Đối… lái
10:51', 4/1/ 2005 (GMT+7)

Chơi câu đối là một cái thú vui tao nhã của các cụ ta ngày trước. Các cụ Nho học, Hán học nên câu đối thường nghiêm chỉnh, thâm thúy. Ấy thế nhưng đôi khi các cụ cũng dùng cách nói lái trong câu đối để đùa nghịch hoặc để xỏ xiên, chửi khéo bọn quan lại, cường hào lý dịch hống hách mà chúng không làm gì được.

Chẳng hạn, ngày trước ở tỉnh Thái Bình có tên nghị viên Lại Văn Chung vốn xuất thân làm nghề lái lợn (buôn heo), nhờ luồn lọt mà trở nên giàu có và mua được chức nghị viên. Hắn còn khỏe mạnh nhưng đã lo xây "mộ gió" trước phòng xa. Mộ vừa xây xong đã có ai đó viết vào đôi câu đối:

Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn Lại;

Vang lừng trong thôn Bắc, trên kính dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân.

Câu đối thâm thúy ở chỗ nói lái. "Quan lớn Lại" thành "quan lái lợn". "Cụ trong dân" là "Rận trong cu". "Trên kính dưới rái" là trên kính dưới sợ, cũng còn ám chỉ bệnh sa đì của "quan".

Đọc đôi câu đối, Nghị Lại đau như hoạn, vội cho xóa ngay kẻo thiên hạ biết. Khốn nỗi ai đọc qua là nhớ nên nó mới tồn tại đến ngày nay.

Cuối thế kỷ XIX, ông Nguyễn Minh Triết ở làng Đông Mỹ Thượng (Cai Lậy, Tiền Giang) viết đôi câu đối cho anh thợ mộc hay dùng bùa trừ yểm hại nhà chủ, để anh ta treo bàn thờ tổ sư:

Anh linh thiên tải hộ;

Hiển hách vạn thu truyền.

(Anh linh nghìn năm phù hộ/ Hiển hách vạn thủa lưu truyền).

Đọc qua thì thấy câu đối rất hay, tứ sâu, nghĩa đẹp. Nhưng đọc lái thì…"tải hộ" thành "tổ hại"; "thu truyền" thành "thiên trù" (trời trừ). Làm ăn như thế thì chỉ tổ hại hoặc hại đến tổ tiên, sẽ bị trời trừ, trời úm.

Ông Trần Bình (khoảng đầu thế kỷ XX) có đôi câu đối dán cổng nhà hộ sinh hiệu "Con Rồng" ở Tiền Giang:

Con tiên cháu rồng lộn xuống cõi trần sung sướng nhỉ;

Mông mềm bụng rắn sai đâu bà mụ đỡ đần cho.

Viết chữ Nôm nên không có dấu phẩy (,) hãy nói lái "rồng lộn","rắn sai" thì khắc hiểu.

Có câu đối nói lái ở hai âm tiết đầu và cuối:

Tao kéo mày về Keo Táo;

Chị chờ em ở Chợ Chì.

Hoặc:

Con cá đối bỏ trong cối đá;

Mụ mèo cái nằm trên mái kèo.

Hoặc:

Ai động đến ông Đại

Ty cần đi Tân Kỳ

(Ông Đại là trưởng Ty Giáo dục Nghệ An).

Thời chống Mỹ, ở miền Nam có câu đối nói lái về những thất bại của Mỹ ngụy:

Tìm diệt bãi Cửu Long, bị sóng Cửu Long dìm tiệt;

Dồn dân bờ Trà Khúc, nhừ đòn Trà Khúc dần Giôn.

Lại có những câu đối nói lái liên tục, lặp đi lặp lại các cách lái:

Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo;

Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương, dùng lương hưu lưu hương.

Có những câu đối nói lái mang tính thời sự:

Chê số đời, chơi số đề, cầu giải số, cố giải sầu, càng cố càng sầu;

Cầm cái đuốc, cuốc cái đầm, soi đầy ốc, xốc đầy oi, càng soi càng xốc.

Các nhà văn quân đội ở nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội là những "ông vua" câu đối và "đối…lái". Nhà văn Tổng biên tập được phong thiếu tướng chuyển về nhà mới, nhường lại căn nhà cũ cho một đồng chí cấp tá. Nhà văn Đồ Nghệ nảy ra một vế đối:

Nhà cấp tướng nhường cấp tá.

Tết ấy ông đốt pháo Bình Đà, pháo nổ làm vỡ bình hoa đào của ông, thế là ông có vế đối lại:

Pháo Bình Đà phá bình đào.

Một Tết khác, nhà văn Xuân Thiều được đồng nghiệp tặng một vế đối:

Chả lo gì, chỉ lo già.

Trong một bài viết nhân năm mới, ông đưa vế đối này và mời bạn đọc khắp nơi đối giúp. Có bạn gửi về vế sau:

Nỏ muốn chi, chỉ muốn no.

Về niêm luật bằng trắc thì chưa đối, nhưng ý thì tương đối chỉnh.

Cách nay chục năm, ông Nguyễn Hòe ở Bình Định có câu đối nói lái:

Ông Cai Mây ở xóm Cây Mai, mang vài nhánh mai vàng đi chúc tết.

Và ông Tia La-de có câu thách đối nói lái liên tục:

Cây sầu đông, trồng đồng sâu, chuyển lên đầu sông, mùa đông sầu tránh lụt.

Tết sắp đến, xuân sắp về, mời bạn đọc thưởng thức một số câu "đối…lái" cho vui.

. Chương Văn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Folklorists liệt truyện (kỳ IX): Thế giới ở ngay trước ngõ nhà mình   (03/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VIII): Ở đây ngoài việc nâng ly - Người ta hỏi biết làm gì? - Làm thơ  (02/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VII): Cái cò, cái vạc, cái nông   (31/12/2004)
Tìm hướng đi cho sân khấu hôm nay  (31/12/2004)
Thơ: Khổng Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Hưng  (31/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ VI): Nước non ngàn dặm, ra đi, cái tình chi…   (30/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ V): Trăm năm trong cõi người ta   (29/12/2004)
Phạm Hổ với gió biển Quy Nhơn   (28/12/2004)
Nguyễn Chơn Hiền và những tìm tòi trên giá vẽ  (28/12/2004)
Biển của Xuân Diệu   (27/12/2004)
Bài "chế" của vua Thành Thái và bài "biểu" của Đào Tấn  (26/12/2004)
Bức tranh ấm áp nghĩa tình  (24/12/2004)
Ông già Noel  (24/12/2004)
Phạm Hổ và kỷ niệm về cây bánh tét  (23/12/2004)
"Những vòng xe đạp" của Nguyễn Thanh Mừng  (23/12/2004)