Bức tranh gà dân gian
16:7', 30/1/ 2005 (GMT+7)

Nhà thơ Tú Xương - nhà thơ trào phúng nổi tiếng của nước ta - trong bài thơ "Xuân" đã viết: "Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà".

Gà trống gáy sáng - tranh dân gian Đông Hồ

Hai câu thơ vừa giàu hình tượng dân gian, vừa mang nội dung thực tế, hóm hỉnh, yêu đời. Tác giả ca ngợi pháo chuột và tranh gà, là một trong những nhu cầu không thể thiếu được của người Việt Nam trước đây trong dịp Tết đến: nó được liệt vào hàng "danh mục" ngày Tết cùng nhiều thứ khác, như "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh".

Riêng bức tranh gà mà tác giả nêu lên ở đây trông đến "om sòm", vui mắt quá! Bởi vì nó rực rỡ giàu sắc màu; và cũng bởi vì nó đẹp- đẹp ở hình tượng sinh động có ý nghĩa với đời; đẹp ở cách diễn tả, vừa thực vừa được cách điệu phong phú.

Hãy nhìn con gà trong bức tranh "Con gà trống gáy sáng". Hình dáng của nó thật oai vệ, chân trái dựa nhẹ bên khóm trúc, chân phải đặt lên mỏm đá mấp mô, toàn thân như đang trườn lên phía trước, đầu ngẩng cao, mất mở to, ức ưỡn ra, đuôi xòe rộng. Đó là lúc gà đang chuẩn bị cất tiếng gáy chào buổi bình minh đẹp nắng. Dáng điệu ấy cộng với màu sắc rực rõ của lông, của đuôi, của cánh, của bối cảnh thiên nhiên bao quanh… tạo nên một bản hòa tấu hùng dũng, hỗ trợ cho gà đang đóng một vai trò quan trọng trong đám gà đàn của mình, trong cái giây phút "báo thức" thiêng liêng mà chỉ có nó mới có được cái diễm phúc ấy trong đời sống của người Việt Nam.

Thiên nhiên thật là thiết yếu. Nó quyện chặt vào người như da với thịt, vì vậy trong hầu hết các tranh, người ta thường tô điểm cho "nhân vật chính" của bức tranh bằng mây, trăng, nước, bướm, chim, cỏ cây, lá, hoa… Nhiều khi cái thiên nhiên ấy chỉ mang tính chất trang trí nhưng cũng nói lên được sự gắn bó chặt chẽ giữa nó và người, vật như thế nào.

Em bé ôm gà - tranh dân gian Đông Hồ

Đó là chưa kể một công thức nghệ thuật khác: khi vẽ gà thì vẽ kèm hoa cúc (còn vẽ vịt thì kèm hoa sen) - theo phương ngôn "cúc kê, liên áp" nghĩa là cúc gà, sen vịt. Có người bảo đó là từ cái ý mang nội dung thực tiễn: gà là giống vật thường kiếm mồi quanh bụi cúc trong vườn nhà; còn vịt thì thích bơi lội dưới hồ sen trước ngõ; lại có người bảo một cách thực dụng hơn: thịt gà ướp với cúc; thịt vịt nhồi hạt sen thì sẽ ngon, bổ tuyệt, do vậy mà có hình tượng trên. Dù sao đi nữa, thêm cúc và sen (hoặc hoa, hoặc lá) vào tranh gà chẳng những không làm giảm giá trị nghệ thuật mà còn tăng thêm ý nghĩa của bức tranh.

Bức tranh "Gà mẹ gà con" hay "Gà đàn", với nhiều cách diễn tả khác nhau là một trong những loại tranh gà đẹp nhất còn giữ lại cho đến nay. Trên tranh, con gà mái lớn đang ngậm con ong, đang hiền từ, chăm chút các con. Mười chú gà đứng quanh gà mẹ: con đang rỉa lông, con đang đùa chạy, con nấp dưới bụng mẹ… Mỗi con mỗi vẻ khác nhau, như dường như tất cả đang hướng về một phía, phía miếng mồi của gà mẹ vừa kiếm được. Hai chân gà mẹ giang ra chịu đựng sức nặng của hai chú gà con đang đứng trên lưng, đồng thời cũng chuẩn bị giữ thế trước sự giành mồi của các con gà, sắp bổ nhào tới. Ngoài cái ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có, no đủ, bức tranh còn toát ra một "mối tình mẫu tử" thiêng liêng, một sự đoàn tụ sum vầy của gia đình gà. Đặc biệt, bố cục tranh khá chặt chẽ, giàu nhịp điệu. Sự sắp xếp chỗ đứng của từng con gà rất được chú ý, khiến người xem thấy được ngay cái rộn ràng, vui vẻ của đàn gà. Cạnh đó, một số con được vẽ công phu, có sự nghiên cứu cẩn thận (như con ở góc trên cùng và ở góc cuối cùng bên phải bức tranh): cái lối xòe đôi cánh, cái lối choãi chân, quay nghiêng đầu, uốn thân mình… trông vừa thực, vừa cách điệu, giàu nghệ thuật.

Có tranh "Gà đàn" thì cũng có tranh "Lợn đàn", cũng như có tranh "Em bé ôm vịt" thì cũng có tranh "Em bé ôm gà". Tranh dân gian luôn giữ cái thế đăng đối: đăng đối ý, đăng đối hình tượng và đăng đối cả khi treo tranh.

