Tôi vẫn nghĩ mãi về sự cuốn hút và sức sống của hình tượng màu đỏ trong bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của nhà thơ Nguyễn Mỹ. Bản chất của cuộc chia ly nào cũng buồn, chia ly để ra trận lại càng buồn hơn, bởi "xưa nay chinh chiến mấy kẻ về".
Khung cảnh buổi chia tay của đôi vợ chồng trẻ trong bài thơ có cái nền thiên nhiên là một trưa mùa thu "nắng vàng lên rực rỡ", trong vườn hoa có cây si xanh "gọi họ đến ngồi"; nhưng sắc màu nổi bật nhất là chiếc áo của người vợ "đỏ rực như than lửa". Câu chuyện ly tình thiết tha xúc cảm nếu không trở thành "cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ" thì sẽ dễ nhuốm màu Kinh Kha qua sông Dịch, ví như:
Đưa người ta không đưa sang sông
Mà sao có sóng ở trong lòng
(Tống biệt hành - Thâm Tâm)
hay:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
và "cái màu đỏ ấy" cũng không quyền quý như trong Chinh phụ ngâm:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Bởi, đó là màu "bông hoa chuối đỏ tươi" trong rừng cây quê hương, giản dị như hàng triệu triệu lần chia tay người tình, vợ con trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta đánh Mỹ.
Bịn rịn là thế, tiếc nuối là thế, và họ cũng không giấu diếm niềm đau thương. Họ nhìn thẳng vào thực tại và ý thức được giá trị của cuộc tình, cuộc chia ly này. Cao trào của bài thơ không hẳn ở lúc "và người chồng ấy đã ra đi…" mà chính là điệp khúc:
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người.
Nếu thơ hay thì sẽ làm được chức năng "vẫy gọi đoàn người" nhưng chắc chắn một điều là màu đỏ "cháy không nguôi" đó đã nói được sự thủy chung đến cùng của người vợ trẻ, cần gì phải nhủ đi nhủ lại:
Em ơi, đợi anh về
Đợi anh hoài, em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì em ơi, cứ đợi.
(Đợi anh về - thơ Ximônốp)
Độc đáo của Nguyễn Mỹ trong nền thơ Việt là dùng "bông hoa chuối" làm biểu tượng cho sự xa cách trong tình yêu. Cái đẹp dung dị của màu đỏ quê mùa đã vào thơ anh một cách tự nhiên mà sang trọng nhường kia. Cũng như ý tưởng "Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau" đã được thi sĩ phổ vào thơ tình thật mềm mại, đắm say. Màu đỏ của cuộc chia ly đã trở thành điều cao cả, thiêng liêng mà một thời vạn vạn người trẻ đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang - chiến đấu vì đất nước, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn. Sức ngân của tứ thơ "màu đỏ chia ly" mang tư tưởng thời đại nhưng xuất phát từ trái tim yêu đương cháy bỏng và trở về trái tim yêu đương cháy bỏng nên "màu đỏ ấy theo đi" suốt qua tâm hồn bao thế hệ.
Phải nói rằng "màu đỏ" trong bài thơ có sắc độ chất chứa nhất trong nền thơ Việt vì đã thắng nhiều "màu đỏ khác" ở tay nghề kết cấu xoay vòng chặt chẽ với cách điệp chữ "ấy" hoàn hảo.
Dẫu viết về chuyện chia tay ra trận ở năm 1964, giữa lúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta đang hồi cam go nhưng bài thơ không hề "cương" mà nhuần nhị một tình yêu quê hương đất nước thuần khiết và một cảm xúc dạt dào. Thi sĩ đã sống trọn với tứ thơ đặc sắc, đôi vợ chồng trẻ sống trọn trong nhau, cũng như Tổ quốc sống trọn trong họ nên "màu đỏ ấy" của Nguyễn Mỹ sống trọn trong dặm dài thi ca Việt Nam là điều dễ hiểu.
. Đào Đức Tuấn |