* Bạn Lê Minh Trung, Hộp thư 17, Bưu điện An Khánh, Quận 2, TP.HCM (leminhtrung@gawab.com):
Em là Lê Minh Trung, một độc giả thường xuyên của BinhDinh online. Thời gian qua, nhờ tiếp xúc được nhiều với internet nên em thường xuyên truy cập vào trang web của quý báo và thấy các chuyên mục thật hấp dẫn và bổ ích.
Em hiện đang làm tại một cửa hàng internet (internet service) do vậy thời gian tiếp xúc với internet rất nhiều. Nay, em muốn được tham gia viết tin, bài cho Báo Bình Định và trở thành một cộng tác viên của quý báo.
Vậy cho em biết em cần phải làm gì? Em có thể viết hoặc dịch tin, bài, sau đó gởi qua email được không? Và chế độ nhuận bút đối với cộng tác viên như thế nào?
- Tòa soạn rất hoan nghênh ý định muốn viết bài cộng tác với báo Bình Định của bạn. Bạn có thể viết, dịch những gì mà bạn tâm đắc và cảm thấy cần thiết, trong đó ưu tiên cho những vấn đề có liên quan đến Bình Định. Bài được chọn đăng sẽ được trả nhuận bút. Rất mong sớm nhận được bài cộng tác của bạn. Chúc khỏe.
* Anh Nguyen Manh Cuong, Praha (nguyencuong@volny.cz):
Kính gửi tòa soạn: Xin cung cấp cho chúng tôi địa chỉ liên lạc của Công ty Cổ Phần Khoáng sản Bình Định. Xin cảm ơn.
- Địa chỉ của Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định là 11 Hà Huy Tập, TP Quy Nhơn, Bình Định. Điện thoại: 84.56.822204.
* Bạn Uyên (nhobentre2000@yahoo.com):
Tôi xin tự giới thiệu tôi tên Uyên, quê ở Bến Tre -xứ dừa Nam Bộ, một độc giả trung thành của Bình Định online suốt thời gian qua. Ngoài những tin tức, ẩm thực xứ dừa, v.v…, tôi còn say sưa đọc Sông Côn mùa lũ, theo dõi 2 ngày một lần truyện này. Rất cảm ơn tòa soạn đã có nhiều cố gắng trong việc làm phong phú tờ báo để bạn đọc thưởng thức.
- Rất cảm ơn bạn đã thường xuyên đọc báo Bình Định điện tử. Trước đây, cứ một tuần chúng tôi cập nhật 3 chương Sông Côn mùa lũ, mỗi lần một chương, nhưng bắt đầu từ hôm nay (16-8), được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà văn Nguyễn Mộng Giác (tác giả Sông Côn mùa lũ, đang sinh sống tại Mỹ), một tuần chúng tôi sẽ cập nhật 4 chương Sông Côn mùa lũ. Mong bạn tiếp tục đón đọc.
* Bạn Vương Tử Nghi (vtunghi@yahoo.com):
Đã hơn 20 năm nay, tôi thường xuyên tắm biển tại khu vực khách sạn Hải Âu, khách sạn Cosevco, thường xuyên thấy khách du lịch (do không biết rõ bờ biển Quy Nhơn) bị những vết thương nặng khi tắm tại vùng bờ biển này. Dĩ nhiên, dân tắm biển Quy Nhơn thì không bị vì đã biết rất rõ những mối nguy hiểm đang rình rập dưới chân để mà tránh.
Đó là những cọc sắt nhọn đã rỉ sét cắm dọc theo bờ biển. Tôi tìm hiểu mới biết đó là những cọc sắt neo các đường ống dẫn nước nuôi tôm của các hộ dân trước kia (nay đã giải tỏa) còn sót lại, bị nước biển bào mòn nên có cạnh rất sắc.
Nếu có ai đó bị thương một lần thì có lẽ sẽ không bao giờ dám tắm biển du lịch tại bờ biển Quy Nhơn nữa. Rất mong sự phản ánh của quý báo để các cơ quan chức năng khắc phục tình trạng không hay như đã nêu, tạo yên tâm cho khách du lịch khi đến biển Quy Nhơn.
- Cảm ơn bạn đã tin cậy và cung cấp thông tin cho báo Bình Định về chuyện các cọc sắt ở biển Quy Nhơn. Vấn đề này, báo Bình Định đã nhiều lần phản ảnh và sẽ tiếp tục phản ảnh để các cơ quan chức năng của thành phố và tỉnh lưu ý, có biện pháp khắc phục để biển Quy Nhơn ngày càng sạch đẹp hơn, tạo yên tâm cho du khách.
Một lần nữa, xin cảm ơn bạn và mong bạn tiếp tục thông tin cho báo Bình Định để chúng ta cùng góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
. Báo Bình Định |