Việc đền bù thiệt hại ở Khu quy hoạch dân cư Bông Hồng có đúng pháp luật ?
9:22', 10/12/ 2004 (GMT+7)

Một góc khu quy hoạch Bông Hồng

Vừa qua, Báo Bình Định có nhận được thư của 6 hộ các ông Lâm Bình Tân, Nguyễn Đình Danh, Trần Văn Hữu, Vũ Đình Mai, Nguyễn Ngọc Cường, Nguyễn Hồng Minh, đều thường trú tại tổ 26, Khu vực 3, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, phản ảnh: Năm 2000, TP Quy Nhơn có chủ trương quy hoạch lại khu dân cư Bông Hồng (thuộc phường Ghềnh Ráng), cả 6 hộ nói trên đều nằm trong khu quy hoạch phải giải tỏa. Song, trong quá trình thực hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư -xây dựng (QLDAĐT&XD) thành phố đã không tuân thủ đúng các quy định pháp luật, có nhiều sai sót, gây thiệt hại đến quyền lợi và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể, các hộ trên cho rằng: Ban QLDAĐT&XD đã không thông báo chủ trương trước khi quy hoạch; chưa thực hiện việc đền bù, giải tỏa, tái định cư đã tiến hành san lấp mặt bằng khiến đến mùa mưa nhà của dân bị ngập nước; việc áp giá đền bù chưa thỏa đáng, chưa thực hiện công khai dân chủ, còn mang tính áp đặt; khu vực tái định cư chưa có cơ sở hạ tầng nhưng Ban QLDAĐT&XD đã yêu cầu các hộ trên nhận đất làm nhà hoặc thuê nhà khác để ở giao mặt bằng cho Ban QLDA. Đặc biệt, 6 hộ nói trên cho biết: Đất của họ được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cấp từ năm 1987-1992, đã nộp lệ phí đất, đã có giấy chứng nhận QSDĐ, giá thị trường hiện nay là 4.000.000 đồng/m2 nhưng chỉ được đền bù với giá từ 22.000 đến 60.000 đồng/m2.

Về phản ảnh nói trên của 6 hộ, theo giải trình của Ban QLDAĐT&XD TP Quy Nhơn và căn cứ vào hồ sơ liên quan đến Dự án quy hoạch Khu dân cư Bông Hồng, chúng tôi nhận thấy:

Ngay sau khi có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch Khu dân cư Bông Hồng, UBND TP Quy Nhơn đã thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, và tiến hành các bước theo đúng trình tự quy định tại Nghị định 22/CP ngày 24-4-1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các văn bản hiện hành khác của Nhà nước.

Trong tháng 8-2001, Hội đồng giải phóng mặt bằng (HĐGPMB) đã họp toàn bộ dân (207 hộ) trong khu quy hoạch để công bố quy hoạch và các văn bản liên quan để thực hiện dự án. Theo biên bản, khu vực 3, phường Ghềnh Ráng (khu vực có 6 hộ trên) họp  ngày 5-8-2001 có đủ tất cả các hộ bị thiệt hại, và các hộ đã nhất trí bầu hai ông Nguyễn Văn Bảy và Nguyễn Văn Lợi làm đại diện vào tổ công tác đền bù, giải tỏa ở khu vực. HĐGPMB và các tổ công tác đã kiểm kê đất của từng hộ, có chữ ký của các chủ hộ để trình UBND tỉnh thu hồi đất và giao cho UBND TP Quy Nhơn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Bông Hồng. Ngày 25-1-2002, Sở Địa chính đã đến hiện trường cắm mốc giao đất theo quyết định. Việc áp giá đền bù, giá đất tái định cư cũng đã được HĐGPMB thực hiện đúng trình tự, thủ tục và các quy định hiện hành của Nhà nước, kể cả phần bổ sung theo các văn bản của UBND tỉnh, đơn giá đền bù được UBND tỉnh phê duyệt. UBND TP Quy Nhơn đã thành lập Đoàn phúc tra để đi phúc tra và giải quyết các khiếu nại của dân và đã ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại đến từng hộ có đơn khiếu nại. Những khối lượng kiểm kê thiếu cũng đã được tính bổ sung. Việc thông báo nhận tiền bồi thường đều có thông báo đến tận người dân để đăng ký nhận tiền, đến nay đã chi bồi thường cho 190/207 hộ với tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng.

Về vấn đề cấp đất tái định cư, HĐGPMB đã tổ chức họp dân và đã công bố công khai phương án giao đất tái định cư đã được UBND tỉnh phê duyệt và kết luận của Hội đồng xét duyệt nhà đất thành phố. Đến nay đã giao đất tái định cư cho 32/39 hộ.

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư thì hiện nay hạng mục san nền đã hoàn thành, hệ thống cấp thoát nước, đường giao thông, hệ thống điện đang triển khai thi công. Việc mùa mưa gây ngập úng cho các hộ nói trên đã được khắc phục từ năm 2002.

Như vậy, có thể nói trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu quy hoạch dân cư Bông Hồng, tuy công việc hết sức phức tạp nhưng HĐGPMB đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không có những vi phạm như 6 hộ trên đã phản ảnh.

Ban QLDAĐT&XD TP Quy Nhơn cho biết: Mặc dù HĐGPMB đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhưng hiện nay 6 hộ các ông Lâm Bình Tân, Nguyễn Đình Danh, Trần Văn Hữu, Vũ Đình Mai, Nguyễn Ngọc Cường, Nguyễn Hồng Minh vẫn không chịu nhận tiền bồi thường và nhận đất tái định cư để giao đất cho Ban QLDAĐT&XD, gây khá nhiều trở ngại cho việc thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu quy hoạch dân cư Bông Hồng. Hiện UBND TP Quy Nhơn đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến để giải quyết thỏa đáng vụ việc này.

. Lê Văn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hương có đúng pháp luật?  (03/12/2004)
Ban quản lý điện Tài Lương I ăn chặn tiền của dân  (17/11/2004)
Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Duyên Hải 2 có gây ô nhiễm môi trường?  (10/11/2004)
Cần xác minh, giải quyết việc công nhận liệt sĩ cho ông Thái Văn Bảy   (05/11/2004)
Lấn chiếm xây cất nhà trái phép ở một đìa làng  (22/10/2004)
Có được phép xây dựng nhà "siêu mỏng" ở mặt phố?   (19/10/2004)
Thư đi - Tin lại:   (14/10/2004)
Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh tiếp thu ý kiến phản ảnh của Báo Bình Định   (11/10/2004)
Đề nghị tạm hoãn thi hành án "lộn sân"   (03/10/2004)
Một trường hợp đối tượng chính sách không nhận "nhà tình thương": Nghĩa tình chưa trọn  (29/09/2004)
Hãy để cho "dân bàn"   (24/09/2004)
Vụ "Cây xăng vừa hoàn thành đã trùm mền": Cẩn thận khi "chơi" với B "phẩy"   (10/09/2004)
Xóm núi bị lũ  (31/08/2004)
Vì sao công trình xây dựng Nhà truyền thống Chi bộ Cửu Lợi chậm hoàn thành?   (24/08/2004)
Vì sao công trình xây dựng Nhà truyền thống Chi bộ Cửu Lợi chậm hoàn thành?   (24/08/2004)