Tạp văn:
Mùa xuân nhớ khúc đồng dao
16:36', 20/1/ 2005 (GMT+7)

Tôi có làm thơ cho thiếu nhi nên cứ mãi loay hoay với chuyện vẽ câu và tiếp cận "thị trường", chợt một hôm nghe đứa con gái đọc mấy câu đồng dao, bỗng ngộ ra thêm một chút nghề thơ. Thì ra, những câu thơ hồn nhiên nhất lại chính là những câu thơ khó viết nhất.

Cái hay của câu thơ cho con trẻ chính là khi nó được cất lên từ cái miệng bé xinh và giọng nói ngọng nghịu của trẻ. Thương sao là thương và trên cả tuyệt vời là khi nghe con đọc thơ, hát đồng dao, bi bô những câu có vần có vè. Con nít như tờ giấy trắng nên dễ đồng cảm với những vần thơ, văn vần, đồng dao? Những ông bố bà mẹ giàu kiên trì, những nhà sư phạm, những cô giáo dạy trẻ rất hiểu điều này.

Có lẽ trong văn nghệ dân gian, đồng dao là sản phẩm gần như "độc quyền" của trẻ em, thường gắn với những trò chơi nhất định. Ví dụ ở vùng Nam Trung bộ có trò chơi Kéo cưa, các em vừa chơi vừa hát Kéo cưa kéo kít/ Làm ít ăn nhiều/ Đụng đâu ngủ đó/ Nẫu lấy mất cưa/ Lấy gì mà kéo; còn trò chơi tương tự ở một số tỉnh phía Bắc thì mấy câu đầu các em hát: Kéo cưa lừa xẻ/ Ông thợ nào khỏe/ Thì ăn cơm vua/ Ông thợ nào thua/ Về bú tí mẹ. Nói chung, đồng dao trong các trò chơi con trẻ ở các vùng đều khá giống nhau ở nội dung, chỉ khác một vài tiếng địa phương. Như ở trò chơi Giặt chiếu phơi lưới, có vùng hát Giặt chiếu phơi khô/ Đem vô bà nằm, có vùng lại hát Giặt lưới phơi khô/ Trời mưa cuốn lại; trò này nhẹ nhàng, thường dành cho con gái. Còn ở trò chơi Rồng rắn là trò phải có một nhóm đông trẻ em, thường diễn ra trong các đêm trăng, cả bọn cùng hát Rồng rắn lên mây/ Có cái cây lúc lắc/ Có ông chủ ở nhà không?. Sau đó là cuộc đối đáp giữa cái đầu rắn và ông chủ, rồi một cuộc rượt đuổi vui vẻ nhưng không kém phần hồi hộp. Cứ thế, trò chơi tiếp tục lặp đi lặp lại đến lúc cha mẹ gọi về nhà ngủ, và rồi trong giấc mơ, có đứa vẫn còn lẩm nhẩm "Rồng rắn lên mây…" cùng với nụ cười sung sướng trên môi.

Đồng dao trong ngày Tết lại càng phong phú. Theo một số người lớn tuổi, việc đi các nhà chúc Tết của trẻ em trong đêm 30 tháng Chạp (cũng là trò chơi Xúc xắc xúc xẻ), thường gắn với câu hát Xúc xắc xúc xẻ/ Nhà nào còn đèn còn lửa/ Mở cửa cho anh em chúng tôi vào/ Bước lên giường cao/ Thấy đôi rồng thấp/ Bước xuống giường thấp/ Thấy đôi rồng chầu…; ngày xưa, trẻ em nghèo thường chơi trò này để kiếm tiền mừng tuổi, con cái nhà khá giả muốn chơi thì phải… xin nhập bọn.

