Hơn một thế kỷ qua, dân tộc ta rất ngưỡng mộ Cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Cụ là biểu tượng hào khí đất Đồng Nai, một nhà Nho tiết tháo kiên cường, một nhà giáo mẫu mực, một lương y giàu lòng nhân ái, một "Vì sao càng nhìn càng sáng". Nhưng ai cũng băn khoăn không rõ chân dung Cụ thế nào, hoặc chỉ hiểu qua trí tưởng tượng mỗi người một kiểu theo tình cảm riêng.
|
Chân dung Cụ Đồ Chiểu |
Năm 1971, nhân đợt chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 149 ngày sinh Cụ Nguyễn Đình Chiểu, qua sự cung cấp tư liệu của bà Mai Huỳnh Hoa (cháu ngoại bà Sương Nguyệt Anh, tức chắt ngoại Cụ Đồ Chiểu), nhà giáo Võ Văn Dung có được tấm ảnh ông Nguyễn Đình Chiêm, con trai thứ 7 và tấm ảnh ông Nguyễn Đình Ninh, cháu nội (con của người con thứ 3) của Cụ Đồ Chiểu. Ông Chiêm và ông Ninh là 2 người được những người thân trong gia đình cho là có khuôn mặt giống khuôn mặt Cụ Đồ Chiểu nhất.
Nhà giáo Võ Văn Dung nhờ một họa sĩ danh tiếng và tin cẩn dựa vào 2 tấm ảnh trên vẽ ra chân dung Cụ Nguyễn Đình Chiểu. Bức chân dung này đã được đăng trong tập "Kỷ yếu lễ Kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu năm 1971" tại Sài Gòn.
Nhưng nỗi vui mừng chưa được trọn vẹn, vì bà Mai Huỳnh Hoa còn hối tiếc một điều là khi họa sĩ vẽ chân dung Cụ Đồ Chiểu - ông của mình: khuôn mặt quá gân guốc, khắc khổ và không có râu là không thể hiện đúng diện mạo và phong thái của bậc đại Nho. Thể theo nguyện vọng của bà Mai Huỳnh Hoa, Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu quyết định phải nhờ một họa sĩ vẽ lại chân dung Cụ Đồ Chiểu dựa theo nền chân dung đã có năm 1971 và bổ sung phần góp ý nêu trên.
Bức chân dung Cụ Đồ Chiểu hoàn thành đợt đầu do họa sĩ Thanh Xuân vẽ được Tiểu ban góp ý đáp ứng hai yêu cầu: "khuôn mặt Cụ bớt gân guốc, khắc khổ và có râu dài". Ai cũng vui mừng, nhưng còn "chiếc khăn đóng đội đầu", các nếp xếp kiểu nào cho thích hợp với Cụ. Tiểu ban có hai nhóm ý kiến khác nhau: ở Nam bộ, nếp xếp giữa khăn đóng phải có hình chữ "nhân"; ở miền Trung thì các nếp xếp hình thẳng ngang.
Cuối cùng, hai nhóm thống nhất ý kiến, cho rằng tổ quán Cụ gốc miền Trung, phải tôn trọng tập quán, nên vẽ các nếp xếp thẳng ngang là hợp lý. Vì vậy để có được chân dung Cụ Nguyễn Đình Chiểu như ngày nay là do công sức của họa sĩ Thanh Xuân phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần theo sự góp ý của Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu năm 1982.
Cũng từ bức chân dung năm 1982 này mà các tượng đài Cụ Đồ Chiểu được dựng lên ở Trường Phổ thông Đặc biệt - Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu quận 10 TPHCM, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Đình Chiểu xã Mỹ Lộc - Cần Giuộc, Lăng Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre.
Ngày 14-9-1982, Tiểu ban Nguyễn Đình Chiểu tại TPHCM tổ chức buổi lễ tại nhà cụ Ngọc Lê Tử (49 đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1 TPHCM) để bà Mai Huỳnh Hoa trao tặng Viện trưởng Hoàng Trung Thông bức chân dung Cụ Đồ Chiểu được vẽ lại bằng sơn dầu.
. Theo SGGP |