Folklorists liệt truyện (kỳ IX): Thế giới ở ngay trước ngõ nhà mình
15:2', 3/1/ 2005 (GMT+7)

Cũng lại cái tên Châu Kim, người bạn chết tiệt ấy của tôi, cử một người bạn của hắn đến thăm. Tôi phải tiếp bạn của bạn, do bạn ủy quyền. Người ta đang viết một công trình đồ sộ, những mấy trăm trang mà đột nhiên hắn lù lù vác xác, từ đồng quê xóm mạc lên, tặng cho ký nếp ngon, con gà mái ghẹ, trái bứa, trái lục bát, chùm bồ quân (cái này trên phố không thấy bán) bảo giành cho vợ con tôi. Rồi hắn lôi ít dưa cà, sung ổi, rượu Bàu Đá ngâm tắc kè, mời tôi nhắm rượu. Hắn rót rượu nâng lên ngang mày rồi đọc: "Rượu ơi, ta bảo rượu này - Rượu vô thành phố rượu bày bạn ta - Sáng tác vốn nghiệp văn hoa - Thơ năm bảy tập, trường ca chín mười - Tản văn tùy bút vô hồi - Một vài tiểu thuyết đổi đời thành phim - Phê bình ríu rít như chim - Sưu tầm nghiên cứu như sim trên đồi - Trăm pho sử sách ra đời - Phần ta góc bể chân trời sẻ chia…". Hắn nói vậy, có sắp chết cũng phải gượng dậy hưởng một ly tri âm tri kỷ rồi mới ngả xuống mà nhắm mắt được, huống hồ là mình khỏe như voi, lại đang (tạm thời) sung sức sáng tác.

Ừ, uống thì uống, thêm một người tốt trong đời cũng như thêm trang sách quý. Lâu nay, như chương trên đã cáo lỗi, tôi thèm lắm và quý hóa lắm những cuộc nhậu bạn bè, nói chuyện phiếm, văng tục văng lụy cho đã đời, kề vai áp má như Lưu Bình ngày đăng khoa trở lại tìm nhà Dương Lễ, định để… chửi, hóa ra để ôm bạn vừa uống rượu vừa khóc rồi lại vừa cười. Cười thâm trầm, cười sâu nặng, cười vá trời lấp bể khi hiểu trên đời cái nghĩa bạn bè giành cho nhau nó cao rộng quá, thăm thẳm quá, càng thấm càng khóc lai láng, càng thấm càng cười tràn cung mây!

