Năm 1999, UBND huyện Phù Cát có quyết định giao đất sản xuất lâm nghiệp ở xã Cát Hiệp cho người dân địa phương phát triển kinh tế trang trại. Đến nay, sau 5 năm đầu tư sản xuất, một số trang trại trồng điều, xoài… đã bắt đầu cho thu hoạch. Mới đây, UBND xã Cát Hiệp tiến hành quy hoạch xây dựng khu dân cư tập trung của xã đã làm ảnh hưởng đến một số diện tích đất trang trại đã giao cho dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã không thực hiện các chế độ đền bù, giải tỏa hợp lý đã làm nhiều hộ dân bất bình.
Trước năm 1998, khu vực thôn Hòa Đại (Cát Hiệp) là vùng đất hoang hóa bạc màu, chính quyền địa phương nhiều lần vận động người dân các vùng khác đến xây dựng khu kinh tế trang trại. Lúc đầu, nhiều người từ chối không dám nhận đất vì nhìn thấy đất đai ở đây kém màu mỡ, các điều kiện về thủy lợi, giao thông đi lại khó khăn, khó có thể mang lại hiệu quả cao. Năm 1999, để khuyến khích người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, UBND huyện Phù Cát đã quyết định cấp quyền sử dụng đất lâu dài với thời hạn 50 năm cho người dân. Đến nay, qua thời gian khai hoang, đầu tư canh tác, nhiều trang trại cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch. Thế nhưng, những công sức mà người dân đã đổ vào các trang trại chưa thu lại được bao nhiêu thì mới đây UBND xã Cát Hiệp tiến hành cho quy hoạch, san ủi hệ thống đường giao thông khu dân cư tập trung, làm ảnh hưởng đến nhiều trang trại của người dân. Điều đáng nói là khi thi công công trình, UBND xã đã không hề có một văn bản, giấy tờ đền bù hoặc thu hồi đất để người dân biết. Việc tự ý san ủi mặt bằng, xây dựng đường giao thông của UBND xã Cát Hiệp đã làm cho nhiều người dân địa phương bất bình.
Anh Nguyễn Hữu Hiệp có diện tích 2,8 ha đất tại tiểu khu 239 thuộc thôn Hòa Đại. Hơn 5 năm qua, gia đình anh đã đầu tư hàng chục triệu đồng để đào giếng lấy nước tưới, trồng hơn 300 cây điều và xoài. Đến nay, cây điều đã bắt đầu ra trái, mỗi cây trung bình cho thu nhập 200.000 đồng/năm. Thế nhưng, việc xây dựng công trình trung tâm cụm xã Cát Hiệp đã chiếm của trang trại anh một diện tích đất khá lớn, một số cây điều và xoài đang bắt đầu cho quả nằm trong vùng quy hoạch đã phải chặt bỏ, nhưng anh không được nhận tiền đền bù hỗ trợ. Còn hộ ông Nguyễn Tiến có diện tích được cấp 1,5ha thuộc tiểu khu 239 trồng 150 cây điều và xoài, có khoảng 35 cây nằm trong vùng quy hoạch nhưng cũng không được UBND xã đền bù thỏa đáng. Ông Tiến cho biết: "Trong cuộc họp ngày 28-3, UBND xã Cát Hiệp có phổ biến kế hoạch xây dựng trung tâm cụm xã và biểu giá đền bù cây lâm nghiệp nhưng giá đưa ra quá thấp. Mỗi cây điều có trái giá cao nhất chỉ 80.000đồng/cây, chưa có trái 20.000đồng/cây; xoài giá cao nhất 60.000đồng/cây." Trong khi đó, cách đây 5 năm ông đã bỏ ra từ 10.000-15.000 đồng để mua một cây giống, đó là chưa kể tiền phân bón và công lao động trong thời gian qua. "Thông báo của xã là vậy nhưng khi công trình bắt đầu thi công các hộ dân vẫn chưa nhận được một văn bản đền bù nào từ chính quyền địa phương, riêng việc đền bù đất thì xã chưa có ý kiến cụ thể ?" - ông Tiến nói.
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp ông Châu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp và được ông cho biết: "Cát Hiệp là một xã nghèo, ngân sách khá hạn hẹp nhưng vì điều kiện phải tập trung xây dựng nhanh khu quy hoạch dân cư tập trung nên kinh phí đền bù, giải tỏa cho các hộ dân rất khó khăn. Do đó, việc đền bù, giải tỏa cho các hộ dân chưa được thực hiện một cách chu đáo!". Ông Anh cũng thừa nhận việc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trong thời gian qua của UBND xã là vội vàng và chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các hộ dân trong vùng quy hoạch. Để giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân, mới đây, UBND xã Cát Hiệp đã cho tạm ngừng thi công công trình và mời các hộ dân có diện tích đất và cây công nghiệp nằm trong vùng quy hoạch để tìm các biện pháp tháo gỡ. UBND xã Cát Hiệp cũng đã làm tờ trình gởi lên UBND huyện đề nghị cho thu hồi những diện tích đất đã cấp cho người dân trước đây để thuận tiện cho việc xây dựng công trình.
Tuy cách giải quyết của UBND xã Cát Hiệp trong thời gian qua là kịp thời, nhưng đây cũng là bài học cần được rút kinh nghiệm. Bởi lẽ, với cách làm nóng vội, chủ quan của chính quyền xã Cát Hiệp thì có nhiều lý do để người dân địa phương hiểu lầm là cán bộ tự ý quy hoạch lấy đất của dân để làm lợi riêng cho bản thân.
. Nguyễn Hân - Ngọc Oanh |