Trong bài viết Tiếng trống chầu trên sân khấu hát bội, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã kiến giải khá chu đáo cách luật, chức năng của tiếng trống chầu; ở bài viết nhỏ này, tôi xin kể vài mẩu chuyện đánh chầu có thể thấy phần nào hát bội Bình Định xưa và nay.
|
NSND Võ Sỹ Thừa đang cầm chầu trong một đêm diễn (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Đặc điểm phê bình nghệ thuật trực tiếp qua roi trống đã khiến người cầm chầu là gạch nối giữa sân khấu và khán giả, đại diện khán giả mà thẩm định, thưởng thức diễn viên, đêm diễn nên vừa "làm dâu trăm họ" phía công chúng, lại chịu trách nhiệm từ phía này mà thưởng phạt công minh đối với diễn viên. Thưởng phạt không đúng, chẳng những bạn hát coi thường mà công chúng cũng chê bai nên phương dao Bình Định có câu về "bốn cái ngu", cầm chầu đứng thứ tư. Thực ra câu này chỉ đúng cho người cầm chầu kém, cả về độ am hiểu nghệ thuật và cách ứng xử. Ứng xử ở đây là thưởng tiền. Hát hay không thưởng hoặc thị tiền mà thưởng lung tung lấy tiếng thì cũng chỉ có tiếng xấu. Mắc mỏ vậy nhưng cũng rất nhiều người thích cầm chầu. Phần đông vì mê hát bội.
Chuyện kể rằng đêm ấy hát Phụng Nghi đình ở Vũng (Nhơn Lý bây giờ), Hoàng Chinh sắm vai Đổng Trác, Ngọc Cầm làm Lữ Bố, Long Trọng sắm Vương Doãn, Lệ Suyền vào vai Điêu Thuyền… hay quá, người bán chiếu gánh từ Phú Hậu - Phước Thắng sang may mắn được làng cho cầm chầu. Tiền gánh chiếu đã thưởng hết, anh ta gặp đại lý xin ứng trước một gánh chiếu nữa để được đánh hết đêm! Cái kiểu bán lúa non, "bán đứng" này thường thì gặp cảnh khó khăn đột xuất nông dân mới làm, đằng này chỉ vì mê hát bội. Xin nói thêm: anh này là trai trưởng, ngày mẹ chết, tang mẹ 5 đồng thì anh ta cũng chỉ chịu 1 đồng với 4 người em, không mẻ một xu!
Ông Năm Ngận và ông Sáu Phương mê hát bội và đánh chầu đạt độ nhuần nhuyễn như múa, giờ còn sống ở hai đầu thị trấn Bình Định (An Nhơn). Hễ các gánh hát về diễn 1 tháng 30 đêm thì hai ông đánh chầu đủ 30 đêm! Độc đáo ở chỗ roi chầu từ nằm ngang trên đùi, tay phải vung lên theo hình vòng cung nện mấy tiếng lại nhuần nhuyễn chuyển sang tay trái đánh tiếp, hai ông khi đánh không nhìn nhau mà cứ đều tăm tắp! Nhiều người xem hát, mới ngó chầu đã thấy sướng. Chỉ ở Bình Định, đánh chầu mới vượt ra khỏi ý nghĩa của hệ thống lý luận mà thành nghệ thuật biểu diễn. Vấn đề là không phải sự cố ý luyện tập, hai ông trên quá mê và am hiểu hát bội! Hai ông đánh hay đến độ, chỉ cần chuẩn bị tiền thưởng cho các diễn viên, phần thẻ (thuộc ông bầu theo quy định) thường được cho không.
Chuyện kể rằng năm ấy gánh Hòa Thành của bầu Ánh về diễn Sơn hậu ở trường Đức Thuần (chợ Dinh- Phước Hậu), Hoàng Chinh sắm vai Phàn Định Công, lớp Phàn Định Công đề cờ, nghệ sĩ tài danh này vốn giỏi chữ Hán, không hiểu lẽ gì, ông, sau khi nhận được liên hồi trống thưởng qua mấy phút diễn bộ và cái hắt mặt lên đầy biểu cảm, đoạn đề cờ có sai phạm kiểu "chết lỗ chân trâu": đề ngang như viết chữ quốc ngữ! Bạn đọc hiểu rằng tất có tiếng gõ vào vành trống. Cầm chầu là cụ Cửu Tề. Phàn Chinh vòng tay lễ phép "xin thầy chỉ giáo". Cụ Cửu hỏi: "thời Tề triều đã có chữ quốc ngữ hay sao mà anh viết vậy?" Người đứng đầu của "tứ đại danh ca" giật mình, vòng tay xin lỗi. Từ đó về sau ông không bao giờ phạm phải sai lầm ấu trĩ này! Công chúng thời ấy có trình độ thưởng thức rất cao.
Lê Công Lễ (đoàn Ánh Dương bây giờ) là học trò bầu Hương, từng nổi tiếng làm Tiết Cương chống búa thời 11 tuổi. Anh mới học lớp 5, mê hát bội đến bỏ học. Khốn nỗi thầy bầu Hương không biết chữ quốc ngữ, ông thuộc lòng kịch bản mà đọc ra cho các diễn viên chép tuồng. Làm sao Lễ và các bạn cùng lứa anh hiểu ngữ nghĩa từ cổ, cứ vậy hát chữ "tác" thành chữ "tộ". Người cầm chầu là lương y Lê Đình Hiến (thị trấn Bình Định) sau đêm diễn ngồi lại với các cháu, giảng giải sửa sai từng chữ. Lễ và bạn bè học hỏi được rất nhiều điều!
Chuyện kép Chinh và kép Lễ giống nhau về sai sót. Người cầm chầu Cửu Tề và Lê Đình Hiến cũng giống nhau về độ am hiểu hát bội và trách nhiệm roi chầu. Còn khác nhau trong diễn biến, hành xử là do hai thời của hát bội Bình Định: thuở vàng son và buổi vật vã tồn tại. Lễ giờ tuổi 40, đang là một trong vài kép tài năng hiện nay. Gần như sau anh, không có diễn viên kế tục. Các đoàn nghệ thuật truyền thống Ánh Dương, Trần Quang Diệu, Sông Kôn, Phước An… đang diễn tưng bừng không chỉ trong tỉnh. Hát bội Bình Định đang nhọc nhằn tìm lại chính mình. Vài câu chuyện của người cầm chầu xưa và nay có thể hình dung phần nào sức sống của hát bội trong công chúng và ít nhiều có ý nghĩa với ai thực sự quan tâm đến bộ môn nghệ thuật từng là niềm tự hào của quê tuồng Bình Định!
. Lê Hoài Lương |