạn này, bà xã tôi đi TP. Hồ Chí Minh, tôi ở nhà với các con, vừa viết thêm một cuốn sách nữa là Folklorists liệt truyện này, mỗi lúc có anh Kính điện thoại vào, tôi vui mà các cháu cũng vui. Các cháu vui vì bác Kính và các Giáo sư đã tạo nhiều điều kiện để ba mẹ có niềm an ủi lớn với công sức sưu tầm nghiên cứu, thâu đêm suốt sáng trằn trọc kỳ cạch viết. (Các con tôi đều biết vì các Giáo sư có đến nhà thăm và sách của họ có trong tủ kính). Mới sáng 20-12-2004, anh Kính điện vào bảo nhớ Mừng mà điện, hẹn ngày gặp tại Hà Nội. Anh cũng thông báo tin vui nữa là các hội viên Nguyễn Xuân Nhân, Trần Xuân Toàn, Lê Nhật Ký đạt giải thưởng Hội VNDG Việt Nam năm 2004. Thế là văn nghệ dân gian Bình Định năm nay được mùa lớn, năm ngoái năm kia và các năm trước nữa cũng vậy, mùa này tiếp theo mùa khác, sum suê, phong túc. Còn về cuốn sách của tôi, anh bảo ông Giám đốc Nhà xuất bản vừa đi Trung Quốc về ký giấy phép, tiến độ hoàn thành sẽ làm cật lực cho kịp. Thật là vinh hạnh làm sao!
GSTS Nguyễn Xuân Kính ngoài công việc kinh viện hàn lâm, còn là một người rất cập nhật với đời sống văn học nghệ thuật đương đại, và đặc biệt anh rất hóm hỉnh trong cuộc sống thường nhật. Hôm tháng mười vừa rồi, dù anh rất bận nhưng mấy anh em văn nghệ dân gian chúng tôi ra Hà Nội họp ở Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương xong, đến đề nghị được đi Thái Bình, anh duyệt ngay. Hôm ấy, GSTS Tô Ngọc Thanh có chuyến xuất ngoại (GS rất thường xuyên vi vút năm châu bốn bể), cũng rất chú ý không để chúng tôi đi xe đò, mà chỉ đạo ngay cho anh Soạn đưa ông ra sân bay quốc tế Nội Bài xong, quay về chở chúng tôi đi du ngoạn. Sau này gặp lại, tôi có nói với GSTS Tô Ngọc Thanh rằng thầy đi Thái Lan, chúng em đi Thái Bình, Thái nào cũng Thái cả. GS cười rất vang, bảo hôm đó về còn nghe các câu mà đoàn để lại Văn phòng Hội: "Trở về với Hội ta thôi - Lỡ mai hưu trí ai chơi với mình" nữa kia! Hôm đó, đoàn chúng tôi gồm các hội viên Hội VNDG như Văn Công Hùng (Phó chủ tịch Hội VHNT Gia Lai), Lê Tân (Chủ tịch Hội VHNT Trà Vinh) còn có nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Trần Đương, họa sĩ Thái (Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Long), nhà văn Trần Thôi (Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Long). Nhà bố mẹ GSTS Nguyễn Xuân Kính ở thành phố mà có phong thái vườn tược quê kiểng, cạnh dòng sông lững lờ. Vườn cây trĩu quả, thấy mà mê. Bố mẹ anh đã già, nhưng rất nhiệt tình với khách của người con trai độc đinh, tất tả với đủ thứ món ăn ngon chiêu đãi. Trong đó, không hề thiếu mắm cáy rau lang luộc, đặc sản Thái Bình. Tôi cũng như một số thực khách Nam bộ, lần đầu tiên ăn mắm cáy, rất thích thú. Nhà văn Đức Hậu, Chủ tịch Hội VHNT sở tại cũng đến chia vui, cùng một người bạn là anh Thanh, Giám đốc sở VHTT Thái Bình. Thì ra, anh Thanh cũng là hội viên, anh tâm sự rằng anh xem việc nghiên cứu viết lách là rất trọng thị. Chiều, anh Thanh đưa chúng tôi đi thăm chùa Keo, ngôi chùa cổ từ thiền sư Dương Không Lộ. Trong chùa, có tượng thiền sư bằng trầm hương, ai chay tịnh mới được vào xem. Chúng tôi vãn cảnh chùa mùa lễ hội, người khắp nước đến đông nghịt. Có Giám đốc Sở tháp tùng đoàn nên Ban tổ chức lễ hội và người nhà chùa hướng dẫn tận tình.
