"Luật rừng" trên biển
15:59', 22/4/ 2004 (GMT+7)

Các chủ phương tiện vận tải khách trên tuyến đường thủy Quy Nhơn - Nhơn Hội đã và đang thực hiện một kiểu "luật rừng" nhằm giành độc quyền khai thác tuyến đường thủy này. Tồn tại gần 8 năm nay và không chỉ gây thiệt hại cho  nhân dân, kiểu "luật rừng" này còn tiềm ẩn những hậu quả khó lường.

* Sóng ngầm

Bến đò Đống Đa, Quy Nhơn (T.G)

Tuyến đường thủy Quy Nhơn - Nhơn Hội chiều dài khoảng 6 cây số, mỗi ngày có 8 chuyến thuyền đi - về. Giá vé mỗi người 1.500đ (chưa tính cước xe đạp, xe máy, hàng hóa khác). Phục vụ tuyến đường thủy này có 3 thuyền máy của Tổ hợp Thành Công (xã Nhơn Hội) và 2 thuyền máy của HTX đường thủy Quy Nhơn. Lượng khách ổn định, ngày thường khoảng 300 lượt khách qua lại; ngày thứ 7, chủ nhật khoảng 500 lượt khách và lễ, hội khoảng 1.000 lượt khách, dịp Tết Nguyên đán lượng khách tăng lên gấp nhiều lần… Nhu cầu đi lại của khách cao, trong khi đó số tàu thuyền ít nên vào dịp lễ, tết, các chủ phương tiện nâng giá từ 1.500đ lên 10.000đ một người.

"Dư luận về sự bắt chẹt hành khách này chúng tôi nghe đã lâu, nhưng đến đầu tháng 4-2004 này mới có dịp kiểm chứng" - Ông Nguyễn Đình Sô, Chủ tịch xã Nhơn Hội thừa nhận - "Trong các buổi họp dân, UBND xã đã nhiều lần nhắc nhở bà con, dù ngày gì, khi lên thuyền cũng cứ theo giá 1.500đ mà trả, ai lấy thêm dù chỉ một xu cũng không đưa. Thế nhưng bà con không làm theo, các chủ phương tiện hỏi bao nhiêu trả bấy nhiêu". Ông Sô còn cho biết thêm, sắp đến UBND xã sẽ cho cắm biểu giá đi thuyền tại bến đò Hội Lộc để bà con biết thực hiện.

Không chỉ bắt chẹt hành khách, các chủ phương tiện nói trên còn tìm nhiều cách ngăn chặn để độc quyền khai thác dịch vụ vận chuyển khách tuyến đường thủy này. Nhiều gia đình ở Nhơn Hội, Quy Nhơn có thuyền riêng, nhưng chỉ sử dụng trong gia đình gọi là thuyền gia dụng. Những chiếc thuyền này, nếu chở người nhà, bà con họ hàng đi việc riêng qua lại trên tuyến đường thủy Quy Nhơn - Hội Lộc đều phải tính đầu người trả cho chủ thuyền có chuyến xuất bến hôm đó. Không thực hiện yêu cầu này, nếu tại bến, họ ngăn không cho thuyền kia nhổ neo, còn gặp giữa đầm thì cho thuyền của họ húc vào thuyền gia dụng.

Trong số nhiều người bị hành hung và tận mắt chứng kiến việc này có anh Võ Quốc Tiến - Trưởng phòng Công tác chính trị - Công an tỉnh. Hôm đó anh cùng người nhà đi dự đám cưới bên Nhơn Hội, khi về lỡ chuyến nên phải thuê một chiếc thuyền để về. Đến giữa đầm, chiếc thuyền này bị  ông Huỳnh Văn Máy điều khiển thuyền mang số đăng ký BĐ 0468H từ Quy Nhơn chở khách về chặn lại đòi tiền, chủ thuyền bảo khách trả thêm, khách không chịu nên ông Máy cho thuyền của mình húc vào thuyền kia. Cũng may, sau ba lần húc, chiếc thuyền kia đều tránh được nên chưa xảy ra hậu quả. Hôm sau, Cảnh sát giao thông đường thủy triệu tập đến, ông Máy không những thừa nhận đã gây ra hành vi đó mà còn thách thức: Nếu xảy ra tai nạn chết người ông sẵn sàng chịu trách nhiệm (!)