Cái tâm trạng này tôi đã được trải qua một lần, mùa hè năm kết thúc lớp ba, ở trường Tiểu học cộng đồng Phụ Đức. Đây là lần diễn kịch của trại hè. Thường thì mấy năm trước và sau đó cắm trại ở vườn dừa, cạnh cốc Sư Cô, bãi sông trên cầu Bồng Sơn một tí. Nhưng năm ấy cắm tại trường. Lớp tôi đóng góp tiết mục kịch thơ Lưu Bình - Dương Lễ. Tôi còn nhớ mồn một, dù đã gần bốn chục năm rồi. Trong lớp, chọn vai rõ ràng để phân công tập. Tôi đóng vai Lưu Bình. Bạn Diệp Thị Lai tuy nữ nhưng người to cao, mặc đồ nam đóng vai Dương Lễ. Bạn Nguyễn Thị Màu thon thả đóng vai Châu Long. Cậu Nguyễn Hữu Tra (bạn học cùng lớp nhưng là em họ của má tôi, tôi gọi bằng cậu), đóng vai chủ quán Nghinh Xuân. Phải nói, một vở kịch được tập luyện công phu, lại tuổi nhỏ hồn nhiên, gây ấn tượng hết sức say sưa cho thầy cô giáo và học sinh toàn trường, bởi những đợt vỗ tay vang lên như sấm dậy. Đây là lần đầu tiên và lần cuối cùng trong đời tôi đóng kịch. Và theo dư luận thì rất thành công. Sau này, tôi còn học ở nơi này một năm rưỡi nữa, tôi còn được thầy cô bạn bè thỉnh thoảng biểu dương, gắn thành tích văn nghệ ấy bên cạnh thành tích học tập, với con mắt mến thương rõ rệt. Những ai hồi trước học trường này, có dự văn nghệ hội trại năm ấy, bây giờ gặp tôi vẫn còn nhớ, còn nhắc một cách trân trọng gắn cùng kỷ niệm trường xưa bạn cũ, với niềm thao thiết. Sau này lên trung học và đại học, có lần bạn bè cũng mời tập văn nghệ nhưng tôi khéo léo chối từ, chỉ làm bích báo, đặc san của lớp và của trường. Cái cảm giác vinh quy bái tổ, chạy một mạch về nhà đạp cửa gọi Châu Long, không có, liền xông pha muôn dặm tìm nhà Dương Lễ, trong tôi nay vẫn chưa phai mờ. Sau này, càng trải trên trường đời, tôi càng thấm ý nghĩa cao quý của tình bạn. Và cách tôi đối xử với những người bạn tri âm tri kỷ của tôi, dù người gần gũi, kẻ xa tít trong Nam hay lăng lắc ngoài Bắc, vẫn một nét hồn nhiên mộc mạc, thủy chung như nhất. Trong một bài thơ in báo Bình Định mấy năm trước, tôi có nhắc đến một người bạn: "Chú Mười xưa bạn học cha - Cha ra phố thị chú là nông phu - Tên cha ký dưới bài thơ - Tên chú lẫn với nắng mưa đồng làng". Bạn tôi, vì hoàn cảnh bỏ học dở chừng, từ hồi chưa hết tiểu học. Nhưng hắn rất mê đọc sách báo. Có lẽ niềm đam mê ấy đã nạp năng lượng kiến văn cho hắn rất nhiều. Không rõ hắn tìm ở đâu một mẩu chân dung tiểu sử của tôi, cắt dán trên vách đất, cạnh bàn học các con hắn. Và bảo các con phải làm vẻ vang cỡ như thế này mới gọi là báo hiếu. Tôi nghe tin, rất xúc động, khổ sở đi tìm ra hắn, có cho ít tiền bạc thì hắn dặn con không bao giờ lấy, trừ cho sách cho báo. Tôi đâm ra nể nang hắn thêm một chút và nhớ lại hồi đi học, con người này cũng vậy. Hắn lâm vào nghèo đói thì xông pha với ruộng đồng khi còn tuổi chín mười, nên rất ghét phải sống trên mồ hôi người khác. Ở thôn xóm, ba tôi là người thầy giáo có chút chữ nghĩa, thường được bà con nhờ vả nhiều chuyện, từ tổ chức sắp xếp từ đường họ tộc, việc định hôn, hiếu hỷ, tạo dựng, nói chung là tỉ thứ việc theo phong tục tập quán, hương ước, trong đó có việc viết đơn trương xin việc, xin giải quyết chế độ chính sách theo đúng quy định hành chánh. Hắn cũng lặn lội tìm đến, chỉ nhờ ba tôi hướng dẫn, rồi hắn tự viết. Hắn bảo, mình nhờ bác chỉ vẽ cho mình vì bác có kiến thức và có uy tín trong xã huyện về chuyện này cũng như nhiều chuyện khác. Còn mình phải tự lực mà viết, sai thì bác sửa chữa cho, chứ bắt bác viết là trái đạo. Cứ từ từ mà nghe hắn thể hiện quan điểm ở việc nọ việc kia trong đời, tôi hết sức ngỡ ngàng bởi hắn còn nhiều phẩm chất khác, rất độc đáo.

Tôi chạnh liên hệ, trong cái bầu không khí mà tôi đang tiếp xúc bởi công việc, bởi niềm ưu ái. Trong vô vàn cái tốt, cũng có nhiều chuyện không hay mà báo chí đã nêu thường ngày, đích danh cũng như không đích danh. Mới đây thôi, đi họp, tôi được thông tin một ông có cỡ bảo vệ luận án, lại bê nguyên công trình của bạn tôi là tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTT Lào Cai. Ông bị nhiều nhà khoa học và anh Sơn bạn tôi phát hiện. Rồi ông thanh minh, giải trình đủ cả. Nghĩ mà thấy buồn. Tại sao có người nông dân không chịu sống trên mồ hôi người khác, lại có người khoa bảng đi ăn cắp trí tuệ của đồng ngũ. Đấy là mới nói chuyện trong nước. Còn trên trường quốc tế, cũng vô vàn sự giả trá, láu cá. Dịch giả Trần Đương, ngồi uống bia với tôi, anh chỉ dẫn ra một trong những sự láu cá ấy vì anh ở nước ngoài nhiều năm, anh rành. Khi nhân loại đi tìm một thế giới tương lai nguyên vẹn và trong trẻo trong các nền văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc, thì cần phải tôn vinh những nét đẹp khải huyền của những người chân lấm tay bùn như vậy. Họ chính là một trong những hạt ánh sáng viên mãn để cứu rỗi thế giới. Gương mặt thế giới sẽ trọn vẹn và nguyên bản hơn, nếu nhân rộng những phẩm chất bền bỉ kiên cường ấy của loài người. Đó là nguyên do tôi viết ngay một bài nhàn đàm nhan đề Thế giới ở ngay trước ngõ nhà mình.