Năm xưa, nhà thơ Lê Văn Ngăn, Phó chủ tịch Hội VHNT Bình Định ngồi uống trà gừng với tôi, thân ái bảo rằng: "Ông về Hội là thiệt thòi đấy, chức vụ thì có mà quyền lực cũng như tiền bạc thì không. Nhưng bù lại, chúng ta cùng có một góc độ để nhìn con người sâu sắc hơn". Trải qua một thời gian dài công tác hội, nghĩ đi nghĩ lại, tôi chưa hề thấy câu nói đó vô lý ở chỗ nào. Quả có thế thật, anh Ngăn kinh nghiệm công tác Hội từ hồi mới giải phóng miền Nam đến nay, nói đúng y bon. Tất nhiên, tôi không phải không quý mến người cộng sự nhưng qua câu nói đó, tôi càng tăng thêm những ý nghĩ tốt đẹp về anh. Ở Hội, mà hội ta cũng như hội bạn, người thường trực được bơi trong một biển thông tin. Có người gọi nôm na chuyện cái gì cũng biết này là "ma xó". Ngoài nhiều chuyện "người tốt việc cũng vậy", cũng lắm chuyện khác như ai thọc gậy bánh xe, ai ném đá giấu tay, ai ngậm máu phun người, ai thức với ai ngủ việc với ai đẩu đẩu đâu đâu ngày nảo ngày nào, cũng có thông tin đến hội, nhất là từ các hội viên hay "đi thực tế" nơi này đến nơi nọ, nghe được nhiều chuyện biết được nhiều thứ. Tất nhiên, nghe cũng dở mà không nghe chưa chắc đã hay, ví dụ hồi hôm ai uống rượu với ai ở đâu, nói câu gì đáng chú ý, đã chuyện văn nghệ thì ít khi không có nhân vật "đồng chí hội" (đồng chí hội có hai đại biểu, một là "đồng chí hội viên", hai là "đồng chí thường trực hội") xuất hiện. Ừ thì có liên quan đến "đồng chí hội", thì "đồng chí hội" cũng có trách nhiệm nghe, họ nói sai thì lẳng lặng cho qua, nói đúng thì liệu mà sửa mình, chứ (cực kỳ ghi nhớ) đừng để ý mà thù ghét họ. "Đồng chí thường trực hội" không nên quên rằng người ta có quyền ấy đối với mình vì họ quan trọng lắm, hùng mạnh lắm, giáo gươm sáng quắc, tiền nong xủng xoẻng, còn mình thì quanh quẩn mãi với mực cạn bút cùn, mắc chứng "viêm màng túi" kinh niên (tức còn gọi là bệnh thiếu vitamin T), sức vóc thì do hay rượu chè lại thức khuya viết lách, trói dế còn chưa chặt đừng nói trói gà chi cho sang. Đấy là chia sẻ của nhiều bậc lão làng, lịch lãm trong nghề nghiệp và trong công tác hội. Làm công tác này, ít nhiều ai cũng có chút thiền. Nghĩa là hãy nhìn vào tận tâm mình, có được tâm rồi thì đừng lo không có cả thế giới. Nếu chưa có nó, mọi yếu tố gì khách quan (trong đó không loại trừ sự may mắn) nào đó để giải cứu mình, dù ơn nghĩa đến mấy cũng không chủ quan xem đó là liệu pháp bấu víu bền bỉ vững chãi. Nhưng người ta đã tin tưởng góp mỗi người một lá phiếu đưa anh vào ở cơ quan sáng tạo này, ở xứ sở này, tính nết anh dù có cực kỳ tốt mà tác phẩm anh không có, hoặc ít giá trị thì cũng phải liệu mà trau giồi học tập, nếu không anh em có quyền coi thường. Ở cơ quan thuộc chức năng quản lý nhà nước cũng như một số hệ điều hành quy củ khác, thủ trưởng rất có sức mạnh đối với đời sống cơm áo gạo tiền của cán bộ công chức, nâng lương, cho tham gia công trình này công trình nọ, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, thủ trưởng xuất hiện trong anh mọi công việc từ thường ngày đến dài lâu…
