Hậu trường pháp đình:
Tranh đất gia tộc, hết nghĩa anh em
11:20', 27/10/ 2004 (GMT+7)

Ra tòa với tư cách bị đơn dân sự, ông Liệt đã không kìm nén nổi những uất ức do chính những anh chị em ruột của ông đã tham của, bỏ tình nên ông bật khóc và có những lời trách mắng thật nặng nề. Bên nguyên đơn là một người anh, một người chị và đứa em gái út của ông Liệt thì cho rằng đất ông bà để lại phải ăn đều, chia đủ, ông Liệt không thể hưởng một mình.

Những đứa cháu gọi ông Liệt bằng chú, bằng cậu giờ đây vì tranh chút quyền lợi vật chất đã có lời lẽ xúc phạm đối với ông Liệt, chúng hăm dọa sẽ "đổ máu" để giành lại mảnh đất của ông bà. Cuối cùng tuy ông Liệt thắng kiện, nhưng ông đã cay đắng vì tình ruột thịt của gia đình ông có lẽ đã hết.

Gia đình ông Liệt có năm anh chị em, ông Lẫm là anh cả, bà Thủy là chị kề, đến ông Liệt, rồi bà Hòa và người em gái út là bà Thúy. Ông Lẫm sinh sống ở thành phố. Bà Thủy, bà Hòa và bà Thúy lấy chồng ở xa, ít khi về thăm nhà. Chỉ có ông Liệt ở với cha mẹ và ông nội trong một ngôi nhà chật chội, trên một thửa đất khoảng 6 sào (tương đương 300 m2) ở vùng trũng thấp, dọc quốc lộ. Trên 30 năm nay, vợ chồng ông Liệt đã nuôi, chăm sóc và lo ma chay, mồ mả lần lượt từ ông nội, mẹ và mới đây là người cha vừa qua đời ở tuổi 93. Trừ bà Hòa ra, còn lại ông Lẫm, bà Thủy và bà Thúy chỉ có "công" về khóc mỗi lần ông nội và cha mẹ qua đời.

Về ngôi nhà và thửa đất ông Liệt đang ở và có tranh chấp, nguyên thủy là đám ruộng nước của cha mẹ anh em ông Lẫm. Năm 1966, ngôi nhà cũ của cha mẹ ông Lẫm (ở vùng khác) bị trúng bom cháy sạch, nên gia đình tản cư đến dựng tạm ngôi nhà tranh trên thửa ruộng này. Các anh chị em ông Liệt lớn lên mỗi người sống ở mỗi nơi, ông Liệt do có cố tật bẩm sinh nên không bị chính quyền cũ "bắt lính" và là con trai út nên có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ và ông nội. Trong suốt thời gian sinh sống trên thửa đất này, ông Liệt và vợ con nhặt từng cục đất gánh về bồi đắp cho mảnh vườn ngày một cao ráo và màu mỡ. Vợ chồng ông Liệt đã cật lực lao động, dành dụm xây cất được ngôi nhà ngói khang trang để cha mẹ và ông nội an hưởng tuổi già. Ai cũng bảo rằng vợ chồng ông Liệt thật hiếu thảo, kể cả các anh chị em ông Liệt cũng thừa nhận điều đó. Thế nhưng, khi thấy xóm làng nơi ông Liệt ở ngày một đông đúc, giá đất ngày càng cao thì ông Lẫm, bà Thủy và bà Thúy làm đơn đòi chia phần di sản thừa kế theo luật đối với ngôi nhà và thửa đất mà ông Liệt đang ở, chỉ riêng bà Hòa là phản đối cật lực việc làm không hợp lý, hợp tình của ông Lẫm, bà Thủy và bà Thúy.

Do cha mẹ ông Liệt khi còn sống đã đồng ý cho ông Liệt đứng tên và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nên tòa án đã bác đơn yêu cầu chia di sản thừa kế của các nguyên đơn.

Thực ra, thửa đất ông Liệt đang ở có giá trị hiện tại chưa đến một trăm triệu đồng, nếu không có sự bồi trúc của gia đình ông Liệt thì nó cũng chỉ là một ruộng lúa chứ không phải là đất ở và cũng sẽ không có sự tranh chấp đáng tiếc xảy ra. Thua kiện, ông Lẫm, bà Thủy và bà Thúy đã không về họp mặt trong ngày giỗ đầu của cha tại nhà ông Liệt như lâu nay. Buồn thay, chỉ vì một chút quyền lợi vật chất mà tình anh em phải đành chia cắt!

. Ngọc Diên

CÁC TIN KHÁC >>
Tóm được 2 tên cướp giật  (27/10/2004)
Làm càn vì ma men!  (26/10/2004)
Hai vợ chồng cùng ra tòa vì buôn thuốc lá ngoại nhập lậu  (26/10/2004)
Tin Đầu làng... cuối phố  (26/10/2004)
Tin Đầu làng... cuối phố  (25/10/2004)
Say rượu, gây tai nạn chết người   (22/10/2004)
Từ mối tình trên chuyến xe khách   (22/10/2004)
Cướp dây chuyền không thành: 3 năm tù giam  (22/10/2004)
Một cú đánh phải trả giá 4 năm tù giam và 70 triệu đồng  (21/10/2004)
Hàng trăm người cùng tham gia bắt cướp   (21/10/2004)
Tin Đầu làng… cuối phố   (21/10/2004)
89.000 đồng đổi 3 năm tù   (20/10/2004)
Tin Đầu làng... cuối phố   (20/10/2004)
Đưa bạn hầu tòa  (20/10/2004)
Hăm dọa một nữ sinh để lấy tiền ăn chơi  (19/10/2004)