Giọt nước mắt chảy ngược
16:6', 28/1/ 2005 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Đào Thị Quý Thanh

Nửa đêm, đôi chân bà Ngạn tê đau, nó làm bà thức giấc. Ngồi dậy, bà vặn chiếc đèn hột vịt đã gần ngún tim, lấy chai dầu xoa khắp đôi chân, nắn bóp. Đỡ đau, bà Ngạn nằm xuống kéo chiếc chăn đắp nửa người. Năm nay mùa đông đến sớm, bữa trước gặp phải cơn gió lạnh bà cảm mất một tuần, người yếu hẳn. Bà Ngạn xoay người nhìn qua khe cửa, trời nhờ nhờ tối. Cái lạnh ở trong này không bằng ở ngoài quê bà, nhưng không sao bà chợp mắt được. Người già như cái máy thời gian, trở trời là tay chân nhức mỏi. Mỗi lần như thế bà lại nhớ đến thằng Hai, thằng Ba cùng hai đứa cháu tật nguyền. Không cầm lòng được, bà Ngạn khóc. Nhiều lần, bà định về thăm gia đình thằng Hai, thì con Ngân cản lại: "Mẹ về đó chỉ tổ làm khổ anh chị ấy mà thôi". Bà xót xa lẳng lặng vào trong buồng ngồi, tiếp tục khóc. Luồng gió thoảng qua, ánh đèn dầu phụt sáng rồi tắt lịm. Bà Ngạn nheo mắt, rón rén bước xuống giường, tìm cái hộp sắt mở ra lấy tràng hạt, bà lần từng hạt miệng lẩm bẩm niệm kinh. Bà nằm niệm như thế cho tới sáng.

Nghe tiếng nước chảy, bà nhổm dậy quấn lại mái tóc và đi ra nhà sau. Thấy Ngân đang rửa mặt, bà ngạc nhiên hỏi:

- Hôm nay chủ nhật con cũng đi dạy à?

Ngân tươi cười: "Còn mấy bữa nữa, thi học sinh giỏi, con phải kèm thêm cho mấy cháu". Nói rồi cô xếp tập sách cho vào cặp, thay quần áo, rồi đi nhanh ra xe. Chợt nhớ điều gì, cô quay vào.

- Cháu Thùy ở nhà, bà nhớ nhắc cháu học giùm con!

- Ừ, mà không ăn gì à?

- Thôi ạ.

Mấy năm trước, vợ chồng con Ngân về thăm, ngỏ ý muốn đón bà lên ở với chúng. Bà im lặng nhìn lên bàn thờ ông Ngạn, thằng Ba. Mọi thứ ở đây thân thuộc gần như máu thịt ngấm vào trong bà. Cô con gái nhìn bà trầm giọng:

- Mẹ già rồi lại ở một mình, lúc đau yếu thì làm sao?

- Có bà con hàng xóm. Với lại có cô chú Bẽng nữa, mẹ không sao đâu!

Cô con gái nhăn mặt, tay ôm vai bà.

- Họ chỉ giúp mẹ phần nào thôi, mẹ nghe lời con, về ở với chúng con, bé Thùy nhớ mẹ lắm.

Bà Ngạn vừa têm trầu vừa nghĩ ngợi. Thấy cái nhìn chờ đợi của cô con gái, bà Ngạn quay đi, ánh mắt nhìn xa xăm, bà nói chậm từng lời:

- Mẹ không đành lòng. Từ mấy chục năm nay mẹ sống trên mảnh đất ông bà để lại. Lúc đó nơi này còn thưa thớt lắm, đất rộng mênh mông, gieo trồng suốt mà vẫn không đủ ăn, phần thì do thời tiết, phần thì bị bọn địa chủ cướp hết. Mẹ lấy bố sinh ra các con, dần dần nơi này được khai khẩn, đồng lúa màu mỡ, ngặt nỗi bom đạn Mỹ dội xuống phá hết. Bây giờ đất nước không còn chiến tranh, cuộc sống không vất vả khó khăn như trước. Nhưng cả đời mẹ ở đây, còn mồ mả ông bà và bố con nữa thì đi sao cho đành.

