Sự kiện ngày 25-9-1961 ở Ngã Ba Đình, xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) là một sự kiện lịch sử đau thương mà anh dũng. Nơi đây, mười chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống giữa lòng đất mẹ với tấm lòng kiên trung, bất khuất không hề khuất phục trước họng súng của kẻ thù.
|
Biểu tượng di tích Ngã Ba Đình (phương án thứ nhất) |
Cùng với tác giả Nguyễn Mạnh Quân, tác giả Nguyễn Hồng Hải được chọn mời tham gia sáng tác phác thảo: biểu tượng Ngã Ba Đình. Anh là người Quy Nhơn, tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, nay trở về quê hương sinh sống.
Sau khi được Ban tổ chức cung cấp nội dung sự kiện, tác giả Nguyễn Hồng Hải tiếp tục tìm hiểu về thực tế không gian, địa điểm đặt biểu tượng cũng như gặp gỡ tham khảo ý kiến của hai nhân chứng còn sống sót sau vụ thảm sát ở Ngã Ba Đình và những tài liệu lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ của xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn). Tác giả xây dựng ý đồ biểu tượng, hình thành với hai phương án khả thi.
Ở phương án thứ nhất, tác giả thể hiện hình ảnh lá cờ Tổ quốc vút cao trên nền trời xanh tạo nên tư thế sừng sững, uy nghiêm như khẳng định niềm tin vào chiến thắng của sự nghiệp chính nghĩa, đồng thời lá cờ Tổ quốc được xếp thành khối, thông qua hình tượng nòng súng thể hiện khí thế tiến lên của những người chiến sĩ cách mạng. Nơi các anh nằm xuống, với hình ảnh lá cờ Tổ quốc, tác giả tạo nên một tình cảm ấm áp của tấm lòng yêu thương mà quê hương, đất nước đã dành cho các anh. Từ sự cách điệu nâng cao được lồng trong cái thực (lá cờ là thực, cách sắp xếp là nâng cao), ước lệ xen lẫn tự nhiên (chiều cao vút lên của biểu tượng so với đồng ruộng) biểu tượng đã đẩy lên tính chất vĩ đại của sự hy sinh.
Ở phương án thứ hai, tác giả đã chiếm được nhiều cảm tình của Hội đồng nghệ thuật.
|
Biểu tượng di tích Ngã Ba Đình (phương án thứ hai) |
Bố cục là hình tượng ngọn lửa bốc cao lên thành cột trên nền mặt trống. Ngọn lửa căm thù được thể hiện đầy chất bi hùng, mất mát đau thương nhưng không khuất phục. Sự vươn cao của ngọn lửa tạo sức thuyết phục về tính hoành tráng của biểu tượng. Màu trắng của biểu tượng tạo nên sự thanh khiết, cao quý trên nền không gian của trời đất. Sự kết hợp giữa nước và lửa, hình vuông với tròn tạo nên sự thống nhất mạnh mẽ cho biểu tượng. Từ ngàn xưa, mỗi khi có giặc ngoại xâm, tiếng trống lại rền vang làm hiệu lệnh chiến đấu, kêu gọi nhân dân đứng lên chống kẻ thù chung của dân tộc. Những hình ảnh đau thương và sống động được thể hiện bằng hình thức phù điêu chung quanh thân trống. Cảnh quân thù khủng bố, bắt bớ, dồn dân. Tấm phù điêu là lời tố cáo đanh thép tội ác tày trời của quân xâm lược và bè lũ tay sai. Đối lập với hình ảnh quân giặc tay lăm lăm khẩu súng, vẻ mặt tàn bạo, khát máu là hình ảnh những người bị trói, bị bắn giết nhưng vẫn ngẩng cao đầu. Đoạn kết của mảng phù điêu là khung cảnh tươi vui của ngày chiến thắng được diễn tả qua nét mặt hân hoan của mọi người và rợp trời cờ hoa. Đó cũng chính là xu thế tất yếu của cách mạng, của cuộc đấu tranh chính nghĩa vì hạnh phúc, vì độc lập tự do cho dân tộc.
Ba mươi mùa xuân đã trôi qua, xã Hoài Sơn đang thay da đổi thịt, nhân dân Hoài Sơn vẫn một lòng khắc cốt ghi công những chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống cho quê hương có ngày hôm nay. Biểu tượng Ngã Ba Đình ra đời xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc và lòng tự hào vô bờ bến với thế hệ cha anh. Tin rằng, tác giả Nguyễn Hồng Hải sẽ thể hiện thành công biểu tượng như mong đợi.
. Nguyễn Chơn Hiền |