Rất nhiều cán bộ sợ bị thái độ lạnh lùng của thủ trưởng cơ quan, dẫn đến ngồi chơi xơi nước. Nhưng ở hội, thì lực lượng chính là hội viên, cư trú và hoạt động ở khắp nơi trong tỉnh, ăn cơm nhà mà sáng tác, xuân thu nhị kỳ đến hội họp. Ai rảnh rỗi thì ghé chơi, ai bận bịu thì thôi. Càng ngồi chơi xơi nước càng rảnh, có thì giờ đầu tư cho sáng tác. Mỗi cơ quan có đặc thù riêng, không ai dám so sánh một cách máy móc đơn thuần. Sẽ có người mắng rằng đã mang lấy nghiệp thì cầm giữ lấy nghiệp, ai cho ông được quyền thèm thuồng rồi ví von cho mất công. Mà có ai chơi bài đổi thử cho ông, chắc gì ông đã làm tốt chức phận. Ông còn sáng tác sáng tung, mở vở lật sách, cân chữ cân nghĩa, bao nhiêu đó mà ông làm ngon thì có bạn đọc ghi nhận. Mà gắng hết hơi tàn để được bạn đọc ghi nhận thì sức lao động ông bỏ ra đã kiệt quệ rồi, không còn thì giờ cho thứ khác. Hãy biết mình đứng chỗ nào là vừa với trí lực vốn có hạn, đừng ham hố. Nói vậy, tôi biết mình lắm chứ. Cái biết này đã có những người bạn của tôi, khắp trong Nam ngoài Bắc giữa Trung chia sẻ. Cái này thì Lão Tử vĩ đại cũng cho tôi một thiên: "Tri nhân giả trí - Tự tri giả minh - Thắng nhân giả hữu lực - Tự thắng giả cường - Tri túc giả phú - Cưỡng hành giả hữu chí - Bất thất kỳ sở giả cửu - Tử nhi bất vong giả thọ" (Biết người là bậc trí - Tự biết mình là sáng suốt - Thắng người là có sức - Tự thắng mình mới là mạnh - Biết đủ là giàu có - Cố sức là có chí - Không đánh mất bản chất ắt lâu dài - Chết mà không mất là thọ lâu".
Tôi lại xin mở ngoặc tiếp, những điều thánh nhân chỉ dạy thì tôi học, còn đạt đến đâu là do tâm đức của mình, chứ không phải ý tôi nói là tôi đã hoàn toàn trở thành hình ảnh trong đó. Nói lan man sang việc khác, cụ thể, sống ở trên đời, theo trí óc thiển cận của tôi, cứ chăm chú vào một việc sở trường (nếu có), may ra xã hội còn trọng tôi chút đỉnh. Bởi như thế là hy vọng ít nhiều tôi cũng cần thiết cho những người xung quanh. Tôi lại trùng với dân gian mất rồi, dân gian có nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh ấy mà. Nhưng nghe câu đó tôi lại tủi, bởi có người cũng ý kiến, nghệ ông tinh hồi nào, thân ông vinh bao giờ? Thôi thì, dám mong đại xá đại xá, tôi chưa như thế thật, đang cần mẫn tìm tòi cho hiểu biết phần nào để khám phá sáng tạo đây. Không ai một lúc mà đùng cái giỏi liền (trừ các thiên tài). Mà các thiên tài họ còn khiêm tốn cho rằng tài họ chỉ 1%, còn lao động chiếm 99% kia mà. Với ý nghĩ như vậy, tôi cũng hơi bị xuề xòa, không giấu dốt, nên cứ tìm mọi cách để học, học thầy, học bạn, học sách vở, học thiên nhiên, học xã hội… Dân gian đã nói rồi, một mặt họ bảo "Không thầy đố mày làm nên", mặt khác họ bảo "Học thầy không tày học bạn", theo như GS Trần Quốc Vượng đúc kết là dân gian có tư duy nước đôi. Tôi là người của dân gian, tôi xin kết hợp hai thứ, vì thứ nào cũng có lý của nó cả.
