Hoa mai, linh hồn của mùa xuân đất Việt
16:57', 23/1/ 2005 (GMT+7)

Mùa xuân đến thì trăm hoa đua nở, chẳng riêng chi chỉ một sắc hoa nào. Nhưng mỗi đất nước, mỗi vùng lãnh thổ có một loài hoa riêng làm biểu trưng, như là linh hồn của mình vậy. Chẳng hạn như Bungari là xứ sở của hoa hồng. Hà Lan với loài hoa tuy-líp. Hoa anh đào của người Nhật Bản và đóa chăm-pa duyên dáng như những thiếu nữ Lào.

        Hoa mai

Đất nước ta trải dài ngót hai nghìn cây số, lại là vùng nhiệt đới nên may mắn có hai loài hoa là biểu tượng mùa xuân. Miền Bắc lạnh hơn với những cánh đào phai, đào thắm rực rỡ. Mỗi độ xuân về, không mấy nhà lại không có một cành đào đón Tết. Miền Nam ấm nóng hơn thì hoa mai vàng rực khắp trong nhà ngoài sân, thậm chí cả những cánh rừng, ngọn đồi, con suối cũng vàng mai.

Hoa mai có hai giống. Một là mai miền Bắc màu trắng chính là hoa mơ. Hoa mơ tuy không tiêu biểu cho mùa xuân đất Bắc Hà, nhưng cũng in đậm dấu ấn trong thơ ca, bởi hoa mơ là linh hồn, là cốt cách của mùa xuân Hương Tích. Nhà thơ Trần Lê Văn viết về hoa mơ (mai) Hương Tích:

Biết bao là chuyện đẹp

Mầm mống tự chiều nay

Khi ta vào bắt gặp

Hoa mơ đang nở đầy.

Hương mai nhẹ nhàng thanh khiết, dìu dịu lan tỏa làm cho bao văn nhân thi sĩ phải hết lời ngợi ca.

Thiền sư Mãn Giác viết về hoa mai với một triết lý sâu sắc về cái vô hạn của thiên nhiên:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành mai

Đại thi hào Nguyễn Trãi thì tìm đến hoa mai để bầu bạn:

Rủi viên hạc, xin phương giải tục

Quyến mai trúc kết bạn tri âm

Còn nhà thơ Cao Bá Quát thì:

Thập tại luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đề thử bái mai hoa

(Mười năm giao du tìm kiếm cổ

Cả đời chỉ phục có hoa mai)

Đại thi hào Nguyễn Du dựng chị em Thúy Kiều với một vẻ đẹp tao nhã "Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Mỗi người mỗi vẻ mười phân ven mười".

Các bậc lão nho ngày trước thường tặng cho mai danh hiệu: "Ngự sử mai, quân tử trúc, trượng phu tùng". Hoa mai luôn được đứng đầu trong các loài hoa có danh tiếng. Chẳng thế mà trong bộ tứ bình về hoa, thì hoa mai cũng đứng hàng thứ nhất, gồm "mai lan cúc trúc".

Năm 1942, khi mới về nước lãnh đạo cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thi sĩ Hồ Chí Minh ở rừng Pắc Bó - Cao Bằng, khi "Thượng sơn" (Lên núi) đã viết về hoa mai:

Cử đầu hồng nhật cận

Đối ngạn nhất chi mai

Nhà thơ Tố Hữu dịch:    

Ngẩng đầu: mặt trời đỏ

Bên suối, một nhành mai

Hoa mai ở Pắc Bó chính là mai trắng, là hoa mơ vậy.

Còn ở phía nam, từ Quảng Trị trở vào đến đất Mũi, khắp các nẻo đường từ rừng đến biển, mùa xuân đều rực một sắc mai vàng. Điều khác biệt là mai trắng miền Bắc đậu thành quả có giá trị kinh tế. Quả mơ dầm muối làm ô mai, ướp đường làm nước giải khát, ngâm rượu bồi bổ sức khỏe. Còn mai vàng phương Nam chỉ nở hoa cho đẹp mà không đậu quả, hoặc có đậu quả là mai tứ quí nhưng chẳng giá trị gì về mặt ẩm thực.

Mai có mặt trong mùa xuân đất nước chắc cũng cả nghìn năm. Mỗi năm người ta lại thêm một giống hoa mới. Mai đơn, mai kép, bạch mai, huỳnh mai, mai tứ quí, và có một loài hoa chẳng giống mai được ghép vào họ: mai chiếu thủy.

Ông Đào Tấn (1845-1909) người làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, là một vị quan to dưới triều nhà Nguyễn. Làng quê ông có núi hoa mai vàng (Huỳnh Mai) nên ông đặt bút hiệu của mình là Mộng Mai. Vì yêu hoa mai mà ông "Suốt đời cúi lạy mỗi hoa mai". Ông thường ao ước: "Ước mộng hồn ta là đóa mai". Cho đến khi gửi nắm xương tàn, Đào Tấn cũng mong được để trên núi Huỳnh Mai: "Non Mai rồi gửi xương Mai đấy". Và ông đã thỏa nguyện khi mỗi mùa xuân được chìm ngập trong sắc mai vàng của núi Huỳnh Mai quê hương.

Trai gái yêu nhau thường mượn hình ảnh "trúc mai - mai trúc" để ví von, để thổ lộ tình cảm qua những áng ca dao bất hủ. Chẳng hạn:

Tiếc công anh đạp trúc tìm mai

Sương sa cũng chịu, bẻ vài bông chơi

... Trúc với mai, mai về trúc nhớ

Trúc trở về, mai nhớ trúc không?

… Ai đi đâu đấy hỡi ai

Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm

Xuân về, Tết đến, nhà ai mà chẳng có một sắc mai trưng diện. Bây giờ phần nhiều người ta chơi mai trong chậu kiểng với nhiều dáng vẻ được uốn tỉa công phu. Thông thường một chậu mai kiểng giá vài trăm ngàn đồng. Không ít chậu giá bạc triệu hoặc cả cây vàng. Nhà bình dân thì làm một cành mai núi cắm lọ vui ba ngày Tết. Thế là sang rồi.

Ôi, hoa mai! Loài hoa cao thượng, thuần khiết. Mai là linh hồn mùa xuân của dân tộc Việt Nam ta.                        

. Nguyễn Văn Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tết sớm  (21/01/2005)
Dấu thời gian" trên "mặt cát" *  (21/01/2005)
Thơ: Hồ Thế Phất, Phương Nghi, Khổng Vĩnh Nguyên  (21/01/2005)
Mùa xuân nhớ khúc đồng dao   (20/01/2005)
Thời sự Văn nghệ   (20/01/2005)
Xuất xứ bức chân dung Cụ Đồ Chiểu  (19/01/2005)
Thư pháp ngày xuân   (18/01/2005)
Sân khấu truyền thống: Vào mùa lưu diễn  (18/01/2005)
Con gà đi ngược ca dao  (17/01/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (16/01/2005)
Đứa con của mặt trời đỏ  (14/01/2005)
Thơ: Cao Văn Tam, Võ Ngọc Thọ, Vũ Đình Huy   (14/01/2005)
Tết ơi, thương lắm…  (13/01/2005)
Võ Đức Thọ và "Chuyện kể tiếp về người thợ săn và mẹ con vượn"  (12/01/2005)
Thời sự Văn nghệ  (11/01/2005)