Nhạc sĩ Trần Chung và bài hát "Mùa xuân đến rồi đó"
10:47', 10/1/ 2005 (GMT+7)

Năm 1976, nhạc sĩ Trần Chung đi công tác ở các tỉnh phía Nam và có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ là thanh niên xung phong. Tiếp xúc với đối tượng ấy, Trần Chung cảm thấy ở họ một sức sống sôi nổi và mãnh liệt, hồn nhiên, yêu đời. Họ rất thích ca hát. Những bài hát hay viết về họ mà họ ưa thích chưa nhiều.

Trần Chung nghĩ ngay đến một bài hát không hẳn viết riêng cho các bạn thanh niên xung phong mà là viết về sức sống, tuổi trẻ của họ. Anh mong muốn bài ca ấy sẽ được họ yêu thích.

Lần gặp gỡ ấy qua đi. Chẳng mấy chốc mà năm mới sắp đến. Thiên nhiên rậm rịch một sức sống mới. Trần Chung lại nghĩ đến những bạn trẻ ngày nào, với nhiều kỷ niệm. Bỗng nhiên trong anh tuôn trào ra mạch âm nhạc:

Em ơi mùa xuân đến rồi đó

Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời

Dưới hình thức người con trai nói với người con gái, bài hát "Mùa xuân đến rồi đó" ra đời như một bản tình ca. Chàng trai nói với cô gái nhiều điều về cuộc đời, đất nước, về những chuyện rộng lớn tưởng như ít liên quan đến họ mà thực ra lại rất thiết thực với cuộc sống, với hạnh phúc, công việc của họ. Cuộc đời riêng gắn với cuộc đời chung:

Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn đời, xuân ước vọng ngàn năm lại tới

Rồi:

Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én lướt bay về

Ríu rít ngang trời, chim hót chào bàn tay dựng xây trên tầng cao

Mùa xuân đến rồi đó không có ý nói nhiều đến một mùa xuân cụ thể. Tác giả không dừng lại miêu tả những cảnh sắc mùa xuân như trong truyện Kiều:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Trong bài hát, những "ngàn hoa thắm đỏ", những "chim én lướt bay về" chỉ cốt tạo không khí, gợi một chút ít xuân, điều cốt yếu là tác giả nói đến sức sống mãnh liệt, dồi dào, tiềm tàng của tuổi trẻ, nói đến mùa xuân với ý nghĩa khái quát tượng trưng. Mùa xuân là biểu tượng của sự sống, của sức vươn lên, trỗi dậy.

Chủ đề âm nhạc của bài hát xuất hiện bằng những âm hình khá đơn giản, chủ yếu là những nốt đen kế tiếp trong nhịp 2/2 nhưng khi hát lại ngắt chứ không liền mạch tạo nên một hiệu quả rậm rịch, rạo rực, biểu hiện mùa xuân thiên nhiên đang đến, sức sống của tuổi trẻ đang dồi dào.

Phần sau, tiết tấu có nhanh, theo nhịp đến hối hả, mùa xuân và tuổi trẻ đang sung mãn.

…Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn đời…

Mùa xuân 1978, tác giả giới thiệu bài hát trên làn sóng phát thanh. Bài hát Mùa xuân đến rồi đó đã nhanh chóng đến với quần chúng. Rạo rực, sôi nổi, không ồn ào, không lên gân. Ngắn gọn, giản dị nhưng vẫn sâu sắc, dễ hát mà đường nét giai điệu lại mới mẻ.

Mùa xuân đến rồi đó lại vang lên mỗi dịp xuân về một cách rạo rực, xốn xang…

. Khả Xuân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Màu đỏ trên đỉnh thơ Việt!   (09/01/2005)
Thơ: Lệ Thu, Nguyễn Đình Lương   (07/01/2005)
Hát bội Bình Định qua tiếng trống chầu  (07/01/2005)
Thời sự Văn nghệ  (06/01/2005)
Họa sĩ trẻ: Còn miệt mài trên giá vẽ?  (06/01/2005)
Mùa xuân này vắng bóng nhà thơ - Chợ tết  (05/01/2005)
Điện ảnh, truyền hình: Phim ta thất thế   (04/01/2005)
Đối… lái  (04/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ IX): Thế giới ở ngay trước ngõ nhà mình   (03/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VIII): Ở đây ngoài việc nâng ly - Người ta hỏi biết làm gì? - Làm thơ  (02/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VII): Cái cò, cái vạc, cái nông   (31/12/2004)
Tìm hướng đi cho sân khấu hôm nay  (31/12/2004)
Thơ: Khổng Vĩnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Hưng  (31/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ VI): Nước non ngàn dặm, ra đi, cái tình chi…   (30/12/2004)
Folklorists liệt truyện (kỳ V): Trăm năm trong cõi người ta   (29/12/2004)