Cần xác minh, giải quyết việc công nhận liệt sĩ cho ông Thái Văn Bảy
15:55', 5/11/ 2004 (GMT+7)

Ông Thái Văn Bảy, một cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, trong khi làm nhiệm vụ bị địch bắt, tra tấn đến chết. Hồ sơ đề nghị truy phong liệt sĩ cho ông Thái Văn Bảy đã được gia đình, xã và huyện hoàn chỉnh gửi lên trên. Nhưng chỉ vì ý kiến của một người dân địa phương chưa đồng tình, việc truy phong liệt sĩ cho ông Thái Văn Bảy đã bị "nghiên cứu" 8 năm nay chưa giải quyết xong…

* Trường hợp hy sinh của ông Thái Văn Bảy

Ông Thái Văn Bảy sinh năm 1948 ở thôn Cát Tường, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Trong kháng chiến chống Mỹ gia đình ông Bảy có 3 người tham gia bộ đội và có 2 người trong số này đã hy sinh và được công nhận là liệt sĩ. Từ những năm 1960 cho đến khi giải phóng, địa bàn xã Mỹ Thọ là vùng căn cứ địa cách mạng của khu vực đông Phù Mỹ. Với truyền thống gia đình như thế, việc ông Thái Văn Bảy sớm trở thành cơ sở cách mạng gần như là một điều tất yếu. Năm 1964, ông Thái Văn Bảy được chi bộ và Đội công tác vũ trang xã Mỹ Thọ giao nhiệm vụ làm liên lạc, tiếp tế cho cán bộ cơ sở, bám đường, bám địch để báo cáo cho cán bộ cách mạng vạch kế hoạch đi lại hoạt động và đánh địch.

Ngày 30-7-1964, ông Bảy thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình địch ở trung tâm xã sau đó đi báo cho Đội công tác vũ trang xã. Khi trở về đến khu vực Suối Cạn thì bị bọn dân vệ ác ôn phục kích bắt được, đánh đập tra tấn một cách dã man ngay tại chỗ để tìm chỗ ở của cán bộ nhưng ông Bảy không khai báo gì. Đến khi ông Bảy ngất xỉu, bọn ác ôn bỏ đi thì cán bộ và nhân dân đưa ông về gia đình cứu chữa, nhưng do tổn thương quá nặng, máu liên tục trào ra miệng, hai ngày sau (ngày 2-8-1964), ông Thái Văn Bảy qua đời mới 16 tuổi.

* Tại sao ông Thái Văn Bảy chưa được công nhận liệt sĩ?

Sau giải phóng, do cha mẹ ông Bảy quá già yếu, anh em hai người đã hy sinh, người anh còn lại công tác xa nên không có ai khai báo trường hợp hy sinh của ông Thái Văn Bảy để Nhà nước công nhận liệt sĩ. Mãi đến năm 1994, khi người anh cả của ông Bảy là Thái Đình Hoàng nghỉ hưu, và 2 người cháu gọi ông Bảy bằng chú là Thái Bình Trọng Thanh và Thái Minh Châu (hiện công tác tại Công an Gia Lai) khôn lớn mới tiến hành khai báo, làm hồ sơ thủ tục liệt sĩ cho ông Bảy. Những người lãnh đạo tổ chức Đảng và Đội công tác vũ trang xã Mỹ Thọ lúc bấy giờ đồng thời là những người trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Bảy như ông Nguyễn Thanh Hùng, ông Trương Công Thiết; và những người là cơ sở cách mạng cùng lúc với ông Bảy như ông Phan Mến, Nguyễn Ngôi, bà Trần Thị Bỉ đều có văn bản xác nhận trường hợp hy sinh của ông Bảy như đã nói ở trên.

Căn cứ vào các văn bản xác nhận này, năm 1995, Đảng ủy, UBND và các đoàn thể nhân dân xã Mỹ Thọ, UBND huyện Phù Mỹ đã tiến hành làm các thủ tục theo quy định, đề nghị Nhà nước công nhận ông Thái Văn Bảy là liệt sĩ, đề nghị cấp giấy chứng nhận hy sinh và giải quyết quyền lợi cho gia đình liệt sĩ. Đầu năm 1996, hồ sơ liệt sĩ Thái Văn Bảy được gởi lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhưng thật bất ngờ, đúng lúc này có một người dân ở Mỹ Thọ có ý kiến thắc mắc về trường hợp hy sinh của ông Bảy với UBND xã. Thế là việc công nhận liệt sĩ cho ông Bảy phải dừng lại. Tháng 3-1996, gia đình ông Bảy gởi toàn bộ hồ sơ và đơn khiếu nại đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngày 4-4-1996 Bộ chuyển đơn và hồ sơ về cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định giải quyết. Trong đơn kiến nghị mới đây của anh Thái Minh Châu, anh Châu cho biết từ đó đến nay gia đình mòn mỏi chờ đợi nhưng chẳng có một hồi âm nào rằng chú của anh (ông Thái Văn Bảy) có được công nhận là liệt sĩ hay không?

Trong việc xác lập hồ sơ để truy phong liệt sĩ, nếu có ý kiến chưa đồng tình thì dừng lại để kiểm tra làm rõ là cần thiết. Nhưng đối với trường hợp ông Thái Văn Bảy đã được những người và cơ quan liên quan xác nhận một cách rõ ràng, minh bạch; nhưng chỉ vì ý kiến chưa đồng tình của một người mà phải dừng lại, và suốt trong 8 năm qua các cơ quan chức năng vẫn xác minh chưa xong thì quả là không bình thường. Đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần xem xét trường hợp này, trả lời cho gia đình, thân nhân của ông Thái Văn Bảy.

. C.N

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lấn chiếm xây cất nhà trái phép ở một đìa làng  (22/10/2004)
Có được phép xây dựng nhà "siêu mỏng" ở mặt phố?   (19/10/2004)
Thư đi - Tin lại:   (14/10/2004)
Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh tiếp thu ý kiến phản ảnh của Báo Bình Định   (11/10/2004)
Đề nghị tạm hoãn thi hành án "lộn sân"   (03/10/2004)
Một trường hợp đối tượng chính sách không nhận "nhà tình thương": Nghĩa tình chưa trọn  (29/09/2004)
Hãy để cho "dân bàn"   (24/09/2004)
Vụ "Cây xăng vừa hoàn thành đã trùm mền": Cẩn thận khi "chơi" với B "phẩy"   (10/09/2004)
Xóm núi bị lũ  (31/08/2004)
Vì sao công trình xây dựng Nhà truyền thống Chi bộ Cửu Lợi chậm hoàn thành?   (24/08/2004)
Vì sao công trình xây dựng Nhà truyền thống Chi bộ Cửu Lợi chậm hoàn thành?   (24/08/2004)
Chính quyền "nhầm", dân khổ!   (18/08/2004)
Thư đi - Tin lại  (16/08/2004)
Kết quả kiểm tra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bình Định   (09/08/2004)
Đến với những mảnh đời bất hạnh ở Bình Định  (08/08/2004)