Năm 2004 đã khép lại. Nhìn trên cả điện ảnh lẫn phim truyền hình, hơn lúc nào hết chúng ta chứng kiến sự thất thế của phim nội so với phim ngoại.
* Phim chiếu rạp: mất điểm trên sân nhà
|
Cảnh trong phim "Nữ tướng cướp" (Hãng phim Thiên Ngân) |
Năm 2004 việc phim nước ngoài được chiếu liên tục tại các rạp mang đến nhiều lựa chọn cho khán giả. Song, do quá nhiều công ty nhập phim, ngoài Fafilm còn có Công ty băng hình Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Hãng phim Giải Phóng, Thiên Ngân… số lượng nhiều nên làm phim nội khốn đốn. Chẳng hạn, năm 2004, tỉ lệ phim Mỹ trong tổng số phim Fafilm và đối tác nhập về, phát hành chiếm quá nửa. Theo thống kê của Fafilm, trong số 45 phim nhập về và phát hành, phim Mỹ chiếm đến 53,3% với 24 phim. Tính sơ sơ từ đầu năm đến nay, đã có đến hàng chục phim Mỹ được công chiếu. Trong khi đó, phim Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay mà dạng hút khách như Lọ lem hè phố và Những cô gái chân dài mới được 1 - 2 phim/năm. Như vậy, dễ dàng thấy "sức ép" của phim nước ngoài đến điện ảnh Việt Nam lớn như thế nào.
Ngay tại Rạp 31-3 (Quy Nhơn), để ý một chút, ta cũng sẽ chứng kiến sự thất thế này. Phải đến cả chục phim ngoại may ra mới có một phim nội. Mà phim nội thì bao giờ cũng khá khiêm nhường, từ những tờ rơi, đến những tấm băng rôn quảng cáo. Các tuần phim Việt Nam phục vụ các ngày lễ lớn chủ yếu theo chân các đội chiếu bóng lưu động, còn tại Rạp 31-3 thì chỉ được ngày đầu khai mạc.
* Phim Việt Nam trên truyền hình: bao giờ đạt 50%?
Điện ảnh đã vậy và phim truyền hình cũng không khác. Chẳng thế mà ông Hà Tùng Sơn, Trưởng phòng biên tập chương trình truyền hình - Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định (BTV), từng so sánh phim Việt Nam như "mì chính" của những người làm truyền hình.
Cách đây 5 năm, khi truyền hình Việt Nam mới chỉ phát sóng 8 tiếng/ngày, để đáp ứng đúng yêu cầu của Chính phủ là thời lượng phát sóng phim Việt Nam phải đạt 50%, Hãng phim Truyền hình Việt Nam đã gồng mình sản xuất phim đáp ứng yêu cầu. Nay thì Đài Truyền hình Việt Nam phát 3 kênh, mỗi kênh 18 tiếng/ngày. Ông Khải Hưng, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình, trả lời phỏng vấn Vietnamnet cho biết: để đạt chỉ tiêu 50% nói trên, cần phải sản xuất một lượng phim 2.000 tập/năm. Đây là một con số khổng lồ và với thực lực hiện nay, không thể đáp ứng được vì hiện Hãng phim Truyền hình Việt Nam chỉ sản xuất được 300 tập phim/năm.
Trong nước là thế, với BTV còn khó khăn hơn. Dù những người làm chương trình cứ luôn phải nghe ngóng để liên hệ mua, nhưng phim truyền hình Việt Nam vẫn hiếm. Hiện trên sóng BTV mới chỉ đảm bảo chưa tới 30% là phim Việt Nam. Do vậy, mục tiêu 50% thời lượng phim chiếu trên truyền hình là phim Việt Nam càng khó thực hiện, nếu không nói là không thể thực hiện được với tình hình hiện nay.
* 2005: khởi đầu bằng những tín hiệu mới
Có thể lạc quan nghĩ đến một nền điện ảnh chuyên nghiệp hơn? Hẳn nhiên, đó là một con đường dài, dẫu vậy, năm 2005 này đã mở ra bằng những tín hiệu mới, cho chúng ta nhiều hy vọng.
Chẳng hạn, trong khi những bộ phim "ăn theo" Gái nhảy, Lọ lem hè phố không đủ để tạo nên một cơn lốc thì khán giả Việt Nam đã bị cuốn theo Những cô gái chân dài - một bộ phim không mới nhưng khá hấp dẫn bởi cách tiếp cận giới trẻ. Điều đáng lưu ý là sau khi "hốt bạc" ở các rạp, thị trường băng đĩa lại tiếp tục được khuấy động với DVD Những cô gái chân dài. Cách làm này vốn không mới của điện ảnh thế giới nhưng lại chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Có thể nói, Thiên Ngân là hãng phim tư nhân đầu tiên thực hiện các khâu làm phim chuyên nghiệp từ làm website đến các chiến dịch quảng cáo. Những cô gái chân dài còn ghi dấu ấn là phim tư nhân đầu tiên tham dự Liên hoan Phim Việt Nam và giật giải Cánh diều bạc của thể loại phim truyện nhựa.
Hy vọng cùng với những tín hiệu mới như vậy, năm 2005 điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam sẽ có thêm nhiều nét mới và tiến xa hơn trên con đường chuyên nghiệp hóa.
. Thạch Trung (tổng hợp) |