Võ Đức Thọ và "Chuyện kể tiếp về người thợ săn và mẹ con vượn"
16:46', 12/1/ 2005 (GMT+7)

"Người thợ săn thấy một con vượn đang bế con ngồi trên tảng đá. Bác nhẹ nhàng rút tên, bắn trúng tim vượn mẹ.

Vượn mẹ giật mình, hết nhìn mũi tên, lại nhìn người thợ săn bằng đôi mắt căm giận. Người thợ săn đứng im, hồi hộp…

Bỗng vượn mẹ nhẹ nhàng đặt con nằm xuống, vơ vội nắm rác, gối lên đầu con, rồi hái một cái lá to, vắt sữa vào đó, đặt lên miệng con. Xong, nó nghiến răng, giật phắt mũi tên ra, rú lên một tiếng…".

Khi đọc câu chuyện này của văn hào Nga L.Tônxtôi, bạn đọc dù ở lứa tuổi nào cũng không thể không xúc động trước tình cảm, tình cảnh của hai mẹ con vượn. Đặc biệt là với các em: không biết rồi đây vượn con sẽ sống ra sao giữa những tháng ngày không có mẹ? Từ mối băn khoăn này của các em, tác giả Võ Đức Thọ đã viết tiếp câu chuyện về mẹ con vượn.

Hướng triển khai của Võ Đức Thọ trong Chuyện kể tiếp về người thợ săn và mẹ con vượn là đi sâu miêu tả những diễn biến tâm lý cùng hệ thống các hành động của người thợ săn. Khi vượn mẹ chết, "bác thợ săn lặng người đi. Ngực bác buốt nhói như chính mũi tên kia xuyên vào tim bác". Người thợ săn rõ ràng đã cảm thấy ân hận về hành động tội lỗi của mình. Thể hiện thái độ ân hận đó, trước hết người thợ săn đã chặt phá chiếc nỏ vốn "kè kè bên bác từ thời trai trẻ". Rồi bác thợ săn đến chôn cất cho vượn mẹ và đưa vượn con về nhà mình. "Kể từ hôm ấy, bác thợ săn không muốn vào rừng nữa. Bác xoay qua trồng thêm cây trái ở trên đồi. Rảnh rỗi, bác giành lấy việc chăm sóc vượn con". Theo thời gian, vượn con lớn dần lên trong sự chăm sóc của vợ chồng bác thợ săn. Chú tinh nghịch, đáng yêu. "Cứ mỗi sáng, hễ thấy bác lên đồi là chú quấn chân đòi đi. Thấy bác ngồi xuống, gật đầu cười là lập tức chú nhảy phóc lên vai. Ở trên đồi, trong lúc bác cặm cụi vun xới, trồng trỉa thì chú vắt vẻo trên cây, tọc mạch hái nếm rồi ném xuống đất, vẻ phởn chí". Cuộc sống của chú vượn sẽ cứ thế trôi qua nếu như không có một ngày, "chú leo tít lên ngọn cây, vẻ ngẩn ngơ vì chợt nghe có tiếng hú từ cánh rừng xa xa vọng đến. Hình như chú nhận ra tiếng gọi của bầy đàn…". Người thợ săn cũng cảm nhận được vẻ khang khác của vượn con, hiểu được trả chú về với rừng xanh là hợp với quy luật tự nhiên. Ngày đưa tiễn chú về rừng rồi cũng đến. Vượn con được đi xa thì thích, còn người thợ săn thì đầy tâm trạng. Chốn rừng xưa nay đã khác đi nhiều. "Ôi! Còn đâu khu rừng rậm rạp, hoang vắng năm nào? Trước mắt bác là những cây cổ thụ chỏng chơ, bị cưa cắt làm nhiều khúc. Cây nhỏ hơn bị gãy nát, bị đốn ngổn ngang…". Bác quyết định chia tay với vượn con ngay tại nấm mộ vượn mẹ. Lời chia tay lại là những lời chuộc lỗi với vượn mẹ: "Ta có tội với con. Mấy năm qua, ta đã gắng chuộc một phần tội nhỏ tội lỗi là nuôi dạy vượn con thành một chàng vượn, đủ sức lực và trí khôn, đương đầu nơi hoang dã. Nay ta đưa vượn con về lại chốn núi rừng để nó tìm lại bầy đàn, duy trì nòi giống. Xa vượn con, vợ chồng ta cũng buồn lắm!". Khi nói ra những lời này hẳn người thợ săn cũng đã trút được phần nào "gánh nặng tội lỗi" vốn đè nặng tâm can ông từ bao nhiêu năm nay. Cái quý giá ở con người chính là sự phục thiện.

