Báo Bình Định số 2309 ra ngày 20-10-2004 có đăng bài "Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Phước Mỹ" của tác giả Triều Châu, đề cập đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phước Mỹ do Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Duyên Hải 2 (viết tắt NMDH2) thuộc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Duyên Hải gây ra.
Ngày 25-10-2004, ông Đoàn Văn Trang, Giám đốc DNTN Duyên Hải có văn bản số 467/CV/DH04 gởi đến Ban Biên tập Báo Bình Định "đề xuất xem xét lại bài báo" nói trên vì cho rằng "tác giả bài viết đã có một số thông tin thiếu chính xác, không nắm rõ tình hình sự việc".
Ngày 4-11-2004, Ban Biên tập Báo Bình Định đã cử phóng viên về Phước Mỹ làm việc với chính quyền và lãnh đạo DNTN Duyên Hải để làm rõ thêm về sự việc này.
* Lãnh đạo xã Phước Mỹ: Duyên Hải gây ô nhiễm!
|
Phóng viên Báo Bình Định (thứ hai từ trái sang) làm việc với lãnh đạo xã Phước Mỹ |
Tại trụ sở UBND xã nằm sát ngay NMDH2, tiếp và làm việc với phóng viên có các ông: Phạm Thanh Châu, Chủ tịch HĐND xã; Phạm Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ thường trực Đảng ủy xã; Trương Văn Lý, Chánh văn phòng và Trần Hữu Y, cán bộ phụ trách công tác môi trường của xã; Nguyễn Minh Chánh, thôn trưởng thôn Thanh Long (NMDH2 nằm trên địa bàn thôn Thanh Long); Nguyễn Thái Nhân, Hiệu phó Trường PTCS Phước Mỹ. Sau khi đọc kỹ lại nội dung bài báo và văn bản số 467/CV/DH04 của DNTN Duyên Hải, tất cả các cán bộ nói trên của xã Phước Mỹ đều khẳng định bài báo đã phản ảnh một cách chính xác tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương do NMDH2 gây ra, và đây cũng là kiến nghị từ lâu của cán bộ, nhân dân xã Phước Mỹ. Ông Phạm Thanh Châu cho rằng nội dung bài báo hoàn toàn có tính chất xây dựng. DNTN Duyên Hải không nên chủ quan mà cần rút kinh nghiệm để có sự hợp tác tốt hơn với chính quyền và nhân dân địa phương, xây dựng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.
Ông Phạm Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ, thường trực Đảng ủy nói rằng cán bộ, nhân dân của xã rất hoan nghênh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở trên địa bàn xã nhưng đề nghị các doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, không được gây thiệt hại cho dân. Các cán bộ lãnh đạo xã có mặt trong buổi làm việc với phóng viên cho rằng các chi tiết mà tác giả Triều Châu mô tả trong bài báo về sự ô nhiễm môi trường do nước luộc gỗ, bụi khói và tiếng ồn do NMDH2 thải, gây ra là đúng với thực tế, không cường điệu và đang là nỗi bức xúc của nhân dân Phước Mỹ, nhất là nhân dân thôn Thanh Long và thầy, trò Trường THCS Phước Mỹ. Chỉ riêng chi tiết khi cơn bão số 2 (ngày 12-6-2004) xảy ra, khuôn viên nhà máy bị ngập nước làm vỡ tường rào tràn ra ngoài gây thiệt hại cho dân chỉ là nước mưa, nước lũ (không có nước thải vì lúc này nhà máy chưa sản xuất), xã thừa nhận DNTN Duyên Hải đã đền bù thỏa đáng cho dân, vì tuy là thiên tai nhưng có nguyên nhân trực tiếp do sự cố vỡ tường rào của nhà máy.
* Lãnh đạo doanh nghiệp: Duyên Hải rất chú trọng bảo vệ môi trường
Tiếp phóng viên tại văn phòng làm việc NMDH2 là ông Đỗ Đình Hải, Phó giám đốc DNTN Duyên Hải. Ông Hải cho biết DNTN Duyên Hải là đơn vị đầu tiên vào KCN Long Mỹ, và đầu tư với quy mô lớn trong khi hạ tầng kỹ thuật của KCN còn sơ sài, đặc biệt là hệ thống thoát và xử lý nước thải chung của KCN chưa có. Tuy bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khi NMDH2 đi vào sản xuất, doanh nghiệp đã rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Ống khói của các lò sấy hiện cao 18m, có hệ thống xử lý màng nước đúng quy chuẩn và chỉ tuôn khói đen ở giai đoạn đốt lò, giai đoạn tăng nhiệt (khoảng trên 30 phút/ngày), còn bình thường chỉ có khói trắng hoặc không có khói. Còn hệ thống xử lý nước thải, theo ông Hải, doanh nghiệp đã thuê Công tư tư vấn Công nghệ môi trường MTC (Bình Định) xây dựng hệ thống xử lý nước thải với kinh phí 200 triệu đồng và mỗi tháng tốn khoảng 10 triệu đồng để xứ lý nước thải, hiện nước thải của nhà máy thải ra môi trường theo ông Hải là đạt cấp độ B, đúng với quy định. Ông Đỗ Đình Hải cho rằng NMDH2 không gây ô nhiễm môi trường đến mức nghiêm trọng như ý kiến của một số người dân chung quanh nhà máy.