Ừ thì cuộc đời ấy mà, ta yêu người thì người không nỡ phụ ta, cái gì rồi cũng nhân quả cả. Tôi không hề có ý định đưa lý thuyết tôn giáo vào đây, mà chỉ thực tế nghiệm sinh thôi. Có lúc, mình cũng chịu nhiều đắng cay, nhưng cứ bình tâm tĩnh trí, lấy tiếng cười khoan hòa thân ái làm trọng, chứ mãi cay cú trách cứ thì còn mở hướng sao nên. To lớn như biển kia, núi kia hay trời kia đất kia, còn có lúc phải chịu ngậm đau thương cay đắng, huống hồ chỉ một hạt bụi tôi. Bởi vậy, thảng hoặc cũng ngâm điệu tán của Đào Tấn phó thác cho nhân vật Quan Công trong Cổ Thành: "Quân tử diệc cùng hồ, phong võ sơn trung như thử dạ - Tự mệnh bất tiểu hĩ, doanh du thế cuộc phó vi kỳ". Vũ Ngọc Liễn dịch: "Non cao đêm tối trận mưa giông, chẳng lẽ đường cùng đà đến bước - Cuộc thế ván cờ trò thua được, đã ôm chí lớn ngại ngần chi".
Tôi rất mê Đạo Đức Kinh (bên cạnh nhiều tác phẩm bất hủ khác của triết học, sử học, văn chương, vật lý, toán học…), đã từng trích dẫn trong một số bài viết tâm đắc của mình, trong đó có cả ở phần trên đây thôi. Sống trên đời ai có tài giỏi đến đâu cũng tránh sao được hệ lụy, lâm lụy, nhưng nếu bình tâm theo triết lý phương Đông được đúc kết qua Lão Tử, thì dễ thở hơn rất nhiều: "Họa hề phúc chi sở ý - Phúc hề họa chi sở phục".
Người có con mắt văn chương một tí, dễ ôm bụng cười bò lăn bò càng, khi muốn dùng các chất liệu (do hội viên cung cấp) mà viết truyện ngắn hay tiểu thuyết. Nói cho vui vậy thôi, chứ phải đúc kết nghiền ngẫm kỹ lắm, mới xây dựng được tính cách điển hình. Chứ làm lơ mơ, lỡ một người cụ thể nào đó chạm nọc là toi đời con kiến gió! Tôi chưa bao giờ nghe một chiều, cái này nói thật. Mà hội viên thì thực sự đa dạng phong phú, đủ chiều kích mầu sắc. Họ chính là tâm hồn trí tuệ của hội, tất nhiên điều này ai cũng biết. Nhưng thực tế cũng không phải đơn giản, dù chỉ ở mặt nhận thức, vì đâu phải cứ ai tài giỏi, chưa kể những người tự nhận là tài giỏi, đều muốn ngồi chung chiếu với nhau đâu (cái này trừ "đồng chí thường trực hội" vì đồng chí phải không được có thái độ bất nhã với ai, lấy niềm nở làm chính, yêu ghét chôn chặt vào lòng). Một số người bình tĩnh điềm đạm, không hay cãi lung tung. Im lặng là đồng ý, câu đó chưa đúng trong trường hợp này, dù (có thể) là thiểu số. Thôi thì xem như ngoại lệ. Mà cũng chẳng hiếm gì đâu, đa phần hội viên cũng vậy, tôi biết, đôi hồi họ tránh cãi cọ ồn ào. Cho nên hội văn nghệ nào rồi cũng vậy, một vài kẻ ở vào trường hợp thiếu thông tin, phát biểu lung tung như giữa chốn không người, quen rồi cứ tưởng bở! Ở hội ta, một hội được Trung ương xếp tốp đầu trong các tỉnh (trừ Thừa Thiên - Huế và các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng). Hằng trăm con người ta, viết lách, nghiên cứu, vẽ vời, chụp hình, biểu diễn… lại đi đông về tây đi mây về gió, chuyện tràn trề là lẽ đương nhiên. Làm công tác Hội, nhất là Hội Văn nghệ, anh em đồng liêu bảo không nên sợ mà bỏ ngoài tai cái sự "chuyện", không có sự đa mang đa sự mới là lạ chứ có sự đa sự đa mang phải biết nhìn nhận đó là sự bình thường. Nhiều Hội cũng có trường hợp hết sức khó xử trong sáng tác của một vài tác giả, khó nói quá, thôi tạm gọi là phú ông đi. Có Hội bèn truyền kinh nghiệm, rằng lỡ đứng trước tác phẩm của phú ông, thì "đồng chí hội" nên làm cái cò cái vạc cái nông cho yên thân. Ai thắc mắc hỏi phú ông là ai. Hãy trả lời không chút đắn đo, phú ông là nhân vật dân gian, trong bài ca dao Thằng Bờm. Nói có sách mách có chứng, không ai cãi được. (Vụ này hình như chưa gặp nhưng chưa chắc sẽ không gặp ở Bình Định, tôi chỉ kể nơi khác theo nguyên văn bạn tôi kể lại).