Cô con gái im lặng. Bà Ngạn ngồi nhai trầu, mắt nhìn theo đàn đom đóm bay vòng quanh sân. Một lát sau cô con gái lên tiếng:

- Mẹ ở như thế này chúng con lo lắm. Mẹ bán nhà, lấy tiền giúp cho anh Hai để có vốn làm ăn và nuôi các cháu, còn mẹ lên ở với tụi con. Dù sao ở thành phố khi đau ốm vẫn hơn ở đây mẹ ạ!

Nghĩ đến cuộc sống khổ cực của thằng Hai, bà Ngạn nuốt nước mắt cắt ruột bán nhà.

Mấy bữa nay vợ chồng Ngân đi luôn, bà cảm thấy buồn. Sống đã quen với công việc đồng áng. Ở đây bà chỉ quanh quẩn trong nhà nấu cơm, rửa chén… công việc chỉ có thế, nhiều hôm không có gì làm, bà ngồi hàng giờ nhìn lên bàn thờ ông Ngạn, thằng Ba. Đôi lúc bà thèm nghe một tiếng gà gáy sáng, thèm mùi khói rạ. Thèm thì thèm như vậy, chứ bà biết ở đây tìm đâu ra. Đồng hồ điểm tám giờ, bé Thùy vẫn còn ngủ, bà vào lay nó dậy. Hai bà cháu mỗi người một việc. Bé Thùy ngồi vào cái bàn nhỏ nhắn, miệng đọc từng con số, còn bà ngồi trước cửa khâu lại chiếc áo búp bê cho nó, chốc chốc bà quay lại mỉm cười bảo: "Học giỏi đi, rồi bà thưởng cho".

Bé Thùy vươn vai chạy lại bên bà Ngạn hỏi: "Bà khâu cho cháu xong chưa?".

- Xong rồi đây!

Bé Thùy cầm chiếc áo nhỏ xíu nhìn bà thầm cảm ơn. Nó quỳ gối gỡ mái tóc bà. Cháu nhổ tóc sâu cho bà nhé!

Bà Ngạn ôm chặt nó nựng yêu. Ừ, cháu nhổ đi.

Con bé nhổ từng sợi tóc trắng đặt lên tay bà. Nó luôn miệng xuýt xoa.

- Tóc bà trắng quá. Bà đừng suy nghĩ nhiều, ba con nói ai nghĩ nhiều là tóc mau bạc lắm.

- Thùy này - bất chợt bà ngẩng đầu hỏi - Cháu có thương cậu Hai không?

Con bé gật đầu - Cháu thương cậu Hai lắm, cậu bị mất một chân mà còn làm việc nhiều nữa cơ.

- Vậy cháu có thương mấy anh chị con cậu Hai không?

- Có. Nhưng cháu sợ - Con bé ngập ngừng.

- Tại sao? - Giọng bà như lạc hẳn đi, đắng nghét.

- Hai anh chị ấy không giống như…

Con bé thấy bà Ngạn ngồi im lặng bất động, nó không dám nói thêm nữa. Nó ôm chặt cổ bà: "Cháu xin lỗi, bà đừng buồn".

                                                              ***

Tin đất nước được giải phóng, bà Ngạn vừa mừng vừa nơm nớp lo âu. Sáng nào bà cũng ra đường lộ, chờ những chuyến xe khách ngang qua. Những đứa con trai của bà vẫn chưa về.

Một sáng tinh mơ, có tiếng gọi cửa: "Mẹ ơi, con đây!". Bà Ngạn giật mình run bắn người. Phải khó khăn lắm bà mới mở được chốt cửa. Bà không tin vào mắt mình. Đúng là thằng Hai đang đứng trước mặt bà. Nó lớn hơn bà tưởng nhiều. Thân hình gầy đen trong bộ quần áo màu xanh, đầu đội mũ tai bèo, hai tay cặp đôi nạng gỗ. Bà ôm chầm lấy con, suýt vấp phải bậc thềm. Bà nức nở, nghẹn ngào sờ vuốt khắp khuôn mặt con. Anh con trai đỡ bà vào trong nhà, hai mẹ con ngồi chuyện trò đến tận sáng.