Nói về bạn bè, nhất là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi trân trọng ghi lại một vài mẩu hồi ức. Không hiểu có duyên nợ gì, năm nay tôi được giới thiệu chân dung tiểu sử và tác phẩm trên Văn nghệ Quân đội. Cũng là các bài thơ đã quen thuộc Đám cưới Huyền Trân, Những chiếc ly khôngThế giới này có mái nhà ta. Thực tế, tôi từng bước chân vào quân đội từ năm 1979. Trong bộ Nhà văn Việt Nam thế kỷ XXTừ điển tác gia Việt Nam thế kỷ XX có đề cập đến giai đoạn này trong tiểu sử của tôi. Tôi không thể nào quên ngày chúng tôi nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên, một dãy tám đứa bạn được bao nhiêu bè bạn tiễn trong đêm mưa lên ga Huế. Không có ông bà cha mẹ, bà con anh chị em, chỉ có bạn bè. Mấy bạn nam thì còn cứng rắn, chứ mấy bạn nữ Hương, Chung, Hiền, Hoa… mắt đỏ hoe, nhất là Phương và Hạnh cứ lau hoài mà nước mắt không ngừng chảy. Một giờ sáng, tàu mới lăn bánh. Những trận nước mắt bạn bè, kể cả bạn trai, hòa trong mưa dầm, gió hun hút thổi của xứ Huế. Nhân dân và Lịch sử yêu kính muôn trùng ơi, đừng trách những sinh viên mười tám mười chín chúng tôi hồi ấy là ủy mị. Chúng tôi hiểu được sự vinh dự khi nghe lời Tổ quốc gọi, và chúng tôi lên đường không chút đắn đo, lệnh ban ra mới một ngày, chưa kịp cả báo tin cho gia đình (hồi ấy thư đi tỉnh này qua tỉnh khác cỡ một tuần), định đến đơn vị có địa chỉ là viết thư về nhà luôn. Quà tặng bạn bè chúng tôi hồi ấy là những phong thư và những con tem. Và quyển lưu bút với những câu thơ học trò, chưa ráo mực. Thương mến vô ngần chất chứa trong chừng ấy! Những sinh viên mới vừa rời mái ấm gia đình không lâu. Mới đây thôi, chúng tôi được gia đình tiễn ra ga, với niềm hy vọng trở thành những nhà trí thức khoa học, vinh danh gia đình, làng xóm. Nhưng hiện tình đất nước không cho phép chúng tôi sáng sáng ngồi yên trên ghế giảng đường, chiều chiều thong thả dưới tán cây xanh Thư viện. Và chúng tôi ra đi, hồn nhiên trong tình cảm bạn bè, sướt mướt nhưng rất nồng nàn, không khiến ai chùn bước. Một đêm thức trắng trên con tàu xình xịch qua những miền đất lịch sử hồi nào chỉ biết qua sách vở, lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy trong đời. Cảm động nhất là khi tàu sắp qua sông Bến Hải. Chúng tôi đứng dậy hết cả lên, trang nghiêm và thành kính chứng kiến nước chảy dưới sông, cây cỏ trên bờ, bầu trời thiêng liêng cao cả, tất cả trong tâm thức chúng tôi đều mang mầu sắc cổ tích, huyền thoại. Mưa vẫn cứ mưa, mờ mịt cả đêm dài, nhưng có hề chi. Tình cảm đất nước, dân tộc cứ ngùn ngụt trào dâng, như sờ thấy được chứ không phải cảm thấy. Tôi không còn kìm nén được, đã ứa ra những giọt nước mắt mà trong cuộc chia tay ở ga Huế tôi cố giữ cho yên lòng bạn bè ở lại. Hình như lúc này trời sắp tảng sáng. Tàu bắt đầu lăn bánh vào phần nửa đất nước từng bị chia cắt suốt 21 năm ròng.