Có thể nói, người thợ săn qua câu chuyện của Võ Đức Thọ đáng được trân trọng bởi một loạt các hành động hướng thiện: giải nghệ, nuôi nấng vượn con và trả vượn con về rừng đúng lúc… Hình ảnh này đã trở nên đẹp hơn qua tình huống kết thúc tác phẩm. "Chợt bác thấy vượn con ngừng nhai, nhớn nhác nhìn về phía gốc cây cưa cụt. Thấy lạ, bác nhón người, quay nhìn phía ấy. Ôi! Một nòng súng đen ngòm đang chỉa thẳng vào vượn con. Bác bật dậy, miệng ú ớ. "Đoàng!!!", một tiếng nổ xé tai, tiếng đạn rít sạt qua vai bác. Vượn con nháo nhác ôm chầm cổ bác, run cầm cập. "Khoan! Đừng bắn!…", bác thét to. Nòng súng tức khắc chúc xuống, lộ rõ một rồi hai bộ mặt sửng sốt…". Vượn con được cứu nhưng rừng xanh đã không còn là chốn bình yên. Người thợ săn không thể yên tâm cho cuộc trở về đại ngàn này của vượn con. Đành phải "về nhà thôi! Chốn này đâu còn là rừng hoang nữa để con sống. Bầy đàn con chắc bị diệt cả rồi! Nếu con ở lại sẽ bị giết ngay. Ta đã một lần gây nên tội lớn. Ta không bao giờ để con chịu chết như thế. Về thôi!".

Câu chuyện khép lại bằng hình ảnh trở về của người thợ săn và con vượn nhưng ý nghĩa của nó thì cứ ngân vang mãi trong lòng người đọc. Rõ ràng, qua câu chuyện kể tiếp này, tác giả Võ Đức Thọ đã nói được nhiều điều về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, sự thức tỉnh và sự tàn phá…

Tác giả Võ Đức Thọ, quê Phù Cát, là hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định. Những năm gần đây anh viết khá nhiều, cả tiểu thuyết và truyện ngắn. So với nhiều tác phẩm khác, Chuyện kể tiếp về người thợ săn và mẹ con vượn được viết trước hết là cho các em. Đọc tác phẩm này, chắc chắn các em sẽ thích thú với những điều "kể tiếp" của tác giả. Câu chuyện nói về cái nghiệt ngã của đời sống nhưng lại tràn đầy tính nhân văn cao cả…

. Lê Nhật Ký

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thời sự Văn nghệ  (11/01/2005)
Sáng tác biểu tượng di tích Ngã Ba Đình: Nguyễn Hồng Hải và hai phác thảo  (11/01/2005)
Nhạc sĩ Trần Chung và bài hát "Mùa xuân đến rồi đó"   (10/01/2005)
Màu đỏ trên đỉnh thơ Việt!   (09/01/2005)
Thơ: Lệ Thu, Nguyễn Đình Lương   (07/01/2005)
Hát bội Bình Định qua tiếng trống chầu  (07/01/2005)
Thời sự Văn nghệ  (06/01/2005)
Họa sĩ trẻ: Còn miệt mài trên giá vẽ?  (06/01/2005)
Mùa xuân này vắng bóng nhà thơ - Chợ tết  (05/01/2005)
Điện ảnh, truyền hình: Phim ta thất thế   (04/01/2005)
Đối… lái  (04/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ IX): Thế giới ở ngay trước ngõ nhà mình   (03/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VIII): Ở đây ngoài việc nâng ly - Người ta hỏi biết làm gì? - Làm thơ  (02/01/2005)
Folklorists liệt truyện (kỳ VII): Cái cò, cái vạc, cái nông   (31/12/2004)
Tìm hướng đi cho sân khấu hôm nay  (31/12/2004)