Họa sĩ trẻ: Còn miệt mài trên giá vẽ?
9:25', 6/1/ 2005 (GMT+7)

Những năm đầu thập kỷ 90 có thể xem như một thời điểm mang tính bản lề của mỹ thuật Việt Nam. Rất nhiều gương mặt họa sĩ mới, trẻ, xuất hiện, đã khẳng định được khả năng nhạy cảm với cái mới và năng lực sáng tạo.

Tác phẩm "Họa pháp Đông Tây" (giấy dó) của Lương Xuân Đoàn

Khởi đầu là triển lãm của 5 họa sĩ trẻ: Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Phạm Quang Vinh. Rồi: Đinh Ý Nhi, Đinh Quân, Lê Thiết Cương... "Sự có mặt của lớp trẻ hiện nay là để nói thẳng thắn cái tâm trạng đang tìm cách đi, cách sống của họ" - nhà sử học nghệ thuật Thái Bá Vân đã trân trọng viết về họ như vậy. Người ta đã tin: cùng với sự xuất hiện những gương mặt ấy, hội họa Việt Nam sẽ tạo dựng được một không khí mới, một diện mạo mới.

Nhưng, hơn mười năm đã trôi qua, người xem chừng đã mỏi mắt trông đợi.

Số triển lãm, số gallery những năm gần đây xuất hiện ngày một dày hơn; không chỉ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mà còn hiện diện tại nhiều thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt. Số tranh của các họa sĩ trẻ ngày một nhiều, hồ hởi trình làng. Nhưng bản thân số lượng ấy không nói thêm được một điều gì hơn về họa sĩ trẻ hôm nay. Họa sĩ trẻ vẫn tìm tòi, những tìm tòi nhỏ bé và lành hiền, nhạt nhòa và… đèm đẹp.

Hãy nhìn lại, những năm 90, cùng với xu hướng đi vào chiều sâu tâm tưởng, triết học Á Đông hay tìm về cội nguồn, về với nông thôn, nhiều họa sĩ trẻ đã gặt hái không ít thành công. Nhưng nay, xu hướng ấy đang dần thành lối mòn. Người ta gặp lại những lắp ghép giả tạo, hết những chi tiết như tay Phật, đài sen, con mắt; rồi lại bát sành, ấm chén... được sử dụng như một thứ thời trang, và yên tâm cho rằng mình đang tìm về cội nguồn dân tộc. Những bức tranh như vậy, ta dễ dàng bắt gặp ngay trong những cửa hàng lưu niệm vỉa hè hay những chồng tranh giá rẻ. Rồi các khung hướng, các trường phái, từ quen thuộc đến mới lạ như hiện thực, trừu tượng, biểu hiện, hội họa ý niệm… cứ xuất hiện như những tìm tòi nhưng cũng chỉ dừng ở mức đèm đẹp, không đi đến nơi, đến chốn. Một số họa sĩ trẻ, lại dấn thân vào cuộc mưu sinh bằng tranh sản xuất hàng loạt, tranh giá rẻ trên thị trường. Và dấu ấn thị trường đã để lại một vết hằn "hàng chợ" thực dụng khá rõ trên các sáng tác của họ.

Một thị trường thương mại nghệ thuật với đúng nghĩa chưa xuất hiện nên nghệ thuật thương mại, mà điển hình là lối vẽ a dua, chộp giựt vẫn còn đất sống. Hơn nữa, việc giới thiệu mỹ thuật Việt Nam ra thế giới vẫn chủ yếu do các gallery, bảo tàng tư nhân trong và ngoài nước thực hiện. Ngoài mục đích giao lưu, tất nhiên họ còn nhắm đến mục tiêu thương mại, nên chỉ chọn tranh của các họa sĩ có tên, dễ bán. Không thiếu họa sĩ tự hy sinh con đường nghệ thuật để hợp nhãn với khách mua tranh. Như vậy, con đường đi đến với thế giới của mỹ thuật Việt Nam vẫn là con đường nhỏ lẻ, chưa chính quy. Đó là một nguyên nhân.

Một nguyên nhân khác nằm ngay trong mỗi họa sĩ trẻ. Họ chưa đủ tự chủ, đủ tự tin để là mình. Nghệ thuật truyền thống, họ chỉ biết sơ sơ, mà cũng dừng ở góc độ lịch sử. Nghệ thuật đương đại của thế giới chỉ biết qua báo chí và các họa sĩ có tranh đi triển lãm nên chưa đủ cơ sở để hiểu nội dung và hình thức của những thứ nghệ thuật này, để xem tạng chất của mình có phù hợp với nó hay không. Cách đào tạo ở nhà trường, vẫn là nhìn nghệ thuật ở bên ngoài mình. Những kiến thức còn lại: triết học phương Đông, phương Tây hiện đại, chủ yếu là qua con đường tự học, tự mày mò, không được đào tạo bài bản. Một số họa ngả sang trào lưu nghệ thuật trình diễn, video và sắp đặt. Những sắp đặt của Minh Thành, Bảo Toàn… biểu diễn của Ly Hoàng Ly, Trương Tân… đã gây chấn động và bao ngỡ ngàng, ngay cả những người trong giới. Song trên ngả đường này, họ lại để lộ sự thiếu hụt về tri thức, bởi thông tin về sự phát triển của hai hình thức nghệ thuật này đến Việt Nam mới chỉ dừng ở thông tin bề mặt. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi với hơn nửa thế kỷ tuổi đời, thì các bộ môn này mới chỉ như những hài nhi, và ở Việt Nam lại càng mới mẻ. Do vậy, vô tình, họ biến nó thành một thứ mốt, ồn ào trong thoáng chốc và "để gió cuốn đi". Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng sự phát triển của các môn mỹ thuật này là một nét mới trong mỹ thuật Việt mấy năm gần đây.

Sớm định hình một nền thương mại nghệ thuật đúng nghĩa, là một việc làm cần kíp hiện nay. Tuy nhiên, để mở lối cho những hy vọng về một nền mỹ thuật Việt diện mạo riêng, đầu tiên và sau cùng, bao giờ cũng đặt ở những người họa sĩ. Miệt mài bên giá vẽ, tự chủ để định vị phong cách trên đường dài nghệ thuật mới là đích đến cuối cùng của một nền nghệ thuật và của bản thân mỗi người nghệ sĩ.

. Thạch Trung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân này vắng bóng nhà thơ - Chợ tết  (05/01/2005)
Điện ảnh, truyền hình: Phim ta thất thế   (04/01/2005)
Đối… lái  (04/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ IX): Thế giới ở ngay trước ngõ nhà mình   (03/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VIII): Ở đây ngoài việc nâng ly - Người ta hỏi biết làm gì? - Làm thơ  (02/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VII): Cái cò, cái vạc, cái nông   (31/12/2004)
Tìm hướng đi cho sân khấu hôm nay  (31/12/2004)
Thơ: Khổng Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Hưng  (31/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ VI): Nước non ngàn dặm, ra đi, cái tình chi…   (30/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ V): Trăm năm trong cõi người ta   (29/12/2004)
Phạm Hổ với gió biển Quy Nhơn   (28/12/2004)
Nguyễn Chơn Hiền và những tìm tòi trên giá vẽ  (28/12/2004)
Biển của Xuân Diệu   (27/12/2004)
Bài "chế" của vua Thành Thái và bài "biểu" của Đào Tấn  (26/12/2004)
Bức tranh ấm áp nghĩa tình  (24/12/2004)