Sau này, nhiều lần tôi vượt sông Bến Hải bằng tàu lửa, qua cầu Hiền Lương bằng ô tô, và lần nào tôi cũng còn nguyên vẹn tâm thức của ngày ấy, nỗi nôn nao khó tả của lần đầu. Bạn bè tôi, tám đứa ngày nhập ngũ, giờ đã nên ông nên bà. Lê Văn Lợi, phóng viên Truyền hình; Nguyễn Văn Hiệu, tiến sĩ, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi; Lê Văn Vân, giám đốc Trung tâm VHTT huyện Sơn Tịnh Quảng Ngãi; Tô Thanh Liêm, cán bộ Sở Khoa học Công nghệ Quảng Ngãi; Nguyễn Đắc Tài, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa; Hoàng Minh Tiến, Tổng biên tập Báo Quảng Bình; Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Và tôi nữa là tám, cùng xuống ga Thuận Lý - Đồng Hới vào một buổi chiều, Trung đoàn 842 cử người ra đón, đưa về Trung đoàn bộ. Một cán bộ tổ chức Trung đoàn đứng ra đọc danh sách. Nguyễn Đắc Tài và Tô Thanh Liêm về Tiểu đoàn Quân y. Còn lại 6 người chúng tôi về Đại đội Hóa học, đại đội độc lập. Thế là tới đây, chúng tôi phải chia thành hai nhóm, nhận quân trang quân dụng, mặc vào và đi bộ một chặng đường nữa, đến một làng ven biển tên thôn Quảng Phú, xã Lộc Ninh thuộc thị xã Đồng Hới tỉnh Bình Trị Thiên. Với tôi và các bạn, lần đầu tiên mặc đồ quân nhân, rộng thùng thình. Đứa nào không mang khẩu AK thì mang khẩu CKC. Chúng tôi được phân về nhà dân, rồi đi lĩnh cơm ở nhà ăn đơn vị về ăn.

Làm quen với đời sống bộ đội cũng không phải dễ dàng. Không đêm nào chúng tôi được ngủ trọn vẹn. Đêm nào cũng có lệnh tập họp, truyền mật khẩu. Ví dụ: ai vào làng, hay ra khỏi làng nếu được hỏi: Bắc Ninh. Đều trả lời: Bạc Liêu. Chẳng hạn thế. Mỗi đêm được đổi mật khẩu một lần vào phiên tập trung đại đội, khoảng bảy giờ. Không đúng ám hiệu, được quyền bắt, được quyền nổ súng. Lệnh giới nghiêm ban ra cho cả vùng. Mọi quân nhân đều được đặt trong tình trạng báo động, không khí căng như dây đàn. Cứ khoảng hai hoặc ba giờ sáng, tiếng kẻng vang lên là bật dậy. Lội nước, hướng dẫn dân làng xuống các giao thông hào xong, quân nhân đến các điểm tập kết, nghếch súng vào màn đêm căng mắt nhìn ra phía trước. Khi kẻng báo yên vang lên, thường trời đã rạng sáng. Mà thời gian đó, trời rét như cắt da cắt thịt, hầm hào đều ngập nước mưa. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi được tiếp xúc với không khí mùa đông khắc nghiệt Quảng Bình. Dân làng mỗi ngày đi làm thường mang theo một dụng cụ trước ngực gọi là chiếc lồng ấp, bằng tre đan, trong bỏ tro và ít than hồng.

Một thời gian sau, chúng tôi được chuyển về Đại đội Công binh, chuyên đi rà phá bom mìn còn sót trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thời gian này, bom mìn còn dày đặc ở phía rừng dương ven biển, thỉnh thoảng còn những vụ nổ làm thiệt mạng con em trong làng đi kiếm củi. Thử thách lớn nhất của chúng tôi là nhiệm vụ này, còn việc cởi quân trang và vũ khí, trong đó có bộc phá, gói vào mảnh ni lông rồi vượt sông từ bờ này sang bờ kia thì không khó. Chúng tôi ai cũng xuất thân nông thôn, trèo đèo lội suối là việc bình thường. Hầu như không ai không biết bơi.