Đôi khi chất thơ đằm thắm lại thốt lên trong những bài đồng dao khi lời bà ru cháu, lời mẹ ru con, lời chị ru em: Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…, Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…, Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…. Đơn giản, dễ nhớ nhưng không kém phần tinh tế, dí dỏm của đồng dao đã tự nhiên hấp dẫn mê hồn đối với trẻ thơ. Rất nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ như in mấy bài đồng dao kiểu "lòng vòng" như: Chim ri là dì sáo sậu/ Sáo sậu là cậu sáo đen…, Kỳ đà là cha cắc ké/ Cắc ké là mẹ kỳ nhông… hay Lúa ngô là cô đậu nành/ Đậu nành là anh dưa chuột…. Thuận miệng mà hát, nhiều câu tưởng chừng vô nghĩa nhưng vẫn được chấp nhận bằng một cái "luật" riêng của những câu hát đồng dao trong tâm hồn thơ trẻ; đôi khi câu nọ xọ câu kia một chút cũng chẳng sao.

Chuyện đồng dao, có lẽ bất cứ ai đặt lời cũng được. Có hôm nằm ru con, tôi vui miệng lẩm nhẩm: Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè bạn Yến/ Ban ngày làm biếng/ Ban đêm khóc nhè/ Hay đái re re/ Còn hay ị bậy/ Ông bố thấy vậy/ Đánh cho ba roi/ Mấy bạn tới coi/ Lêu lêu bạn Yến/ Ban ngày làm biếng…. Cứ thế, cha con tôi cùng lè nhè, bi bô cho đến khi… cùng ngủ.

Dẫu biết nhiều trò cùng những bài đồng dao bây giờ còn rất ít trẻ em chơi và hát nữa, nhưng những nét đẹp của nó vẫn mãi lung linh trong ký ức cõi người. Đồng dao vẫn riêng chiếm một khoảng trời kỳ vĩ, một nguồn văn nghệ tinh thần giàu có cho trẻ thơ, cần phải được chú trọng phát huy lan tỏa; cũng là để giúp đỡ phần nào cho cái sự thiếu hụt bài hát cho con trẻ, đến nỗi trong một số băng đĩa ca nhạc tuổi thơ, ai đó đã bắt các em hát bài Hôm qua em đi chùa Hương… Và tôi biết vẫn còn rất nhiều người tâm huyết với đồng dao, đang lặng lẽ đưa nó về với tuổi thơ huyền ảo. Đơn sơ như đồng dao mà cũng thăm thẳm như đồng dao, bởi thế không ai ngạc nhiên khi nó theo ta suốt dọc đường trần, một lúc nào đó chợt nghe ông lão gần đất xa trời bỗng hồn nhiên cất giọng đục khàn: Trời mưa lâm râm/ Cây trâm có trái/ Con gái có duyên/ Đồng tiền có lỗ….

. Đào Đức Tuấn

(Phú Yên)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thời sự Văn nghệ   (20/01/2005)
Xuất xứ bức chân dung Cụ Đồ Chiểu  (19/01/2005)
Thư pháp ngày xuân   (18/01/2005)
Sân khấu truyền thống: Vào mùa lưu diễn  (18/01/2005)
Con gà đi ngược ca dao  (17/01/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (16/01/2005)
Đứa con của mặt trời đỏ  (14/01/2005)
Thơ: Cao Văn Tam, Võ Ngọc Thọ, Vũ Đình Huy   (14/01/2005)
Tết ơi, thương lắm…  (13/01/2005)
Võ Đức Thọ và "Chuyện kể tiếp về người thợ săn và mẹ con vượn"  (12/01/2005)
Thời sự Văn nghệ  (11/01/2005)
Sáng tác biểu tượng di tích Ngã Ba Đình: Nguyễn Hồng Hải và hai phác thảo  (11/01/2005)
Nhạc sĩ Trần Chung và bài hát "Mùa xuân đến rồi đó"   (10/01/2005)
Màu đỏ trên đỉnh thơ Việt!   (09/01/2005)
Thơ: Lệ Thu, Nguyễn Đình Lương   (07/01/2005)