Vận động sáng tác văn học lứa tuổi thiếu nhi:
Phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu văn học
9:22', 28/1/ 2005 (GMT+7)

Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho lứa tuổi thiếu nhi năm 2005 - 2006 vừa được Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh phát động. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động.

* Mục đích của cuộc vận động này là gì, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng

- Trên thực tế, thời gian qua, trang Học sinh - sinh viên của tạp chí Văn nghệ Bình Định đã xuất hiện không ít sáng tác của một số cây bút trẻ. Câu lạc bộ VHNT của Hội cũng đã thường kỳ 2 tháng một lần tổ chức cho các cây bút trẻ đang là học sinh - sinh viên có cơ hội giao lưu với các nhà văn, nhà thơ và tự thể hiện tác phẩm của mình. Tuy nhiên, cái còn thiếu với họ chính là sự tập hợp, sự bồi dưỡng và một sân chơi, nơi họ có thể đọc, bình phẩm, trình bày một cách thành thực các quan niệm, tranh luận với nhau. Cuộc vận động này nằm trong một ấp ủ dài hơi của Hội nhằm tạo điều kiện cho những cây bút trẻ, trong đó, có những cây bút thiếu nhi sáng tác cũng như tạo ra nhiều sân chơi cho họ. Việc tổ chức cuộc vận động như vậy cũng không ngoài mục đích động viên, khuyến khích các em học sinh lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở sáng tác văn học. Đồng thời, thông qua đó, sẽ phát hiện những năng khiếu văn học để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao, góp phần tạo nên một lực lượng những cây viết trẻ sau này.

- Điều quan trọng nhất là sau cuộc vận động, Hội sẽ có kế hoạch gì để bồi dưỡng những cây bút rất trẻ này, thưa ông?

* Trong dự kiến của chúng tôi, sau khi kết thúc cuộc vận động, Hội sẽ tổ chức Hội nghị những người viết trẻ ở Bình Định. Đây vừa là sân chơi, vừa là nơi họ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, đồng thời cũng là cơ hội để chọn ra những cây bút trẻ tiêu biểu tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc. Còn việc tổ chức các trại sáng tác, trại viết vào dịp hè cho các em cũng đã nằm trong dự kiến của chúng tôi và Hội sẽ tổ chức ngay khi hội đủ các điều kiện cần thiết.

     Em tập đàn

- Vậy những tác phẩm nào có thể tham gia dự thi?

* Tác phẩm dự thi là những tác phẩm do chính các em sáng tác, viết về tình cảm của các em với ông bà cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè, ngợi ca quê hương đất nước, ca ngợi truyền thống uống nước nhớ nguồn hoặc cảm nhận về một tác phẩm văn học của một tác giả nào đó mà các em đã biết. Tác phẩm dự thi chưa phổ biến trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, có thể đánh vi tính hoặc viết tay sạch sẽ rõ ràng trên một mặt giấy. Mỗi tác giả có thể gửi ở cả ba thể loại là truyện ngắn, thơ hoặc cảm nhận văn học, mỗi thể loại tối đa hai tác phẩm. Trong đó, tác phẩm văn xuôi không quá 3 trang A4. Thời gian nhận bài dự kiến từ nay đến ngày 31-8-2006.

- Cuối cùng, ông có kỳ vọng nhiều vào những cây bút trẻ hôm nay?

* Tôi rất cảm động và vui mừng vì thời gian qua, nhiều cây bút trẻ đã tìm đến tôi, gửi tác phẩm, trình bày quá trình sáng tác; sau đó có viết nhiều lá thư, trong đó có cả một lá thư viết bằng máu, bày tỏ quyết tâm theo đuổi đến cùng sự nghiệp văn chương. Tôi tin tưởng và hy vọng sâu sắc rằng, lớp trẻ cầm bút ở xứ sở ta trong tương lai sẽ làm được những kỳ tích xứng đáng với mảnh đất tài hoa, đã đơm bông kết trái bởi bàn tay của nhiều thế hệ VHNT dày công vun xới...

- Xin cảm ơn ông!

. Khải Nhân (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân mùa hoa cải  (27/01/2005)
Góp sắc cho Xuân   (25/01/2005)
Thời sự Văn nghệ  (25/01/2005)
Bước theo Đảng thủy chung son sắt   (24/01/2005)
Hoa mai, linh hồn của mùa xuân đất Việt   (23/01/2005)
Tết sớm  (21/01/2005)
Dấu thời gian" trên "mặt cát" *  (21/01/2005)
Thơ: Hồ Thế Phất, Phương Nghi, Khổng Vĩnh Nguyên  (21/01/2005)
Mùa xuân nhớ khúc đồng dao   (20/01/2005)
Thời sự Văn nghệ   (20/01/2005)
Xuất xứ bức chân dung Cụ Đồ Chiểu  (19/01/2005)
Thư pháp ngày xuân   (18/01/2005)
Sân khấu truyền thống: Vào mùa lưu diễn  (18/01/2005)
Con gà đi ngược ca dao  (17/01/2005)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (16/01/2005)