Hồi ở quân đội, tối thứ bảy sinh hoạt văn nghệ, anh em hát hò, đọc thơ và kể chuyện tiếu lâm rất vui, đủ bản sắc vùng miền. Hồi ấy, mỗi tháng được hưởng phụ cấp 5 đồng, có tiêu chuẩn trà, đường, thuốc lá. Giá trị của 5 đồng lúc đó, tôi nhớ là bằng một chiếc vé từ Huế đi Bồng Sơn, loại tàu VQ. Có rủng rẻng những 5 đồng, lại cuối tháng, cũng rảnh, tôi rủ bạn bè dạo qua chợ Đồng Hới một tí. Đồng Hới ngày ấy, nhà tranh nhiều, trong chợ cũng ít hàng hóa. Nhưng chúng tôi có cần gì hàng hóa, chỉ uống với nhau một ly cà phê, rồi ra bưu điện gửi thư về nhà, thư cho bạn bè ở Huế, rồi mỗi người còn gửi thư cho các bạn học thời trung học, giờ tỏa ra các trường đại học, cao đẳng khắp nơi. Hồi ấy, lương thực cán bộ được 13 cân, sinh viên được 16 cân, còn bộ đội chúng tôi được những 21 cân! Cũng phải thôi. Nhưng bột mì (trong đó hoặc mì sợi hoặc bột để làm bánh xắt lát như bánh tét), có tháng lại bo bo độn vào, lại tuổi thanh niên, ăn vẫn còn thèm.

Chuyện quân ngũ của tôi còn dài, gian khổ nhiều. Tôi sẽ trở lại vùng hiện thực đầy kỷ niệm đồng đội này trong một dịp khác. Đang mùa lễ trọng 22-12, như trên đã mào đầu, tôi muốn nhắc lại những kỷ niệm xưa một tí. Cơ quan tôi hiện nay ngoài tôi, còn 1 cựu chiến binh nữa, dọn mình rất chu đáo trước ngày lễ trọng đại của đất nước. Với bản thân, là kỷ niệm thiêng liêng của một đoạn đường mình trải qua trong đời. Ngày 22-12-1979, toàn Trung đoàn (E 842) tập trung tại Sân bay Đồng Hới, tổ chức trọng thị Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trung tá Trung đoàn trưởng Lữ Tấn Xa đọc diễn văn ôn lại các chặng đường oanh liệt của quân đội ta nói chung và truyền thống của Trung đoàn 842 nói riêng. Thế mà đã đúng một phần tư thế kỷ đi qua. Bạn bè ơi, chắc chẳng ai quên đơn vị xưa của chúng mình, nơi chúng mình đã đổ mồ hôi sôi nước mắt, lăn lộn phấn đấu hoàn thành bổn phận với Tổ quốc, với nhân dân, với lịch sử, sục sôi bầu nhiệt huyết của tháng năm tuổi trẻ. Ngoái lại quãng đường xưa, chúng mình đã không phải hổ thẹn khi chẳng ngần ngại bước tới cho lịch sử đặt trên vai những niềm hy vọng xả thân. Cho dù rồi chúng mình mỗi đứa một phương, sau này không ai còn gắn bó với con đường binh nghiệp, nhưng ít nhiều những phẩm chất "anh Bộ đội Cụ Hồ" từ dòng máu tuổi trẻ ngày ấy, gian khổ không màng, bừng bừng vươn lên, hồn nhiên và kiêu hãnh, cũng phảng phất trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội mà chúng mình đương gánh vác. "Giã từ cái tuổi trăng tròn - Tôi vào bộ đội đeo lon binh nhì - Ngồi trên vọng gác uy nghi - Mơ mình nguyên soái trị vì ba quân", đó là những dòng thơ hồn nhiên của những chàng sinh viên khoác áo lính, lưu truyền trong thời ấy. Vâng, còn mãi những dư ba những tháng năm tuổi trẻ trong các chặng đường đời sau này.

Trở lại với cuộc rượu bạn bè, tôi chân thành chúc cho những con người lấm lem bùn đất và củi lửa của đời là bạn bè tôi, bạn ở ruộng đồng hay bạn nơi phố thị, bạn thời tuổi nhỏ hay bạn buổi thanh niên, bạn hồi đèn sách hay bạn trong quân ngũ, tất cả sẽ được bừng sáng trên mọi lĩnh vực, dứt khoát không mai một những phẩm chất đầy tự hào thời tuổi trẻ. Tôi không bao giờ có ý nghĩ nào thiếu tin cậy về mình cũng như các bạn. Vâng, chúng mình không phải ở trong đội ngũ của những thiên tài, những vĩ nhân làm thay đổi bộ mặt trái đất. Nhưng bằng sự tươi sáng của mỗi con người bình thường, chúng mình góp thêm những hạt ánh sáng nhỏ nhoi và viên mãn vào thế giới. Ấy là điều mà các cuộc chia ly đã in hằn sâu đậm trong các quyển lưu bút, dù là tiếng rủ rỉ hay nhiều khi lời lẽ to tát một tí, nhưng tất cả đều chân thành.