Như vậy là ý kiến giữa hai bên: lãnh đạo, nhân dân xã Phước Mỹ và lãnh đạo DNTN Duyên Hải trái ngược nhau. Cán bộ và nhân dân xã Phước Mỹ thì căn cứ vào thực tế những gì đang diễn ra chung quanh mình để cho rằng NMDH2 đang gây ô nhiễm môi trường. Còn DNTN Duyên Hải thì dựa vào chủ quan, cho rằng mình đã thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, bụi, khói và nước thải do nhà máy thải ra không gây hại đến môi trường, không thể gây bệnh cho người và làm chết gia súc, gia cầm. Khi ý kiến hai bên khác nhau như thế, rất cần sự phân định của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.
* Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường: Duyên Hải có gây ô nhiễm
Khi đầu tư vào KCN Long Mỹ, NMDH2 đã lập Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và đã được cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường (lúc đó là Sở KH&CN), cấp phiếu xác nhận số 526/KHCNMT ngày 20-8-2003. Tại phiếu xác nhận này, Sở KH-CN&MT đã yêu cầu NMDH2 chỉ được sản xuất sau khi đã xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh các hạng mục công trình xử lý ô nhiễm môi trường (bụi, khói, nước thải). Thiết kế các hạng mục xử lý ô nhiễm môi trường phải được Sở thẩm định, đồng thời xác nhận việc vận hành hệ thống xử lý đảm bảo yêu cầu khi xây dựng hoàn toàn các hạng mục. Thế nhưng, theo ông Hồ Quang Mươi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì NMDH2 đã hoạt động cả năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện các yêu cầu trên, làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân trong khu vực. Ông Hồ Quang Mươi cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chính thức yêu cầu DNTN Duyên Hải phải thực hiện nghiêm túc những cam kết của mình tại Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và những yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường tại phiếu xác nhận, đặc biệt là vấn đề xử lý khói thải, nước thải trong quá trình sản xuất, gởi báo cáo về việc thực hiện cho Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15-11-2004. Sau thời hạn này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra và sẽ có kết luận.
Kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ là câu trả lời thỏa đáng đối với cán bộ, nhân dân Phước Mỹ cũng như lãnh đạo DNTN Duyên Hải, rằng NMDH2 có gây ô nhiễm môi trường hay không. Chúng ta hãy cùng chờ cơ quan quản lý Nhà nước thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình.
. Cao Năm
Bà Huỳnh Thị Hường (ở xóm 5, thôn Thanh Long): Cuối năm 2003 sau khi Nhà máy chế biến gỗ (Công ty TNHH Duyên Hải 2) đi vào hoạt động, bà con chúng tôi phải hứng chịu ngay hậu quả của sự ô nhiễm môi trường, nhất là khi nhà máy bắt ống nước thải cho chảy ra con mương thoát nước mưa. Hàng ngày, nước thải đen thui, thối không thể chịu được cứ vậy mà chảy. Giếng nước ở đây đều đã bị ô nhiễm hết. Cả hệ thống thủy lợi cũng bị ô nhiễm luôn.
Ông Lê Xuân Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ: Chứng kiến trực tiếp mới thấy hết bầu không khí ở thôn Thanh Long đã ô nhiễm rất nặng. Cử tri của xã đã nhiều lần có kiến nghị với huyện, tỉnh; UBND xã cũng đã phản ảnh tình trạng này cho Ban quản lý các KCN và đề nghị họ lên kiểm tra nhưng chưa thấy trả lời. Nhà máy sản xuất thì rất cần. Nhưng sức khỏe của nhân dân cũng cần được bảo vệ, chúng tôi đề nghị phải sớm có giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường. Cứ để thế này mãi, dân khổ lắm. Ngồi làm việc tại trụ sở UBND xã, hít phải khói thải có mùi khét lẹt của nhà máy, ngay cả tôi cũng bị nghẹt mũi liên tục, mà đó là nhà máy chưa hoạt động hết công suất đấy!. | |