Mỗi khi cấp trên triệu tập đi học nghị quyết, triệu tập họp hành liên quan hoặc sơ kết tổng kết, tham gia ban biên soạn chương trình, kế hoạch, tham luận phát biểu hội nghị hội thảo tôi hết sức trách nhiệm, không dám lơ là. Cái này thì tôi có nguyên tắc sống của tôi, không phải đụng công chuyện hành chính mà cứ lơ mơ với mây trời gió nước như chuyện thơ phú được. Mà nói vậy thôi chứ trong chuyện thơ phú, tôi cũng chưa hề cho phép mình lơ mơ với chữ nghĩa. Có thể có bài này bài nọ chưa đáp ứng yêu cầu là do tài mình chưa lớn, trí mình chưa cao, chứ dứt khoát không phải là chẳng dãi dề mồ hôi nước mắt! Trước đây, trên xe trên tàu trên máy bay, giở sổ viết tay, viết trên từng cây số, đến địa điểm họp Ban tổ chức giúp đánh máy. Nay, có cái vi tính xách tay, đi đâu cứ kè kè mang theo như vũ khí bất ly thân, cũng đỡ.
Hồi tôi mới chân ướt chân ráo về Hội VHNT, tôi mới ngoài ba mươi, tuổi tác song song với trách nhiệm được giao, nếu so tương quan với trong nước thế giới, qua các giai đoạn lịch sử, thì không thể nói là trẻ được. Nhưng so với hàng ngũ mũ cao áo dài xung quanh thì không thể gọi là già được. Nó hơi bị lỡ cỡ, không phải già không phải trẻ thì đích thị là sồn sồn rồi chứ cãi làm sao được. Hồi trẻ uống hăng lắm, giờ thì trẻ chẳng được già chưa xong, dù cũng trầm tĩnh hơn nhiều lắm rồi. Anh em tụ tập nâng ly chúc mừng, tôi ngậm ngùi bảo: "Chúng ta đều tuổi sồn sồn - Uống bia thì chậm, sờ "tay" thì nhanh". Nói có mặt đèn làm chứng, bản quyền của tôi chỉ là chữ tay, còn bạn tôi ai ngứa nghề biên tập là họ chịu trách nhiệm với chữ của họ. Fôn-klo mà! Lưu truyền qua nhiều người, đương nhiên phải có nhiều dị bản.
