Mỗi độ tết đến xuân về, bước trên đường quê rộn ràng người đi chợ tết lại nhớ đến nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Người dường như chuyên viết về thơ xuân, thơ tết trong phong trào Thơ Mới trước Cách mạng tháng Tám. Người mang lại âm điệu đồng quê, màu sắc tươi vui, mang lại những "chuỗi cười ngũ sắc" trong Chợ tết, Đám hội, Đám cưới mùa xuân, đánh thức trong ta bao vẻ đẹp trong nếp sống văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Mùa xuân này, nhà thơ đã đi xa giữa tuổi 92. Thế cũng thọ lắm rồi. Nhưng dầu sao chúng ta vẫn luyến tiếc, làng Thơ Mới vốn chẳng còn là bao nay lại mất thêm một người đã tài tình họa lên những bức tranh quê "đầy rẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui"(1).
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ sinh năm 1913 ở Nam Định. Lớn lên làm nghề dạy học, làm thơ, rồi sớm tham gia chính quyền nhân dân tỉnh, gia nhập Hội văn hóa cứu quốc, gia nhập quân đội, và về sau chuyển sang làm công tác văn nghệ, văn hóa. Ông sáng tác không nhiều. Trong tuyển tập "Đường về quê mẹ" (NXB Tác phẩm mới - 1987) chỉ gồm hơn 30 bài thơ "hầu hết in trong các dịp xuân, tết, và, mỗi tết hầu như chỉ có một bài, nhiều lắm là vài bài… phần xuất hiện trong phong trào Thơ Mới có khoảng 12 bài" (2). Khi biên tập cuốn Thi Nhân Việt Nam (1932-1941), tác giả chưa thể biết được những bài nhà thơ viết trong khoảng thời gian 1942-1945.
Chỉ với những bài thơ sáng tác trước Cách mạng tháng Tám cũng đủ để đưa tên tuổi nhà thơ vào làng thơ Việt Nam. Ở những bài biết được, tác giả Thi Nhân Việt Nam có lời khen thật xứng đáng: "Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn Cừ". Cho thế vẫn chưa đủ, còn khen thêm: "Đoàn Văn Cừ trước sau chỉ có sáu bảy bài thơ. Bài nào cũng hay". Có được như vậy là nhờ nhà thơ kết hợp một cách rất nghệ thuật những nhận xét tinh tế với một tâm hồn thơ dạt dào.
Trong Chợ tết, hình ảnh thời tàn của các nhà nho hiện lên làm bâng khuâng lòng người:
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Còn trên đường tới chợ, các "phó thường dân" mới tất bật làm sao:
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
Trong Đám hội, niềm vui chung của cả dân làng được miêu tả khá hóm hỉnh:
Một chị đương đu ngửa tít trên không
Cụ lý già đứng lại ngửa đầu trông
Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh
Trong sáng tác trước Cách mạng tháng Tám của nhà thơ Đoàn Văn Cừ còn có những bài mang đậm chất hiện thực phê phán nhưng không thấy tác giả Thi Nhân Việt Nam nói đến. Theo nhà thơ Ngô Văn Phú: "Thiếu những bài này, hình như người ta chỉ biết một phía tươi tắn, giàu hình ảnh ngộ nghĩnh của thơ Đoàn Văn Cừ, mà chưa thấy cái tài vẽ cảnh động tận đáy sâu gan ruột chúng ta khi ông nói đến nỗi cơ hàn của những kiếp nghèo nô lệ trước Cách mạng tháng Tám" (3). Chẳng hạn như bài Những lo sợ phập phồng sáng tác năm 1941, nhà thơ đồng cảm sâu sắc với người nông dân trong những tháng mà tai họa từ thiên nhiên, từ cái xã hội bất công đổ ập xuống cuộc đời họ. Tháng sáu, trẻ già tìm cơ tránh bão "lấy cả chày chân để chống nhà". Tháng bảy, "người làng lao nhao lo kè vỡ". Đến mùa khô hanh, lửa bốc lùa, "đàn bà, con trẻ khóc vang o". Và khủng khiếp thay mùa đốc sưu thuế:
… Đêm thuế đèn dây thắp sáng choang
Đình ran tiếng vọt, tiếng kêu oan
Trát về truyền hạn hai ngày nữa
Trống mõ canh khuya rộn xóm làng…
Cách nhìn hiện thực cuộc sống trên đây đã giúp nhà thơ sớm gia nhập công cuộc "kháng chiến kiến quốc" vĩ đại theo lời kêu gọi của Bác Hồ sau Cách mạng tháng Tám. Thơ sau Cách mạng của Đoàn Văn Cừ cũng không nhiều và ông vẫn giữ phong vị: cứ mỗi lúc xuân về, tết đến lại gửi trên báo chí một bài thơ. Người đọc muốn thưởng thức thơ đồng quê của ông đành phải chờ mùa xuân khác. Nếu trong thời Thơ Mới bài nào cũng hay thì sau Cách mạng không phải không có những bài đặc sắc.
