"Dấu thời gian" - tập bút ký mới xuất bản của nhà văn Nguyễn Trí Huân - viết về những miền đất mà ông đã gắn bó trong cuộc chiến tranh, trong đó có Bình Định.
Như chính nhà văn từng kể: "Tôi vào chiến trường khu V từ năm 1971, làm tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng rồi Văn nghệ Quân khu V. Những năm tháng này, tôi thường xuyên hành quân cùng bộ đội, đến các vùng giải phóng. Mảnh đất tôi đã đến và gắn bó nhiều nhất là Bình Định, nhất là vùng Hoài Châu, Tam Quan… của huyện Hoài Nhơn. Tôi đã gắn bó với mảnh đất này suốt từ cuối năm 1971 đến ngày giải phóng, năm 1975. Đối với tôi, những năm tháng sống và chiến đấu ở Bình Định là quãng thời gian không thể quên được. Đó là những ngày cùng đi phục kích với anh em du kích, những đêm ngủ hầm, rồi đi cõng gạo với anh em… Không quên được tình cảm yêu thương mà người dân Bình Định dành cho chúng tôi ngày ấy. Và nhất là những người Bình Định rất đỗi anh dũng, kiên cường".
Từ Mặt cát, bút ký viết từ năm 1974 trên đất Hoài Nhơn, về cuộc chiến đấu kiên cường của người Hoài Châu, ở đó, có những con người như má Dị, mà ngôi nhà của má như tiền đồn của cả xã, thường xuyên chịu những trận pháo kích của kẻ thù; đến Bắc, một chiến sĩ cách mạng cùng đại đội bám trụ mặt cát Hoài Châu; rồi Ngọ, con gái má Dị, bị địch tra tấn dã man đến nỗi thỉnh thoảng lại lên cơn co giật nhưng vẫn bám trận địa… Cái thú vị là tác giả bằng ngòi bút sinh động của mình khắc họa rõ từng tính cách con người. Bắc, má Dị, rồi cả thằng bé con như Hiệu đều hiện lên rõ ràng với người đọc thông qua những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ vậy mà ta có cảm giác như họ đang sống ngay trước mắt. Đến Dấu thời gian, ông mới viết năm 2003 khi trở lại Bình Định lần thứ hai sau khi kết thúc chiến tranh, trong hành trình tìm mộ một đồng đội. Ở đây, ông viết về tình yêu của một cô du kích với anh chiến sĩ giải phóng, khi anh đã hy sinh, suốt bao nhiêu năm, không ngày nào cô không thắp hương cho anh như cho một người chồng...
Nhà văn Nguyễn Trí Huân, hiện là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đã xuất bản ba tập sách viết về cuộc chiến đấu trung dũng, kiên cường của người dân khu V và Bình Định: Mặt cát (tập truyện ngắn), Năm 1975 họ đã sống như thế (ký) và Chim én bay (tiểu thuyết). Riêng Chim én bay đã được Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1985-1989, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1988-1989. |
Thông qua những câu chuyện bình dị ấy, người đọc mới thấu hiểu được, tại sao họ đã trụ lại được ở trên mặt cát này, đã sống và chiến đấu như thế và bám trụ cùng với cách mạng đến ngày thắng lợi.
Những bút ký khác trong tập sách này, từ câu chuyện về những người tù Côn Đảo, đến những khó khăn của các chiến sĩ trên cao nguyên Đồng Văn, hay ký ức về những khu rừng cũ, chuyện cô văn công và những người lính đảo… là những kỷ niệm góp nhặt trong suốt cuộc hành trình đến với những miền đất, với những người lính đang ngày đêm bám trận địa. Hơn là một sự đồng cảm của một nhà văn từng khoác áo lính, hơn là lượng thông tin phong phú vốn là bản chất của thể ký, ta bắt gặp ở trong từng dòng văn những xúc cảm chân thật trước sự hy sinh của những người lính vì sự bình yên cho Tổ quốc, về cuộc gặp gỡ của hai người yêu nhau trên chuyến tàu từ Côn Đảo trở về…
"Tôi còn nhớ, một ai đó đã nói rất hay rằng, thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả, nhưng thời gian cũng lưu giữ lại tất cả. Những gì mà thời gian lưu giữ sẽ trở nên bất tử, nó tồn tại bền vững trong thinh không, trong đất, trong nước, truyền từ đời này qua đời khác làm nên những giá trị thiêng liêng trong đời sống tâm linh của con người". Xin mượn câu ấy của nhà văn trong bút ký Dấu thời gian để khép lại bài viết này.
. Khải Nhân
(*) Đọc Dấu thời gian, tập bút ký của Nguyễn Trí Huân, Nxb. Quân đội Nhân dân, 2004. |