Với "Em bé ôm gà" (dân gian gọi là bức "Vinh hoa"), cái khỏe cái mạnh của em bé không chỉ được diễn tả ở da thịt nở nang, hồng hào mà còn ở cách ôm gà (hoặc ôm vịt) của em bé. Tay này, bé đè chặt con gà vai nổi cao, cánh tay đưa thẳng xuống, tay kia giữ cái ức con vật kéo lại. Mình bé hơi vặn theo chiều của con vật đang cố trườn lên phía trước, như đang cố tung cánh thoát thân. Đầu gà ngẩng cao, mắt sáng lên, hai chân dạng mạnh đạp xuống đất, đuôi chổng lên trời… song dường như gà hoàn toàn bất lực trước sức mạnh và sự điềm tĩnh chủ động của em bé. Sự vùng vẫy của gà đối lập với sự yên vui, hồ hởi tiềm tàng ở em bé tạo nên một nội dung mang ý nghĩa tâm lý, có kịch tính.

Gà mẹ và gà con - tranh dân gian Đông Hồ

Trong bức tranh "Đại cát", gà được dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may. Hình ảnh chú gà trống oai vệ, hùng dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho 5 đức tính tốt của nam giới (người quân tử): tính văn (mào đỏ tựa như mũ cánh chuồn), tính vũ (cựa gà), tính dũng (không sợ địch thủ), tính nhân (kiếm ăn theo đàn, cùng với đồng loại), tính tín (gáy báo giờ chính xác). Do vậy, chú gà trống măng tơ được miêu tả vừa chạy, vừa kêu cục tác, trông no nê, tràn đầy sức sống. Đuôi chú tủa ra như đám cỏ hoa trước gió; cánh chú xòe nhẹ với hàng lông đẹp tựa lưỡi kiếm; đầu ức của chú một màu vàng mỡ màng dễ ưa. Chỉ một mình gà thôi nhưng không vắng lặng chút nào. Dáng chạy nhanh nhanh ấy, cách diễn tả lông đuôi lông cánh ấy lại thêm cái màu vàng rực ấy… tất cả đã tạo ra một sức xao xuyến ngập tràn, một biểu tượng cho sự thịnh vượng của đất nước, của con người. Từ lâu, con gà "Đại cát" đã đi vào lòng người Việt Nam như một lời chúc, mang ý nghĩa nghênh xuân, một ý cổ động và được lặp lặp lại trong nhiều tranh khác. Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" là vậy!

Ngày xuân, cảnh vật như được hồi sinh sau mùa đông rét giá, cây cối đâm chồi nảy lộc, mọi người tin rằng việc tốt hay xấu xảy ra ở ngày Tết sẽ có ảnh hưởng cả năm, cho nên, được một lời chúc hay có một hình ảnh tươi vui trong mấy ngày xuân, thì rất có giá trị. Do vậy, tranh gà cũng là một loại tranh chúc tụng của ghi nhận vào trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam.

Từ cảm hứng đó, nhà thơ Hoài Anh đã có bài thơ về "Bức tranh Gà" như sau:

Khuôn tranh làng Hồ

Thơm mùi gỗ thị

Vỏ xơ mướp khô

Vuốt trên giấy bản

Sắc màu đã tô

Bác thợ lật giấy

Con gà đứng dậy

Ô sao bỗng thấy

Mắt gà chớp nhanh

Mắt bác không chớp.

Cái mào lửa cháy

Cổ vươn tiếng gáy

O o bình minh

Chân vàng sừng sững

Đầu gà như phượng

Đuôi xòe đuôi trĩ

Mình tựa mình công

Sống hơn gà sống

Nòi gà để lại

Từ đời cha ông

Ấp bằng hơi thở

Nuôi bằng tấm lòng

Tấm lòng ngàn xưa.

Ngàn sau nở mãi

Trẻ như cô gái

Khỏe như lúa đồng

Con gà xòe lông

Bảy màu cầu vồng

Màu đen than cói

Màu xanh gỉ đồng

Màu lam lá chàm

Màu vàng hạt dành

Màu trắng chất điệp

Vỏ sò vỏ hến

Quê bờ biển xanh

Như còn long lanh

Bao mùa xuân qua

Để màu hồng lại

Sông núi cho xanh

Hồn nước sống mãi

Con gà đứng canh

Bác thợ ngắm tranh

Thấy lòng vỗ cánh

Thấy đời lại xanh

Ôi người nghệ sĩ

Tên là dân gian

Góp cùng trời đất

Con gà Việt Nam

Gà từ trong tranh

Gà ra cuộc đời

Gáy lên! Gà ơi!

 

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giọt nước mắt chảy ngược  (28/01/2005)
Phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu văn học  (28/01/2005)
Mùa xuân mùa hoa cải  (27/01/2005)
Góp sắc cho Xuân   (25/01/2005)
Thời sự Văn nghệ  (25/01/2005)
Bước theo Đảng thủy chung son sắt   (24/01/2005)
Hoa mai, linh hồn của mùa xuân đất Việt   (23/01/2005)
Tết sớm  (21/01/2005)
Dấu thời gian" trên "mặt cát" *  (21/01/2005)
Thơ: Hồ Thế Phất, Phương Nghi, Khổng Vĩnh Nguyên  (21/01/2005)
Mùa xuân nhớ khúc đồng dao   (20/01/2005)
Thời sự Văn nghệ   (20/01/2005)
Xuất xứ bức chân dung Cụ Đồ Chiểu  (19/01/2005)
Thư pháp ngày xuân   (18/01/2005)
Sân khấu truyền thống: Vào mùa lưu diễn  (18/01/2005)