Xin trở lại với câu chuyện fôn-klo bạn bè để kết thúc chương này. Hồi ở bộ đội, có một chuyện tiếu lâm mà anh em hay kể. Đại khái, thời kháng chiến, có một cán bộ vào Nam, rất thuộc bài học cảnh giác, thấy máy bay địch, chỗ không có hầm hố để ẩn nấp thì nằm xuống, nhưng nằm ngửa để theo dõi hắn bay hướng nào. Bữa đó, máy bay địch ném bom vu vơ xuống, văng mảnh làm anh ta bị thương. Từ trạm phẫu tiền phương, anh gửi thư về cho vợ: "Anh đi công tác Quảng Đà - Bị thương ở tại bến phà sông Gianh - Chân tay thì vẫn còn lành - Riêng cái cần số tan tành khói mây!". Chị vợ ở hậu phương rất tuyệt vời, không hề nản lòng mà còn cứng rắn động viên chồng: "Cái cần anh tiếc làm chi - Anh ráng giữ hai hòn bi đến cùng - Chừng về gặp bác sĩ Tùng - Nối cái cần khác mà dùng tốt hơn!". Thật là lạc quan, dù hoàn cảnh bi thương đến đâu. Rồi chuyện "Thu Vân giới thiệu Thu Bồn - Thu Bồn cảm động sờ tay Thu Vân" cũng được lan truyền. Nghe nói, hồi trước có vị cán bộ văn nghệ giải phóng khu 5, viết thư ra Bắc cho bạn bè có kể chuyện này. Bạn bè phục lắm vì hoàn cảnh gian khổ ác liệt ở chiến trường mà phe ta không hề tắt tiếng cười. Đó là nét hóm hỉnh lạc quan truyền thống của dân tộc, cười ngạo nghễ trước mọi thách thức, không tên đế quốc đầu sỏ nào hòng đè bẹp được!

Nhạc sĩ Lê Trung Tín thân yêu cứ thỉnh thoảng đến cơ quan hay lên nhà, nhưng cũng chỉ ngồi với nhau được một tí. Vì tôi bận quá. Rất thương mến Tín, nhưng anh em không có dịp la cà như thuở nào. Mỗi lần uống rượu đã đã đâu đó, Tín nhớ tôi, gọi di động nói chuyện và đọc thơ. Tôi quý Tín và Tín cũng quý tôi, anh em có thể chia sẻ được trong những lúc như vậy. Thấy tôi quá sức quá tải trong công việc, vừa rồi, Tín nhắn: "Thương thay cho Nguyễn Thanh Mừng - Cô đơn đi giữa cánh rừng phù hoa - Chẳng thà… Chẳng thà…Chẳng thà…". Tôi bấm máy liền: "Trung Tín Lê Trung Tín ơi - "Làm sương cho sáo" đã  đời nhạc thơ - Đã đời một cõi mộng mơ - Bồng lai thấy cũng ngẩn ngơ mà thèm". Rồi mấy hôm sau, Tín kêu rêu về việc viết lách khổ mà sướng, sướng mà khổ, tôi lại tiếp: "Người ta đếm bạc cân vàng - Còn ta cày cuốc chỉ toàn lui cui - Thần tiên ngó xuống ngậm ngùi - Hình như hạ giới nó vui hơn mình".

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Folklorists liệt truyện (kỳ VIII): Ở đây ngoài việc nâng ly - Người ta hỏi biết làm gì? - Làm thơ  (02/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VII): Cái cò, cái vạc, cái nông   (31/12/2004)
Tìm hướng đi cho sân khấu hôm nay  (31/12/2004)
Thơ: Khổng Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Hưng  (31/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ VI): Nước non ngàn dặm, ra đi, cái tình chi…   (30/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ V): Trăm năm trong cõi người ta   (29/12/2004)
Phạm Hổ với gió biển Quy Nhơn   (28/12/2004)
Nguyễn Chơn Hiền và những tìm tòi trên giá vẽ  (28/12/2004)
Biển của Xuân Diệu   (27/12/2004)
Bài "chế" của vua Thành Thái và bài "biểu" của Đào Tấn  (26/12/2004)
Bức tranh ấm áp nghĩa tình  (24/12/2004)
Ông già Noel  (24/12/2004)
Phạm Hổ và kỷ niệm về cây bánh tét  (23/12/2004)
"Những vòng xe đạp" của Nguyễn Thanh Mừng  (23/12/2004)
Đọc sách "Làng Cây Dừa"   (22/12/2004)