Hồn dân tộc là bài thơ ra đời năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trái tim nhà thơ rạo rực ước mơ cầm súng diệt giặc:
Lửa căm thù sôi cháy lòng trai
Máu anh dũng dâng trào như sóng vỗ
Và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc sau hòa bình, thơ ông có lúc lại rộn ràng, sáng tươi như trong Được mùa:
Thóc vàng phơi nắng sáng long lanh
Rơm đánh thành cây vượt mái tranh
Chim trắng lượn vòng sân hợp tác
Trục lăn máy tuốt rộn chiều xanh…
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ cũng có thơ về tình yêu. Bài Lá thắm là một bài thơ tình hay được Thái Hoàng Ly - Hồ Quốc Nhạc chọn in trong tập 210 bài thơ tình hay. Thơ tình của ông tươi tắn, sáng trong, miêu tả theo một phong cách riêng. Tình yêu trong thơ ông gắn bó với vẻ đẹp của cảnh vật quê hương: thảm cỏ nhung, mặt gương hồ, quả ổi vàng, nước ao trong, hương sen, trưa hè biếc, bóng dừa mát, trời lam gấm, tiếng sáo diều v.v… Tất cả màu sắc, âm thanh, hương vị quê hương cùng tình yêu ùa vào thơ. Bởi vì, như ông đã viết:
Cảnh dân dã quê mình như thế đó
Khi yêu rồi đâu cũng đẹp như thơ
Vì ông khéo lồng tình yêu riêng tư vào tình yêu quê hương xứ sở:
Em cứ lại, bao giờ tôi cũng có
Thảm cỏ nhung êm ái để em ngồi
Mặt gương hồ trong suốt để em soi
Lược trắng bạc yêu kiều trên mái tóc
Mùa xuân này vắng bóng nhà thơ Đoàn Văn Cừ vì ông đã vĩnh viễn xa chúng ta từ mùa xuân trước. Ra đi ông đã để lại trong thơ ca dân tộc một dấu ấn không bao giờ phai. Dấu ấn của một phong cách thơ đồng quê rạo rực, tươi vui, duyên dáng, đôi khi pha chút dí dỏm, ngộ nghĩnh làm vui vui lòng người. Nhà thơ không còn nhưng Chợ tết, Đám hội vẫn cùng mùa xuân tuần hoàn theo năm tháng.
Và mỗi độ xuân về ở các làng quê vẫn còn thấy cảnh:
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết
. Thanh Hải
1. Hoài Thanh - Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học Hà Nội, 2000, Tr. 178.
2. Ngô Văn Phú. Âm điệu đồng quê "Đường về quê mẹ". Tác phẩm văn học. Hội Nhà văn Việt Nam. Số 1-2/1988. Tr. 212.
3. Ngô Văn Phú. Sđd -Tr. 213 |