Hà Công Phúc (1972, ở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) sống bằng nghề nông, hết mùa thường cùng một số người ở địa phương đi tìm sắt phế liệu để bán. Phúc chuẩn bị cho mình một số dụng cụ, trong đó có bộ dò tìm kim loại và đến nhiều nơi trong huyện Vĩnh Thạnh để tìm phế liệu kim loại.
Sáng ngày 4-5-2004, trên đường đi tìm phế liệu, Phúc ghé vào quán ăn sáng tại quán ăn ở thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo và gặp Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Thành Hưng và Nguyễn Thành Nhơn ở cùng thôn đang ngồi trong quán. Khi biết những người này đi tìm phế liệu kim loại, Phúc xin đi cùng. Khi đến gần làng K74, xã Vĩnh Kim, tất cả gửi xe tại trại canh dưa bên bờ sông Kôn rồi chống bè qua bên kia bờ sông, đi bộ đến đồi Kong Yang En thuộc xã Vĩnh Kim, sau đó chia nhau rà tìm. Khoảng 9 giờ sáng, bộ kích điện phát tín hiệu nên Phúc lấy cuốc mang theo đào sâu xuống lòng đất khoảng 0,4m thì phát hiện một cái chén làm bằng đồng (còn gọi là dùa) và một số mảnh kim loại bằng đồng khác. Tuy biết đó là những vật dụng chôn theo mộ người chết của đồng bào Ba na nhưng Phúc vẫn lấy tất cả bỏ vào bao đem về.
Buổi trưa hôm đó, khi cả nhóm tập trung lại ăn cơm, Phúc mang cái chén đồng ra cho mọi người xem. Hưng và Nhơn nhìn thấy, biết là cái dùa đã nói với Phúc: "Đây là đồ bỏ mả của đồng bào Ba na, đem trả lại chỗ cũ nếu không làng bắt vạ đấy". Tuy được những người trong nhóm nhắc nhở và trước đó trong thâm tâm Phúc biết việc làm của mình là sai nhưng Phúc vẫn không nghe theo, lẳng lặng đem cái dùa bỏ vào bao đựng phế liệu kim loại của mình.
Khoảng 17 giờ, trên đường về, cả nhóm bị dân quân làng K74, xã Vĩnh Kim giữ lại kiểm tra. Phúc bị lập biên bản vì những mảnh kim loại và cái dùa tìm thấy trong bao đựng phế liệu của Phúc được xác định là những vật dụng chôn theo người chết của dân làng. Qua khám nghiệm hiện trường và điều tra xác minh thu thập chứng cứ, Công an huyện Vĩnh Thạnh đã có đủ căn cứ xác định cái dùa và những mảnh kim loại bằng đồng mà Phúc có được là do y đào lấy từ ngôi mộ của Định Thị Ép - con gái của bà Đinh Thị Nênh, chết năm 1978 được chôn cất tại đồi Kong Yang En thuộc làng K74, xã Vĩnh Kim.
Đến lúc này, Phúc mới thật sự nhận thấy hậu quả nghiêm trọng do mình gây ra. Y đã trực tiếp đến nhà bà Nênh xin lỗi và bồi thường 2 triệu đồng để gia đình cúng theo phong tục địa phương. Dân làng cũng như gia đình bà Nênh đã chấp nhận không khiếu nại Phúc về hành vi trên. Tuy nhiên, căn cứ vào Bộ luật hình sự, hành vi đào mộ Đinh Thị Ép của Phúc đã phạm vào tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" nên các cơ quan pháp luật huyện Vĩnh Thạnh đã khởi tố vụ án và bị can đối với Phúc. Cuối tháng 9-2004 vừa qua, tại phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Vĩnh Thạnh xét xử, Hà Công Phúc đã trả giá cho hành vi xâm phạm mồ mả nói trên bằng bản án 6 tháng tù giam.
. Thái Văn
|