Gần đây nhất, ngày 26-3-2004, Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức cho 40 giáo viên, sinh viên sang Hội Lộc tham quan. Do nhà trường thuê thuyền của HTX vận tải nên Trần Thanh Hà - điều khiển thuyền 0048H chạy chuyến hôm đó đã có 100 hành khách (trọng tải cho phép thuyền của Hà được chở không quá 40 người) - đòi HTX phải đưa cho mình 80.000đ. Yêu cầu của Hà không được chấp nhận nên anh ta đã nhảy xuống nước lấy dây neo tự cột mình vào chân vịt ngăn không cho thuyền nổ máy. Sau đó, HTX vận tải điều thuyền anh Trần Minh Kiệm chở 40 số khách trên thì Trần Thanh Hà dùng hung khí hành hung anh Kiệm. Trước đó, vài tiếng đồng hồ Trần Thanh Hà cũng đã có hành vi tương tự để ngăn không cho thuyền của HTX vận tải đường thủy chở đoàn công tác của phường Thị Nại gồm 30 người sang Nhơn Hội vì HTX không trả cho Hà 60.000đ.

* Những người tạo ra sóng ngầm

5 chủ thuyền ngang ngạnh này là Huỳnh Văn Máy, Đỗ Thị Sáu, Đỗ Thị Bảy thuộc Tổ hợp Thành Công và Nguyễn Thái Dũng, Trần Thanh Hà thuộc HTX vận tải đường thủy Quy Nhơn. Không chỉ tranh chấp khách mà mỗi lần như vậy Đỗ Thị Sáu, Đỗ Thị Bảy thường đứng ra chửi bới bằng những lời lẽ thô tục. Bà con thôn Hội Lộc, nhất là những hộ ở gần bến đò Hội Lộc rất bất bình khi phải chứng kiến cảnh tranh giành đó. Lãnh đạo xã Nhơn Hội cho biết: Tổ hợp Thành Công chỉ tồn tại trên danh nghĩa, từ ngày ra đời đến nay tổ hợp chưa đại hội lần nào, không có nơi làm việc, tổ trưởng là ông Huỳnh Văn Máy lại là chủ thuyền đã vì cái lợi trước mắt nên làm ngơ để các tổ viên tự do thao túng. Từ lâu họ không đóng góp gì cho ngân sách xã, thậm chí không đóng bảo hiểm hành khách theo quy định.

Chúng tôi được biết, ngày 6-12-2002 HTX đường thủy Quy Nhơn đã có cuộc họp gồm Ban chủ nhiệm, Ban kiểm soát HTX, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội và tổ trưởng Tổ hợp Thành Công bàn về việc củng cố hoạt động tuyến đường thủy Quy Nhơn - Nhơn Hội. Cuộc họp đã thống nhất nghiêm cấm các chủ thuyền ngăn chặn các phương tiện trên biển khi đang vận chuyển khách; thu giá cước đúng quy định… Tuy vậy, những hoạt động theo "luật rừng" trên tuyến đường thủy Quy Nhơn - Nhơn Hội vẫn tiếp diễn như đã nêu trên.

Có lẽ đã đến lúc các cấp cao hơn phải tham gia vào việc chấn chỉnh hoạt động vận tải khách trên tuyến đường thủy Quy Nhơn - Nhơn Hội để đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn…

. Mai Linh Giang

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trò lừa hoàn hảo  (22/04/2004)
Chứa mại dâm, 5 năm tù giam   (21/04/2004)
Chạy ẩu, một tài xế lãnh án 12 tháng tù   (21/04/2004)
Khởi tố Lê Quang Cường vì tội giết người cướp của  (20/04/2004)
Kết thúc điều tra vụ cá độ bóng đá lớn nhất Bình Định  (20/04/2004)
Thiết lập đường dây nóng để xóa "xe dù", "bến cóc", "cơm tù", "xe cướp"   (19/04/2004)
Chiếm đoạt trẻ em lãnh án 12 tháng tù giam   (19/04/2004)
Bị "cấm vận" nên... đốt nhà người tình   (19/04/2004)
Chạy xa vẫn không thoát   (18/04/2004)
Làm rõ thủ phạm giết người, cướp tài sản chỉ sau 3 giờ   (18/04/2004)
Công an Bình Định tăng cường công tác bảo vệ bầu cử đại biểu HĐND các cấp   (18/04/2004)