Có thằng Hai, bà thấy căn nhà ấm áp hẳn ra. Bao nhiêu việc nó giành làm hết. Nhà bị dột, thằng Hai đi sửa. Nó bắc cái thang lên mái nhà, hai tay vịn vào thành thang nhấc chân lên từng bậc. Bà đứng ở dưới lo lắng. Anh con trai nhìn xuống cười: "Mẹ chớ sợ, ở đại đội những việc này con làm hết".

Tuy vậy, trong lòng bà vẫn thắc thỏm trông tin thằng Ba. Bà nhớ nó lắm. Những ngày còn bé, nó là đứa thông minh, nhưng yếu đuối. Bà dồn tình thương cho nó nhiều nhất. Ngày nó ra đi bà không dám khóc, chỉ ứa ứa rồi cố nuốt vào trong. Thằng Ba nhìn bà vui vẻ động viên: "Anh Hai đi rồi, con đi nữa, mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, khi nào hòa bình chúng con sẽ về". Thỉnh thoảng nó đi công tác có ghé thăm bà, chỉ trong chớp nhoáng rồi lại đi. Nhớ thương con, đêm nào bà cũng khóc.

Một hôm, ở ngoài đồng về, trông thấy ông Phan là người trên xã, bà Ngạn linh cảm có điều chẳng lành. Ông Phan giọng ấp úng, ngập ngừng:

- Chị Ngạn… cháu Dũng… hy sinh rồi.

Chân tay bà Ngạn run lẩy bẩy. Con Ngân phải đỡ, bà mới ngồi được xuống phản ngựa. Bà không khóc. Nỗi đau đã không thốt được thành lời.

Bà Ngạn nằm liệt giường suốt một tuần.

Rồi thằng Hai lấy vợ. Vợ cùng là lính nên chúng nó có sự đồng cảm thương yêu nhau hơn. Bà lấy làm mừng. Hai vợ chồng nó xin ra ở riêng. Được bao nhiêu tiền dành dụm bà cho vợ chồng nó hết. Nghe tin con dâu sắp sinh, bà chuẩn bị một túi xách thật to đựng nào nếp, trứng, trái cây… bắt chuyến xe đi thật sớm. Bước thấp bước cao, từ ngoài ngõ bà gọi to: "Cháu bà đâu rồi". Gặp thằng Hai ngồi lặng lẽ. Bà rùng mình bước lại bên con. Anh con trai nhoài người ôm bà, đôi vai anh run run theo tiếng nấc: "Mẹ ơi cháu của mẹ…". Bà bồng đứa cháu lên. Nó khác với những đứa bé bình thường. Thân hình nhỏ xíu, chân tay cong quặt, có nhiều đốm đen trên mặt. Người ta nói đấy là hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ rải xuống trong chiến tranh.

Sau một thời gian sống trong buồn rầu, vợ thằng Hai lại mang thai lần nữa, bà Ngạn ngày đêm cầu nguyện cho đứa cháu sau chẳng bề gì. Vợ thằng Hai sinh. Đó là một bé gái thân hình bèo nhèo yếu ớt, môi hở ra. Bà nhìn đứa cháu không nói được lời nào. Vợ chồng thằng Hai sống trong nỗi đau đớn. Bà Ngạn thương con, thương cháu, nhưng đành bất lực.

                                                           ***

Bà Ngạn bưng rổ rau ra ngoài lặt. Bỗng có tiếng gọi cửa. Một người thanh niên trạc tuổi thằng Hai, người gầy, xanh xao, tay xách cái ba lô cũ mèm. Anh ta lễ phép cúi chào bà.

- Cháu tìm ai vậy? Bà Ngạn hỏi.

- Dạ, cháu tìm nhà cô Ngân.

- Nhà Ngân đây, nhưng nó đi dạy rồi.

