Nhơn Hòa: người dân vẫn sống cùng ô nhiễm
17:7', 4/7/ 2004 (GMT+7)

Nếu có cuộc thi thử sức chịu đựng, có lẽ người dân thôn Phú Sơn, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn sẽ đạt giải nhất. Hàng chục năm nay, họ phải "ba cùng" với ô nhiễm từ bụi đá, rác và ruồi…

* Khổ vì bụi đá

Bác Phạm Kim Thành chỉ tay vào vết nứt chạy dọc ngôi nhà

Toàn xã Nhơn Hòa có tới 8 doanh nghiệp (DN) khai thác đá xây dựng. Trong đó, chỉ riêng trên địa bàn thôn Phú Sơn đã có tới 3 DN hoạt động trên lĩnh vực này là Công ty TNHH 28-7, Công ty Quản lý giao thông thủy bộ Bình Định và Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Bình Định. Ngày nào, các DN này cũng nổ mìn vào khoảng 10h30 đến 11h30. Ngoài tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của dân vào đúng thời điểm nghỉ ngơi, việc nổ mìn còn làm chấn động cho khu vực dân chung quanh, làm nứt nhiều nhà dân. Ngay như ngôi nhà của bác Pham Kim Thành mới xây dựng từ tháng 12-2003, được kiềng móng, kiềng mái rất cẩn thận nhưng cũng đã có một vết nứt chạy dọc tường.

Ngoài ra, việc khai thác đá nhưng lại không thường xuyên sử dụng và vận hành hệ thống phun tưới nước cũng như các biện pháp ngăn ngừa phát tán bụi xung quanh, khiến bụi đá cứ tán phát vào nhà dân. Bác Phạm Văn Cẩn, cho biết: "Mùa gió nam còn đỡ chớ mùa gió nồm (từ tháng 1 đến tháng 5) thì bao nhiêu bụi bặm cứ tấp vào nhà". Còn con suối chảy ngang cầu Bà Đờn thì vào mùa mưa gần như bị lấp do bụi đá từ công trường khai thác theo nước dồn xuống. Không thoát được, nước ứ lại, cứ thế tuôn vào nhà dân, tràn cả qua Quốc lộ 19 hàng mấy tấc. Khổ một nỗi, suối bị nghẽn, nhưng người dân lại không dám khơi nguồn, vì nước tràn ra đồng sẽ lại gây ra sa bồi.

* Sống chung với rác

Cùng với bụi đá, từ gần chục năm nay, người dân thôn Phú Sơn còn phải sống chung với rác và ruồi. Nguyên bãi rác Nhơn Hòa đã tồn tại ở đây từ nhiều năm nay. Bãi rác có diện tích khoảng hơn 1000m2, là nơi đổ rác thu gom từ hai thị trấn Đập Đá và Bình Định của huyện An Nhơn. Không có biện pháp xử lý, rác đang gây ô nhiễm nghiêm trọng và trực tiếp ảnh hưởng đến 300 hộ dân ở Phú Sơn. Có mặt tại hiện trường vào sáng 23-6, đập vào mắt chúng tôi, bức tường bao ngăn cách bãi rác với khu vực lòng suối đổ ra cầu Bà Đờn nay đã bị đổ gần hết. Đáng ngạc nhiên là ở khu vực bãi rác, phía trong tường bao, rác lại có phần ít hơn trong lòng suối. Do vậy, thật dễ hiểu là vào mùa mưa, nước bẩn theo dòng suối chảy xuống, đến cầu Bà Đờn thì bị ứ, tràn vào nhà dân. Thậm chí, có lúc, các xe đổ rác tấp và đổ ngay tại nghẹo Bà Nho (sát cạnh nhà dân). Không có biện pháp xử lý, rác lộ thiên, tấp thành những đống cao, bốc mùi hôi thối ra cả một khu vực xung quanh. Kéo theo rác là ruồi. "Mấy tháng nắng, dọn bữa cơm ra chưa kịp thò đũa thì đã thấy ruồi từng đàn kéo đến" - bác Phạm Văn Cẩn cho biết.

