Trong lúc chúng ta đang tìm mọi giải pháp để kiềm chế các vụ TNGT trên tuyến đường bộ thì tuyến giao thông đường thủy nội địa gần như đang bị bỏ ngỏ.
* Luồng tuyến lộn xộn, bến bãi tự phát
|
Lực lượng CSGT đường thủy tuần tra xử lý vi phạm trên tuyến giao thông đường thủy nội địa |
Bình Định có chiều dài bờ biển gần 150 km, có nhiều đầm, vịnh, sông ngòi chảy ra biển. Hiện nay trong tỉnh có 8 tuyến giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), trong đó có 2 tuyến ven biển với tổng chiều dài gần 200 km. Gọi là tuyến, nhưng hầu hết đều hình thành một cách tự phát. Nghị định 40/CP của Chính phủ ra đời đã lâu nhưng trên hệ thống GTĐTNĐ ở Bình Định bị các cơ quan chức năng "quên" lắp đặt các biển báo, phao đèn tín hiệu. Điều đáng lưu ý là trên tuyến Quy Nhơn - Cát Chánh, luồng lạch rất phức tạp, nhiều bãi bồi, đá ngầm nhưng không hề có biển báo phân luồng chỉ dẫn giao thông. Đó là chưa kể vô số chồ, đăng lưới của ngư dân đón bắt thủy sản tạo nên những chướng ngại rất nguy hiểm. Các phương tiện lưu thông lúc thủy triều rút hoặc ban đêm có nguy cơ chìm đắm bất cứ lúc nào. Thượng tá Nguyễn Xuân Phụng - Trưởng phòng cảnh sát GTĐT nói trong sự bất lực: "Biết là họ sai nhưng không có cơ sở xử lý vì đâu có hệ thống biển báo luồng lạch".
Luồng tuyến đã vậy, bến bãi cũng không hơn gì. Việc quy hoạch, sử dụng và quản lý bến bãi đang gây nhiều bức xúc. Trong tổng số 39 bến đò và 6 bến cá đang hoạt động ở vùng thủy nội địa của tỉnh thì chỉ có 2 bến đò, 2 bến cá được cấp giấy phép nhưng vẫn chưa hội đủ các điều kiện an toàn theo quy định của pháp luật. Ở cảng cá Quy Nhơn, cảng cá Đề Gi chưa được phân định ranh giới nên tàu thuyền cứ neo đậu bừa bãi. Thậm chí bãi đậu dọc bờ biển của phường Trần Phú tàu thuyền lấn sang bãi tắm của khu du lịch. Đó là mùa nắng, còn mùa sóng to biển động thì cảnh hỗn độn càng thấy rõ hơn khi các loại phương tiện chạy vào vịnh Quy Nhơn tránh bão, neo đậu lung tung chiếm cả luồng lạch của cảng Quy Nhơn. Nhiều trường hợp bị va đập dẫn đến xô xát giữa các chủ tàu, cơ quan chức năng phải vào cuộc mới ổn thỏa. Ở bến đò Đống Đa mặc dù tàu chở khách ra vào đông đúc nhưng cũng không tìm đâu ra biển báo, đèn tín hiệu ban đêm, giới hạn chiều cao tĩnh không, đoạn luồng và chiều sâu, cầu tàu cho khách lên xuống tạm bợ. Các ngành chức năng đều biết nhưng vẫn im lặng.
Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT đường thủy, cả tỉnh có 40 tàu chở khách đã đăng ký và trên 30 tàu hoạt động tự phát, 83 tàu vận tải hàng hóa tập trung ở TP Quy Nhơn và 3 huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Hiện nay còn không ít tàu thuyền không đủ điều kiện an toàn, không đăng ký, không có biển kiểm soát vẫn cứ vô tư hành nghề. Người điều khiển phương tiện phần lớn chưa được đào tạo, chỉ dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối. Trên những phương tiện lưu thông đường thủy còn thiếu các loại phao, xuồng cứu sinh, phương tiện chữa cháy.
* Làm gì trước mùa mưa bão?
Từ năm 2000 đến quý 1 năm 2004, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ TNGT đường thủy, trong đó có 7 vụ TNGT làm chết 15 người. Trong 9 vụ có 5 vụ (gây chết 11 người) do thuyền nan tự gây ra. Hầu hết các vụ đều xảy ra ở các bến đò ngang trên các sông lớn trong mùa bão lũ, nằm ngoài luồng, tuyến kiểm tra của CSGT đường thủy. Vì vậy, trong mùa mưa bão đến gần, cảnh sát GTĐT sẽ phối hợp với công an các huyện và TP Quy Nhơn tăng cường quản lý các bến đò trên các triền sông, không để những người không đảm bảo sức khỏe hoặc không đủ tuổi chống đò chở khách. Phương tiện cũ nát, không phao cứu sinh kiên quyết không cho hoạt động. Công tác tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm an toàn GTĐTNĐ như không bằng lái, chứng chỉ hành nghề, không phao cứu sinh sẽ kiên quyết hơn nhằm hạn chế những tai nạn xảy ra. Nhưng mọi nỗ lực đó chưa thể là biện pháp để đẩy lùi TNGT đường thủy.
Cùng với giao thông đường bộ, GTĐTNĐ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Vì vậy, thật là thiếu sót nếu các ngành, các cấp xem nhẹ không chịu đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để từng bước phát triển thế mạnh của GTĐTNĐ ở một tỉnh duyên hải. Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2005 sẽ là một thách thức lớn cho thực trạng đường thủy nội địa còn nhiều bất cập như ở Bình Định.
. Tấn Tài
|