Chương này lại cũng có số phận của… thơ. Viết từ nửa chiều đến khoảng gần khuya thì nghe tiếng tít tít của cao nguyên lạnh giá. Bạn bè bảo rằng tôi giờ rất sành trong việc thẩm định… tin nhắn, chỉ nghe âm thanh là đoán được từ ngoài Bắc hay từ trong Nam, từ miệt biển hay từ xứ núi. Cũng có người bảo tuy rằng cái dóc có thể thông cảm mức độ nhưng nói thế kia thì hơi bị quá mức! Biết làm sao được khi tôi mở máy ra là đúng phóc, fôn-klo-rit Văn Công Hùng: "Có thơ in báo Thanh Niên - Vừa oai mà lại có tiền lai rai - Hai trăm ngàn bạc một bài - Nâng ly cụng với núi dài sông sâu". Tôi hồi đáp ngay: "Ước gì lên được cao nguyên - Uống bia nhuận bút Thanh Niên đã đời - Nhà thơ phố núi tuyệt vời - Uống xong nhấp chuột mà chơi Nhàn đàm". Nhưng tin hồi đáp bị nghẽn mạch (hoặc bị vợ khám xét nửa đêm nổi hứng nhắn tin cho ai, không rõ). Đùa thôi chứ "đồng chí phu nhân" Mai Hoàng Yến của họ Văn là người tuyệt vời trong cái thế giới vợ tuyệt vời. Tuyệt đến mức bạn bè đến nhà là ra tay làm tiết canh vịt, bảo đảm không quán nào bằng. Đi đâu, ghé ai dưới Quy Nhơn cũng giành khoảng năm phút để ca ngợi cái hay cái đẹp của… chồng. Vụ này thì một vài thi sĩ ở Quy Nhơn như họ Lê chẳng hạn (đồng hương của họ Văn) phải ngậm ngùi mà mừng cho bạn, tuy cám cảnh cho mình. Tôi may mắn được nhà báo Ngọc Toàn, Trưởng Văn phòng đại diện báo Thanh Niên khu vực Trung Trung bộ và bắc Tây Nguyên đóng tại Quy Nhơn, tặng tôi mỗi ngày một tờ, có người đưa tận nhà. Sáng sớm, người đưa báo đến tôi còn ngủ thì chuyển qua khe cửa sắt, đọc qua trước khi đi làm. Tôi biết, họ Văn cũng hay đọc mục giới thiệu báo Thanh Niên chủ nhật trên báo Thanh Niên thứ bảy, như tôi. Trước đây, có lần tôi cũng đọc từ sáng sớm, nhắn ngay chúc mừng nhàn đàm Nhớ ngàn thông của anh.
Tôi xuất hiện trên Thanh Niên chủ nhật và Thanh Niên Online 19-12-04 chùm Thơ viết bên thành Hoàng Đế với Rêu tím và Qua Tử Cấm Thành. Sáng sớm hôm sau, đi uống cà phê, mới bật máy thì có hai tin nhắn song song. Tin nhắn của nhà thơ chuyên trị thơ hiện đại Vũ Trọng Quang: "Rêu tím - Qua Tử Cấm Thành - Dáng ai như dáng Nguyễn Thanh Mừng - buồn". Tin nhắn Nguyễn Thái Dương: "Có người qua Tử Cấm Thành - Thấy rêu tím mọc sau… mành, rẽ coi - Vóc ngà vẻ ngọc săm soi - Chốn thiêng được ánh trăng vời vợi loang". Tôi bấm máy cho anh Dương nhưng nghẽn mạch. Bấm tiếp cho anh Quang, biết thế nào hai vị cũng ngồi chung đâu đó giữa Sài Gòn: "Nhà thơ về lại quê nhà - Anh em ta sẽ đi qua hoàng thành - Đi qua dưới sắc trời xanh - Còn đôi voi đá để giành cho ai". Vũ Trọng Quang nhắn lại: "Khi nào công việc thảnh thơi - Nhà thơ về lại ở nơi cung thành - Anh em ta rẽ lá cành - Tê Mờ Hoàng đế buông mành cho Trang". Tê Mờ (TM) là tên tôi, viết tắt. Tôi bấm tiếp cho nhà thơ phố núi, không quên kèm bài: "Hôm qua tin nhắn không thành - Ước ao lên chốn mát lành Tây Nguyên - Anh em ta cứ triền miên - Uống bia nhuận bút Thanh Niên mút mùa". Tôi biết sáng nay sẽ gặp họa sĩ Trung Dũng, người tôi đã đề cập ở chương II, trên di động. Trung Dũng có đức ít khi bỏ qua các vụ tương đương như thế này. Quả nhiên Trung Dũng xuất hiện trong máy: "Thằn lằn ấp trứng điện vàng - Nhà thơ ấp cái vẻ vang Thúy Kiều". Tôi nối luôn