Người thanh niên bước vào nhà, đặt chiếc ba lô xuống giường, đi thẳng đến bàn thờ, lát sau quay lại, nhìn bà Ngạn, giọng run run:

- Mẹ ơi, mẹ không nhớ con sao?

Bà Ngạn nhìn người đứng trước mặt mình, ngờ ngợ như đã gặp ở đâu rồi, nhưng không nhớ ra.

- Con là Hùng bạn của Dũng đây mà mẹ. Lúc tụi con đi công tác, có ghé thăm nhà. Đêm đó, mẹ đã nấu một nồi khoai cho chúng con ăn. Mẹ còn dặn, chúng con phải thương yêu và chiến đấu cho thật tốt.

- À mẹ nhớ ra rồi. Bà Ngạn vui mừng bám chặt vào cánh tay của Hùng: "Thằng Dũng hy sinh mà vẫn không tìm thấy xác hả con?".

Hùng ngồi xuống ghế và bắt đầu kể:

- Trên đường công tác, chúng con gặp địch phục kích. Trời tối, vất vả lắm chúng con mới trèo qua được một tảng đá lớn nép người trong một cái hốc. Chờ trời tờ mờ sáng, chúng ngừng bắn, con và Dũng mới ra khỏi chỗ nấp. Tưởng mọi chuyện đã yên. Nhưng khi đi qua một bụi cây, như có linh cảm gì đấy, Dũng bảo con hãy giữ tập tài liệu, còn Dũng đi dò đường. Bỗng nghe tiếng mìn nổ như tung cả trời đất. Người con lạnh toát. Dũng thì nằm sấp, ngực đầy máu. Con cố đưa Dũng qua con suối nhỏ, để Dũng yên nghỉ dưới gốc cây lớn, sau này tìm khỏi bị lạc. Sau đó, con bị bom, hỏng một con mắt phải nằm điều trị ở bệnh viện quân y mấy năm. Cho tới năm ngoái con có về làng, được biết mẹ đã lên đây ở với Ngân. Anh nắm lấy bàn tay gầy của bà Ngạn nói trong nước mắt: "Con có lỗi với mẹ, có lỗi với Dũng. Từ ngần ấy thời gian mà con không báo cho mẹ biết phần mộ Dũng nằm đâu".

Bà Ngạn lắc vai Hùng - "Con nói thật chứ. Vậy là mẹ an tâm nhắm mắt được rồi". Nói xong bà Ngạn bước lại bàn thờ thắp nhang. Hùng đứng sau lưng bà, mắt nhìn tấm ảnh. Bà Ngạn với tay lấy khung hình xuống, cầm vạt áo lau tấm hình qua lớp kính. Bà nói như với chính mình: "Ngày mai, mẹ sẽ đưa con về với đồng đội của con, rồi mẹ sẽ về quê. Ở đấy anh Hai và các cháu đang cần mẹ, con ạ".

Trong tấm hình, đôi mắt Dũng như mỉm cười với bà, với Hùng. 

. Đ.T.Q.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu văn học  (28/01/2005)
Mùa xuân mùa hoa cải  (27/01/2005)
Góp sắc cho Xuân   (25/01/2005)
Thời sự Văn nghệ  (25/01/2005)
Bước theo Đảng thủy chung son sắt   (24/01/2005)
Hoa mai, linh hồn của mùa xuân đất Việt   (23/01/2005)
Tết sớm  (21/01/2005)
Dấu thời gian" trên "mặt cát" *  (21/01/2005)
Thơ: Hồ Thế Phất, Phương Nghi, Khổng Vĩnh Nguyên  (21/01/2005)
Mùa xuân nhớ khúc đồng dao   (20/01/2005)
Thời sự Văn nghệ   (20/01/2005)
Xuất xứ bức chân dung Cụ Đồ Chiểu  (19/01/2005)
Thư pháp ngày xuân   (18/01/2005)
Sân khấu truyền thống: Vào mùa lưu diễn  (18/01/2005)
Con gà đi ngược ca dao  (17/01/2005)