* Đã xử lý nhưng vẫn tồn tại

Hàng chục năm, người dân Phú Sơn liên tục gửi kiến nghị lên các cấp, các ngành chức năng. Sau nhiều lần khiếu nại về những ảnh hưởng do bụi đá và nổ mìn khai thác đá, ngày 18-9-2001, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Bình Định đã cử một đoàn cán bộ đến làm việc, xem xét các nội dung liên quan đến kiến nghị của người dân trong vùng. Ngày 27-9, Sở này đã có quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo về bảo vệ môi trường. Quyết định ghi rõ: "Trong quá trình khai thác khoáng sản tại núi Sơn Triều, các công ty trên không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện đúng các yêu cầu ghi tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đề ra, đã gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là bụi nổ mìn gây chấn động, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt bình thường của nhân dân thôn Phú Sơn, đúng như đơn phản ánh". Cũng trong quyết định này, Sở KH-CN-MT đã kiến nghị UBND huyện An Nhơn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 3 DN nêu trên. Tuy nhiên, điều đáng nói là từ sau quyết định nói trên, theo phản ánh của người dân Phú Sơn, tình hình ô nhiễm cũng không được cải thiện bao nhiêu. Đến thời điểm chúng tôi viết bài này, ở Phú Sơn, người dân vẫn sống chung với bụi đá.

Còn về bãi rác, theo ông Lê Kim Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, người dân cũng đã không ít lần kiến nghị, UBND huyện An Nhơn cũng đã về tận nơi giải quyết. Sau đợt đó, việc vận chuyển và đổ rác có quy củ hơn, UBND xã cũng đã hợp đồng với một người dân sống gần bãi rác để theo dõi việc đổ rác của các xe chở rác. Việc giải quyết chỉ mới dừng lại ở đó. Còn những biện pháp xử lý rác thải thì vẫn chưa thấy thực hiện. Đến nay, tình hình ô nhiễm do bãi rác ở Phú Sơn vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.

Cùng với ô nhiễm về mùi hôi và ruồi, rác và bụi đá kéo theo nhiều căn bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trạm Y tế xã Nhơn Hòa phải cấp thuốc cho người dân bỏ vào giếng khử trùng bởi mạch nước ngầm bị ô nhiễm. Theo ông Huỳnh Văn Thành, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã, "Khoảng 4 đến 5 năm gần đây vùng Huỳnh Kim, Phú Sơn, số người bệnh tật ngày càng nhiều. Chủ yếu là các bệnh liên quan đến vệ sinh môi trường như ỉa chảy, sốt xuất huyết, viêm phổi trẻ em, bệnh về mắt… ".

Hiện nay, người dân Phú Sơn vẫn phải tự an ủi: "Thôi thì dân miền Tây sống chung với lũ còn dân Phú Sơn thì sống chung với ruồi và bụi đá…".

. Hoài Thu

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thi công công trình khu dân cư tập trung xã Cát Hiệp (Phù Cát): Vì sao trở ngại?   (27/06/2004)
Cầu Đun đã nối đôi bờ   (25/06/2004)
Rất hoan nghênh Báo Bình Định đã nêu những hiện tượng tiêu cực ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới   (24/06/2004)
Mong Báo Bình Định tiếp tục mổ xẻ cái ung nhọt 77-01S   (23/06/2004)
Đã khắc phục sự cố nổ mìn bắn đá gây thiệt hại cho 22 hộ dân   (18/06/2004)
Cần làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Cung   (16/06/2004)
Báo Tuổi Trẻ trao 2,3 triệu đồng của bạn đọc cho 5 trẻ mồ côi ở Phước Thuận  (08/06/2004)
Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh tặng quà cho trẻ em mồ côi  (08/06/2004)
Không phải là nhà chờ xe buýt   (07/06/2004)
Thư đi - Tin lại   (26/05/2004)
Thư đi - Tin lại  (20/05/2004)
Thư đi - Tin lại   (14/05/2004)
Học sinh, sinh viên đến Quy Nhơn trọ học đang gặp khó khăn vì thủ tục tạm trú  (25/04/2004)
Thư đi - Tin lại  (01/04/2004)
Thư đi - Tin lại  (29/03/2004)