vần gửi Trung Dũng: "Còn riêng Trung Dũng nâng niu - Rượu Bàu Đá với ấp iu Tháp Chàm". Cái này nhóm Trống Đồng rất hiểu. Trung Dũng mê uống rượu Bàu Đá, ngồi uống với anh em rồi đọc câu thơ không biết của ai, nhân ghé thăm di tích thì thấy đang trùng tu: "Quy Nhơn có cái Tháp Chàm - Hỏi ra mới biết nó làm chưa xong". Đoán biết Dũng đang ngồi với Vũ Trọng Quang, Nguyễn Thái Dương, tôi tiếp tục nhắn vào máy Trung Dũng: "Sáng nay nhắn lại tưng bừng - Máy anh Dương chẳng biết ngừng hay sao - Nhắn qua họ Vũ dạt dào - Nhắn đến Trung Dũng xôn xao Sài Gòn - Anh Dương pin hết máy còn?". Sở dĩ tôi hỏi vậy vì trong ấy có nạn cướp giật mobail. Tôi sợ nhà thơ lơ ngơ bấm bấm, hớ hênh ngoài đường, tạo điều kiện cho kẻ gian hớt chạy. Tôi có anh bạn, đi công chuyện vào trong ấy, ở lâu quá vợ gọi vào mắng cho một trận nên thân. Anh cứ áp máy vào tai, run bần bật như đang đứng diện kiến cái đấng… vợ, tức "cục cưng", tức "con chim xanh yêu kiều". Đang tìm lý lẽ biện minh cho vợ ở nhà hiểu thì máy anh bị hai thanh niên đi trên mô tô siêu tốc, giật chạy biến. Định thần lại, anh không hô cướp mà thở phào: "Sao lại có thằng tốt quá, nó giật máy hứng giùm cơn cuồng phong thịnh nộ của vợ mình, mình thì thoát hiểm trong gang tấc. Hắn mà còn giữ cái máy ấy, còn liên tục bị nghe vợ mình chửi, thế nào cũng giảm thọ". Trung Dũng nhắn: "Thưa rằng người có, pin không - Cho nên mới gửi công công quách què". Tôi trả lời: "Quy Nhơn ngoài có Tháp Chàm - Ở trong còn có thâm trầm là pin". Trung Dũng mô tả cảnh anh em trong ấy đang ngồi với nhau rất đông (chắc trước uống cà phê, sau chuyển sang nhậu): "Tin đồn loan báo rất nhanh - Có người lên Tử Cấm Thành làm thơ". Tôi đáp: "Ở đây ngoài việc nâng ly - Có ai hỏi sẽ làm gì? - Làm thơ!". Ngay sau đó, tin nhắn của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Nguyên, hiện lên: "Đang đọc hai bài thơ của anh trên Thanh Niên". Tôi đáp từ ngay: "Rất cám ơn Nguyễn Vĩnh Nguyên - Đọc thơ trên báo Thanh Niên của mình - Vừa rồi thăm lại cung đình - Người ta chụp ảnh còn mình làm thơ". Rồi nhà thơ Đào Đức Tuấn ở Tuy Hòa giành hẳn một cuộc gọi ra cũng báo rằng em đang đọc thơ anh trên Thanh Niên, rằng "đầm đìa đáy vũng lặng thinh", có đúng không. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng thiêng, Đào Đức Tuấn nhắc rằng anh có bài gì quà tặng tuổi thơ thì gửi cho Nguyên, Nguyên hiện làm cho báo Tiếp Thị Sài Gòn, có mục ấy. Lúc này tôi biết trong ấy đang cụng ly trăm phần trăm, máy người này hết pin thì dùng máy người kia, không phân biệt ai sáng tác, ai nhắn nữa. Hình như là hình như: "Đang ngồi ở quán Bờ Sông - Tưởng rằng đã gặp được ông Thanh Mừng - Ai ngờ tin nhắn tưng bừng - Đọc xong thấy chẳng nên ngừng nhắn tin". Tôi vẫy tay tạm biệt: "Trời ơi trái đất bao dung - Bao nhiêu thi sĩ ngồi cùng Bờ Sông". Lúc này, từ vùng phên giậu Tây Nguyên, nhà thơ phố núi Văn Công Hùng véo von trời bể: "Nhà thơ một cõi rong chơi - Cho sướng con mắt đã đời con… "không bao giờ bay"!
Một buổi sáng đi qua trong không khí rất văn hóa dân gian. (Có lẽ) cuộc nối mạng TP. Hồ Chí Minh với duyên hải miền Trung và Tây Nguyên rất điệp rất trùng với cảnh tưng bừng của… hội hè đình đám!
. Nguyễn Thanh Mừng |